Một trong những giải pháp thực hiện Kế hoạch số 103/KH-CĐN ngày 2/4/2019 của Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam về nâng cao năng lực sư phạm, đạo đức nhà giáo trong tình hình mới là xây dựng mô hình Trường học hạnh phúc.
Ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam đánh giá, trường học hạnh phúc là hệ quả tất yếu của quá trình thầy cô thay đổi, tìm lại được chính mình trong lao động nghề nghiệp.
Cung cấp kỹ năng cần thiết
- Vì sao Công đoàn Giáo dục Việt Nam tập trung vào việc nâng cao năng lực sư phạm, đạo đức nhà giáo, người lao động trong Kế hoạch 103, thưa ông?
- Những năm 2018, trên các trang mạng, phương tiện thông tin đại chúng ghi nhận nhiều hiện tượng tiêu cực ở các nhà trường. Có những vấn đề dễ dàng bắt gặp ở giáo viên, học sinh, thậm chí cả cán bộ quản lý. Những hiện tượng tiêu cực liên tiếp xảy ra ở các dạng thức khác nhau.
Đến năm 2019, Ban Cán sự Đảng Bộ GD&ĐT đã giao nhiệm vụ cho Công đoàn Giáo dục Việt Nam (CĐGDVN) tìm kiếm giải pháp để hỗ trợ nhà giáo, người lao động (NGNLĐ) về điều kiện đảm bảo đời sống và việc làm; giải pháp hỗ trợ để họ có khả năng ứng phó với những tình huống sư phạm ngày càng phức tạp, khó khăn, để có thể ứng xử một cách tốt nhất.
CĐGDVN đã nhận nhiệm vụ này và Kế hoạch 103 ra đời ngày 2/4/2019 có tên gọi: Kế hoạch triển khai nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo, người lao động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới của CĐGDVN. Một trong những giải pháp thực hiện kế hoạch là xây dựng mô hình điểm Trường học hạnh phúc - Thầy cô hạnh phúc - Học sinh hạnh phúc.
Bộ GD&ĐT trực tiếp chỉ đạo triển khai Kế hoạch 103 của CĐGDVN tới tất cả trường học trên cả nước. Sở GD&ĐT, trường học phối hợp với các cấp công đoàn nhanh chóng triển khai nội dung, kế hoạch nhằm có hành lang pháp lý cũng như cung cấp những kỹ năng cần thiết cho đội ngũ để ứng phó với các tình huống sư phạm xảy ra ngày càng phức tạp trong môi trường học đường.
- Một trong những giải pháp xuyên suốt của Kế hoạch 103 là xây dựng mô hình trường học hạnh phúc. Tại sao CĐ GDVN lại chọn nội dung này?
- Năm 2018, Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng chương trình truyền hình tương tác với tên gọi “Thầy cô chúng ta đã thay đổi” thu hút được sự quan tâm dư luận. Chương trình sau khi lên sóng đã lan toả giá trị tích cực đến trường học trên cả nước. Các giáo viên lấy lại sự tự tin và tạo ra môi trường học tập - nơi mà bản thân, học sinh và phụ huynh đều hạnh phúc và hài lòng.
Chương trình kết thúc, tôi đặt ra một câu hỏi: Khi thầy cô đã thay đổi thì đích sẽ đến đâu? Và tôi nhận ra rằng đích đến là thầy cô giải quyết được công việc của mình một cách hiệu quả, luôn vui vẻ tự tin và hạnh phúc. Thầy cô hạnh phúc thì học sinh hạnh phúc, học sinh hạnh phúc thì trường học hạnh phúc. Đích đến của việc thay đổi của thầy cô chính là xây dựng một trường học hạnh phúc.
Và trong quá trình tìm kiếm trường học hạnh phúc, chúng tôi cùng nhóm chuyên gia đến từ các Trường Đại học Sư phạm, Đại học Giáo dục, Kênh truyền hình Giáo dục quốc gia VTV7 đã quyết định thực hiện một giải pháp là “thầy cô phải thay đổi”. Thay đổi để thầy cô hạnh phúc, trường học hạnh phúc. Trường học hạnh phúc đã ra đời với một loạt tiêu chí, giải pháp phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Cụ thể, các chuyên gia đã chuyển hóa từ 22 tiêu chí của UNESCO xuống còn 3 - 5 tiêu chí để phù hợp với điều kiện trong nước. Bộ GD&ĐT đã cùng với CĐGDVN triển khai hệ tiêu chí này đến các trường học. Sau 3 năm, giáo viên ở trường học tự tìm đến mô hình Trường học hạnh phúc, tha thiết có trường học hạnh phúc. Phụ huynh cũng đón đợi trường học hạnh phúc.
Cùng với đó, CĐGDVN tham gia nghiên cứu, tổ chức, hướng dẫn chỉ đạo và tập huấn các nhà trường, làm thế nào để có trường học hạnh phúc một cách gần gũi nhất. Không đao to búa lớn, không giáo điều, để người ta nhìn thấy hiệu quả thực chất của phong trào. Trường học hạnh phúc không trở thành áp lực mới đối với các nhà trường, giáo viên mà là nhu cầu tự thân.
Ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam. |
Thay đổi để hạnh phúc
- Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của chương trình Trường học hạnh phúc?
- Bắt đầu từ những series thầy cô chúng ta đã thay đổi, CĐGDVN phối hợp với VTV7 triển khai Kế hoạch 103 đến tất cả trường học trên cả nước. Đây là chương trình có tầm ảnh hưởng không nhỏ đến các giáo viên, nhà trường bởi tính thực tế của nó. Dưới góc nhìn và cách xử lý vấn đề của các chuyên gia, những bế tắc, bức xúc căng thẳng của giáo viên dần được tháo gỡ; cách ứng xử mới mang lại hiệu quả cao trong hoạt động giảng dạy và GD học sinh.
Bên cạnh đó, chương trình truyền cho họ nguồn năng lượng tích cực, nguồn cảm hứng để tiếp tục bước đi, tiếp tục cống hiến, giúp giáo viên tự nâng cao năng lực của chính mình, đáp ứng yêu cầu của xã hội, nhà trường, sự nghiệp đổi mới GD.
Trường học hạnh phúc là hệ quả tất yếu của quá trình thầy cô thay đổi, tìm lại được chính mình trong lao động nghề nghiệp. Với phương châm giáo viên hạnh phúc, học sinh hạnh phúc, trường học hạnh phúc, Chương trình “Thầy cô thay đổi vì trường học hạnh phúc” đã mang lại hiệu ứng tích cực tác động mạnh mẽ đến các nhà trường và thầy cô.
Nhiều trường học, thầy cô đã tìm kiếm và tham gia chương trình một cách tự nguyện. Bộ tài liệu với các tiêu chí căn bản về trường học hạnh phúc tại Việt Nam dần được định hình và triển khai. Bộ tài liệu này được Bộ GD&ĐT đặt hàng và có kế hoạch đưa vào tập huấn đại trà trong thời gian tới.
Hầu hết các trường học ở tỉnh, thành phố đều tiếp cận với trường học hạnh phúc và chủ động vận hành. Trong đó, Hà Nội, Hưng Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Lào Cai, Nghệ An là những đơn vị tạo được dấu ấn rõ nét trong 3 năm vừa qua. Trường học hạnh phúc là điều cần thiết để học sinh được hiểu, là điều mà xã hội đang chờ đợi, là sáng kiến ý nghĩa của CĐGDVN đáp ứng kịp thời yêu cầu đổi mới GD-ĐT.
- Trân trọng cảm ơn ông!