Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 đối với công tác Quản lý chất lượng, thanh tra, kiểm tra khối các sở GD&ĐT, Bộ GD&ĐT công bố thông tin đáng chú ý.
Theo đó, năm 2022 và 9 tháng của năm 2023, Thanh tra Bộ đã xử phạt vi phạm hành chính 95 lượt cơ sở giáo dục đại học với tổng số tiền phạt trên 3 tỉ đồng. Năm 2022, Bộ GD&ĐT xử phạt vi phạm hành chính đối với 78 cơ sở giáo dục đại học có hành vi vi phạm trong công tác tuyển sinh năm 2021.
Các vi phạm quy định về hoạt động tuyển sinh; mở ngành, chuyên ngành đào tạo đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 04/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, hiệu lực thi hành từ 10/3/2021.
Trong đó nêu rõ mức phạt với các vi phạm quy định về tổ chức, đối tượng, chỉ tiêu tuyển sinh; hành vi tự chủ mở ngành, chuyên ngành đào tạo không đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; tự chủ mở ngành, chuyên ngành đào tạo khi chưa đủ một trong các điều kiện theo quy định; gian lận để được cho phép mở đối với một ngành, chuyên ngành đào tạo; không đảm bảo duy trì một trong các điều kiện đã được mở ngành, chuyên ngành đào tạo theo quy định của pháp luật hiện hành.
“Luật chơi” - các quy định về tuyển sinh, mở ngành đã đầy đủ, rõ ràng; chế tài với các trường vi phạm cũng được thực hiện; nhưng số lượng trường vi phạm vẫn rất nhiều khiến chúng ta không khỏi băn khoăn.
Dường như có hiện tượng biết sai nhưng vẫn cố tình vi phạm, chấp nhận nộp phạt để tuyển sinh nhiều, mở thêm được ngành mới; vì lợi nhuận mà chấp nhận vi phạm, đánh đổi bằng chất lượng.
Việc vi phạm một cách chủ động đặt ra câu hỏi, phải chăng hình phạt chưa đủ sức răn đe? Hiện nay, mức phạt tiền cao nhất dành cho hành vi vi phạm quy định về hoạt động tuyển sinh là 100 triệu đồng; mức này với vi phạm quy định về mở ngành, chuyên ngành đào tạo là 40 triệu đồng.
Phía cơ sở giáo dục đại học, trước con số bị xử phạt như trên, có ý kiến bày tỏ những khó khăn của người trong cuộc. Trong đó cho rằng, việc đưa ra quy định tuyển sinh hướng tới người học là cần thiết, nhưng cho thí sinh được lựa chọn không giới hạn nguyện vọng và không phải chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình khi từ bỏ nhập học gây khó cho các trường.
Tỉ lệ ảo cao nên trường khó khăn để đưa ra số lượng phù hợp; thí sinh nhập học quá chỉ tiêu thì bị phạt, nhập học thấp sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu. Trong khi đó, 3 năm học phí không tăng nhưng lương và chi phí vận hành nhà trường tăng lên rất nhiều…
Để hạn chế sai phạm, việc kiểm tra, giám sát thường xuyên, chặt chẽ hơn nữa về chất lượng, công khai điều kiện bảo đảm chất lượng của các nhà trường là việc cần làm. Về phía cơ sở giáo dục đại học, phải hoàn thiện thể chế nội bộ; thực hiện nghiêm túc các quy định và tăng cường thanh tra, kiểm tra.
Cùng với đó, trước mắt, khi chưa thể tăng nguồn đầu tư cho giáo dục đại học, cần có những giải pháp để các trường tăng nguồn thu hợp pháp. Điều này một mặt cần tạo điều kiện từ cơ chế, chính sách; mặt khác rất quan trọng là sự năng động, quyết tâm của mỗi nhà trường. Chất lượng kém sẽ không thu hút được thí sinh, từ đó ảnh hưởng đến nguồn thu và khó đầu tư để nâng cao chất lượng. Vòng luẩn quẩn này, mỗi nhà trường phải nỗ lực để thoát ra bằng xây dựng uy tín từ chất lượng.
Giải pháp lâu dài, căn cơ hơn là quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục đại học để có thể tối ưu hóa sử dụng các nguồn lực, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của toàn hệ thống. Đồng thời, tăng cường đầu tư tài chính, nguồn lực cho các cơ sở giáo dục đại học, trong đó ngân sách Nhà nước phải là đầu tầu dẫn dắt đầu tư nguồn lực từ các nguồn khác.