Xây dựng Trường học hạnh phúc: Tôn trọng sự khác biệt

GD&TĐ - TS Nguyễn Văn Hòa chia sẻ điều kiện tiên quyết để xây dựng trường học hạnh phúc.

Là người đứng đầu Hệ thống Giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm trong hơn 30 năm qua, thầy Hòa luôn tiên phong đổi mới để hiện thực hóa triết lý giáo dục vì sự phát triển con người.
Là người đứng đầu Hệ thống Giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm trong hơn 30 năm qua, thầy Hòa luôn tiên phong đổi mới để hiện thực hóa triết lý giáo dục vì sự phát triển con người.

Với 40 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục, TS Nguyễn Văn Hòa – Chủ tịch HĐQT Hệ thống Giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội) nêu quan điểm, để xây dựng trường học hạnh phúc thì điều kiện tiên quyết là không tạo áp lực cho thầy cô và học sinh; Đồng thời, tôn trọng sự khác biệt và năng lực của mỗi học trò để có thể tự tin phát huy được khả năng của mình.

Không còn áp lực tất sẽ hạnh phúc

- Ngành Giáo dục đang đẩy mạnh phong trào xây dựng “Trường học hạnh phúc”. Vậy chúng ta nên hiểu như thế nào cho đúng về khái niệm này?

- Để hiểu khái niệm trường học hạnh phúc, ta phải nói về áp lực của vấn nạn bạo lực học đường. Năm 2019, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khi đó là thầy Phùng Xuân Nhạ đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về bạo lực học đường. Học sinh bây giờ đã và đang bị áp lực về học tập rất khủng khiếp.

Các em bị đè nén đến mức tối đa về trí tuệ. Mục đích là cung cấp kiến thức nên đa số giáo viên coi mục tiêu của giáo dục là đào tạo trò trở thành học sinh giỏi. Các em phải thi đỗ, đoạt giải này giải kia, đạt được danh hiệu cao quý và chạy theo thi cử, thành tích. Những áp lực về mặt trí tuệ này đã ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của học sinh.

Khi học trò bị áp lực về học tập thì thầy cô cũng chịu áp lực không nhỏ. Không một giáo viên nào có thể dễ dàng vượt qua rào cản tâm lý tiêu cực khi tỷ lệ học sinh trung bình, ở lại lớp nhiều vì học kém. Các thầy cô còn bị phê bình và hạ bậc xếp loại thi đua, không được tăng lương, đó là chưa nói đến danh dự của nhà giáo bị ảnh hưởng nên thầy cô vô cùng áp lực. Quá nhiều áp lực dồn nén sẽ dẫn tới hệ quả bạo lực. Thầy cô đánh mắng học trò khi lười học chỉ vì mục tiêu muốn đào tạo các em trở thành học sinh giỏi.

- Phải chăng căn nguyên của vấn đề này chính là ở mục tiêu giáo dục ở mỗi nhà trường đang chệch hướng và cần phải thay đổi?

- Chính xác. Chúng ta phải thay đổi, thay đổi ngay từ mục tiêu dạy học. Không phải mục tiêu cuối cùng là đào tạo ra hàng loạt học sinh giỏi hay đạt điểm cao. Mục tiêu giáo dục phải vì sự phát triển con người. Mỗi đứa trẻ sinh ra hình thể có thể có điểm nào đó giống nhau nhưng tâm lý, năng lực và khả năng học tập của các em là khác nhau. Mỗi em sẽ có năng lực nổi trội riêng.

Đó có thể thuộc về gen di truyền, hoặc ảnh hưởng của địa phương nơi cư trú hay gia đình. Vì có điểm khác biệt đó mà chúng ta cứ rập khuôn, bằng mọi giá muốn các em phải học giỏi như nhau, được điểm cao như nhau vô hình trung tạo ra áp lực rất lớn cho cả thầy và trò.

Tôi muốn các thầy cô nhận thức rằng, mỗi đứa trẻ là một thế giới tâm hồn hoàn toàn riêng biệt. Mỗi em có những năng lực riêng biệt mà bản thân cũng chưa biết. Nhiệm vụ của thầy cô là giúp học trò khám phá, tìm ra năng lực của mỗi em. Khi đã tìm được năng lực, sở trường và phát huy được năng lực đó, khi ấy các em mới thực sự thành tài.

Nếu bắt trẻ làm những điều bản thân không giỏi thì không khác gì “bắt cá phải leo cây”. Theo tôi, quan điểm giáo dục vì mục tiêu phát triển con người cần được nhận thức một cách nghiêm túc. Một khi giảm được áp lực trong giảng dạy và học tập thì mặc nhiên, khi đó không có bạo lực. Học sinh được chăm lo và tôn trọng sự khác biệt thì các em sẽ hạnh phúc.

- Vậy với những học sinh chưa ngoan, thầy cô nên có cách ứng xử ra sao?

- Theo tôi, khái niệm về trường học hạnh phúc là ngôi trường không bắt học sinh phải học giỏi như nhau, làm được một việc như nhau, đạt được điểm số cao như nhau. Khi tạo ra môi trường thân thiện, không có áp lực thì đó chính là ngôi trường hạnh phúc. Mọi lời nói của thầy cô đều chất chứa sự yêu thương và tinh thần động viên học trò.

Ví dụ, học sinh làm chưa đúng nhưng thay vì trách mắng, thầy cô luôn nói rằng “Em làm tốt lắm, nhưng thầy/cô nghĩ là em có thể làm được tốt hơn”. Chất lượng của nhà trường được đánh giá bằng sự tiến bộ của học trò chứ không phải bằng điểm số.

TS Nguyễn Văn Hòa – Chủ tịch HĐQT Hệ thống Giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội).
TS Nguyễn Văn Hòa – Chủ tịch HĐQT Hệ thống Giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội).

Tôn trọng sự khác biệt của mỗi trò

- Là nhà sáng lập và quản lý Hệ thống Giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm, thầy có thể chia sẻ kỹ hơn về triết lý giáo dục của nhà trường?

- Chúng tôi quan điểm “Dạy học là dạy làm người, học để làm người”. Nhà trường giáo dục cho học sinh có ước mơ, để xây dựng tương lai cho chính mình chứ không đuổi theo thành tích. Thành tích của học trò và nhà trường có được đều là tự nhiên mà tới. Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nhận thức “dạy học để hình thành nhân cách, phẩm chất và phát triển năng lực” từ nhiều năm nay.

Chúng tôi lắng nghe cảm xúc của học sinh, hiểu được từng cá thể, tôn trọng và từ đó giúp các em tiến bộ. Nhà trường lấy chỉ số hạnh phúc và sự tiến bộ của mỗi học trò làm thước đo chất lượng giáo dục. Trường cũng luôn hướng tới việc tạo nên những người tự chủ, trách nhiệm có tâm hồn phong phú, sống tử tế, thân thiện; có khả năng sáng tạo, thích ứng cao với giai đoạn hội nhập hiện nay.

- Nhà trường tổ chức các hoạt động giáo dục ra sao để tạo môi trường học tập hạnh phúc cho học trò?

- Nhà trường đem hạnh phúc cho học sinh bằng cách giảm áp lực, tạo hứng thú trong học tập; luôn tôn trọng, lắng nghe và chia sẻ. Đồng thời, xây dựng môi trường thân thiện tràn ngập yêu thương, có chuyên gia tâm lý hỗ trợ, tổ chức nhiều hoạt động phát triển khả năng của mỗi học trò. Các môn như Thể dục, Giáo dục công dân, Nghệ thuật… vốn bị coi là môn phụ ở không ít trường thì ở Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn có vị trí xứng đáng.

Giáo dục công dân không phải là giờ học triết lý khô khan mà những câu chuyện cuộc sống được chính học sinh tái hiện để trải nghiệm. Thể dục không còn nhàm chán khi trở thành các giờ thể thao tự chọn nhằm phát huy hết năng lực thể chất của mỗi em qua nội dung bơi lội, bóng đá, bóng rổ, cầu lông… Nhà trường còn chủ động dạy học gắn liền với thực tiễn, cho học sinh trải nghiệm trong thực tế, được trực tiếp tham gia lao động sản xuất và tạo ra sản phẩm. Trong đó, việc ra đời trung tâm trải nghiệm sáng tạo của trường tại TP Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) dần trở thành một mô hình giáo dục đặc biệt.

- Xin trân trọng cảm ơn thầy!

Tại thư viện nhà trường có cuốn “Totto-chan bên cửa sổ” luôn được học sinh tìm đọc. Mỗi em khi đọc cuốn sách này lại có dịp tự hào so sánh ngôi trường mình đang học với Trường Tomoe của Totto-chan. Để mỗi ước mơ sớm thành hiện thực, nhà quản lý giáo dục, thầy, cô giáo, người làm cha mẹ cũng nên đọc lại cuốn sách này. Mục đích để thấy rằng, đứa trẻ nào sinh ra cũng có những phẩm chất tốt và việc của chúng ta là tìm ra những phẩm chất đó, phát triển chúng để giúp trẻ nên người. Chúng ta sẽ thấy, trẻ em đến trường không phải chỉ để học chữ, mà để sống, hạnh phúc, làm cho bản thân mình hoàn thiện hơn. TS Nguyễn Văn Hòa

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ