Xây dựng Trường học hạnh phúc: Trang bị kỹ năng quản trị cảm xúc

GD&TĐ - Từ thực tế giảng dạy, các giáo viên, chuyên gia cho rằng, trong chương trình đào tạo SV sư phạm nên đào tạo kỹ năng cảm xúc xã hội từ năm nhất.

Cô Bùi Thị Ngọc Lan trong giờ lên lớp. Ảnh: NVCC
Cô Bùi Thị Ngọc Lan trong giờ lên lớp. Ảnh: NVCC

Những kỹ năng này sẽ giúp giáo sinh vững vàng hơn khi áp dụng trường học hạnh phúc.

Linh hoạt chuyển vai

Hơn 20 năm dạy học, cô Bùi Thị Ngọc Lan - giáo viên Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội) - cho rằng, gốc rễ của việc xây dựng “Lớp học hạnh phúc” chính là tình yêu thương. Nếu mọi ứng xử của các thành viên trong lớp học đều xuất phát từ trái tim thì sẽ nhận được hạnh phúc. Lớp học hạnh phúc – nơi các em thụ hưởng những quyền lợi, nhận thức được trách nhiệm của bản thân, chủ động sống tích cực và tự khẳng định mình với những ước mơ, hoài bão.

Theo cô Lan, xây dựng lớp học hạnh phúc, thầy cô phải thay đổi, đặc biệt là biết quản trị cảm xúc của mình để yêu thương, tôn trọng học sinh. “Có những lúc các em làm tôi “phát điên”. Những lúc đó, tôi chuyển vai từ người thầy sang người bạn, nói chuyện thẳng thắn, lắng nghe những khó khăn, bức xúc, trăn trở và cùng “các bạn ấy” giải quyết những tình huống, vướng mắc”, cô Lan chia sẻ.

Với học sinh cá biệt, cô Lan cảm hóa bằng chính tình yêu thương của một người mẹ; tôn trọng của một người bạn; khách quan của người thầy; nghiêm khắc của một người cha. “Tôi sẽ phối hợp với gia đình, với cán bộ tâm lý nhà trường, lắng nghe, thấu hiểu, phân tích, tư vấn trong quá trình giúp đỡ học sinh cá biệt”, cô Lan bật mí.

Từ thực tế giảng dạy của mình, cô Lan nhận thấy, nếu không biết cách quản trị cảm xúc, giáo viên dễ cảm thấy áp lực dẫn đến những phản ứng không đáng có. Điều này không phù hợp với lớp học hạnh phúc. Chính vì vậy, cô Lan cho rằng, các trường sư phạm cần chú trọng đào tạo, kỹ năng, năng lực quản trị cảm xúc cho sinh viên.

Ảnh minh họa/ INT.

Ảnh minh họa/ INT.

Điều này rất cần thiết bởi nếu giáo sinh nắm vững kiến thức và có kỹ năng quản trị cảm xúc sẽ chủ động hơn trong việc quản lý học sinh. Đặc biệt, các em sẽ chủ động đối diện với những khó khăn, áp lực của nghề dạy học. Vì thế, trang bị những kỹ năng, năng lực nghề nghiệp để các em tự tin giải quyết hài hòa mâu thuẫn (nếu có) là điều cần thiết. Qua đó, giúp sinh viên sư phạm biết cách dùng cảm xúc tích cực trong giao tiếp và thương lượng hiệu quả hơn trong công việc.

Chú trọng cả IQ và EQ

Đồng quan điểm, cô Nguyễn Thị Duyên - giáo viên Trường THPT Nguyễn Du (Hà Tĩnh) - nhìn nhận, quản trị cảm xúc là yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công và hạnh phúc cho mỗi cá nhân, cả cộng đồng xã hội. Đặc biệt ở lĩnh vực giáo dục, vấn đề quản trị cảm xúc ở thầy cô cực kỳ quan trọng. Thầy, cô giáo hạnh phúc là yếu tố đầu tiên tạo nên lớp học hạnh phúc. Tuy nhiên, không phải tất cả giáo viên đều có năng lực và kỹ năng quản trị cảm xúc khi lên lớp. Bởi thầy, cô giáo cũng có những vấn đề riêng của cuộc sống. Điều đó đã tác động, chi phối tâm trạng, cảm xúc của giáo viên, ảnh hưởng đến không khí và hiệu quả giờ học.

Bên cạnh đó, những vấn đề nảy sinh trên lớp: Tinh thần, thái độ học tập, ứng xử của học sinh… dễ làm thầy cô chán nản hoặc nóng giận. Quản trị cảm xúc là kết quả của việc học tập và rèn luyện thường xuyên và lâu dài. Vì những lẽ đó, đào tạo cho sinh viên sư phạm không chỉ chú trọng IQ, mà phải đào tạo EQ. “Trước đây, vấn đề này đề cập trong các môn Giáo dục học và Tâm lý học nhưng chưa được chú trọng đặc biệt.

Vì vậy, theo tôi, các trường sư phạm nên chú trọng hơn vào đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kỹ năng quản trị cảm xúc cho giáo sinh. Có như vậy, khi các em ra trường sẽ dễ dàng bắt nhịp yêu cầu chương trình mới, làm quen áp lực nghề nghiệp cũng như hiểu tầm quan trọng của lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc”, cô Duyên bày tỏ.

Thầy Đào Chí Mạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hội Hợp B (TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) - cho rằng, kỹ năng quản lý cảm xúc rất quan trọng, vì thế sinh viên sư phạm cần được đào tạo, bồi dưỡng phát triển ngay từ năm thứ nhất. Thực ra, các trường đào tạo giáo viên đều có môn Tâm lý sư phạm. Ngoài những vấn đề lý thuyết, nghiên cứu khoa học, nhà trường nên bổ sung môi trường thực hành, gắn đào tạo với thực tiễn. Qua đó, sinh viên có được năng lực nhất định, để tự tin và thực hành tốt khi áp dụng vào lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc.

Nhấn mạnh đến một số biện pháp giáo dục kỹ năng quản trị cảm xúc đối với sinh viên sư phạm, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội đồng giáo dục, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Ba Đình, Hà Nội) - khuyến nghị, các trường đào tạo giáo viên có thể lồng ghép, tích hợp kỹ năng này vào môn học có liên quan như: Nghiệp vụ sư phạm, tâm lý học sư phạm... Chú trọng đến học phần về làm công tác chủ nhiệm cho giáo sinh.

Trên cơ sở đó, giảng viên cần quan tâm, đẩy mạnh giáo dục kỹ năng quản trị cảm xúc cho sinh viên. Song, các em cần chủ động tự học, tự nghiên cứu để rèn luyện phát triển kỹ năng. Các cơ sở đào tạo cũng cần tạo điều kiện để giáo sinh có môi trường thực hành thông qua tình huống sư phạm cụ thể. Qua đó, các em có cơ hội ứng dụng kiến thức, trải nghiệm thực tế. Quan trọng hơn, để sinh viên được học tập trong môi trường hạnh phúc, hình thành nhu cầu xây dựng lớp học hạnh phúc sau này.

ThS Huỳnh Thị Bích Thuộc - Tổ Tâm lý, Giáo dục, Trường ĐH Khánh Hòa - trao đổi, cần giáo dục kỹ năng quản lý cảm xúc cho sinh viên sư phạm thông qua hoạt động báo cáo chuyên đề. Với cách làm này, sinh viên sẽ hiểu được vai trò và cách thức để hình thành kỹ năng cho bản thân. Bên cạnh tuyên truyền thì xây dựng cẩm nang và bài tập thực hành là điều cần thiết. Mỗi sinh viên sư phạm cần nắm rõ các bước thực hiện và thường xuyên thực hành với bạn bè dưới sự định hướng của thầy cô để thuần thục hơn.

Kỹ năng chỉ được phát triển thông qua thực hành trong hoàn cảnh thực tế. Hoạt động Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên với nhiều chương trình phù hợp với độ tuổi thanh niên là cơ hội để sinh viên sư phạm được thể hiện và bộc lộ bản thân. Trong quá trình hoạt động, có sự va chạm giữa các thành viên với nhau, trước những tình huống phát sinh sẽ là môi trường để sinh viên nói chung và sinh viên sư phạm ứng dụng và nâng cao kỹ năng quản trị cảm xúc trong thực tế. Đặc biệt, thông qua đợt kiến tập, thực tập, sinh viên sư phạm cần ý thức và không ngừng rèn luyện bản thân, trong đó có kỹ năng quản trị cảm xúc để đảm đương với khối lượng lớn công việc khi nhận nhiệm sở.

Theo ThS Huỳnh Thị Bích Thuộc, hình thành kỹ năng quản trị cảm xúc là sự chuẩn bị hành trang cho các em trước những áp lực của công việc và cuộc sống. Để thực hiện điều đó không thể thiếu sự tự giáo dục của mỗi sinh viên, công tác tổ chức của Đoàn Hội, chương trình đào tạo của các trường đào tạo giáo viên và môi trường thân thiện ở các trường phổ thông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ