Xây dựng Trường học hạnh phúc: Thầy cô là cha mẹ

GD&TĐ -  Đối với các thầy cô giáo, đặc biệt là giáo viên công tác tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, hạnh phúc đơn giản là được chứng kiến

Thầy Đặng Thái Mân – Hiệu trưởng Trường THCS, THPT DTNT Hà Tĩnh đang hướng dẫn học trò học bài. Ảnh: Ngô Chuyên
Thầy Đặng Thái Mân – Hiệu trưởng Trường THCS, THPT DTNT Hà Tĩnh đang hướng dẫn học trò học bài. Ảnh: Ngô Chuyên

Đối với các thầy cô giáo, đặc biệt là giáo viên công tác tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, hạnh phúc đơn giản là được chứng kiến học sinh khoẻ mạnh, trưởng thành mỗi ngày.

Đồng hành và sẻ chia

Sầm Thị Minh Giang, học sinh lớp 12A4, Trường THPT DTNT N’Trang Lơng, tỉnh Đắk Lắk, chia sẻ: “Gia đình không ở cạnh bên, thầy cô chính là chỗ dựa vững chắc cho học sinh dân tộc nội trú. Sự quan tâm, chăm sóc của thầy cô đã trở thành động lực để chúng em phấn đấu, học hành”.

Theo Giang, trong thời gian sinh hoạt, học tập tại trường, học sinh có tiến bộ, dù lớn hay nhỏ, thầy cô đều động viên, biểu dương. Hay lúc ốm đau, thầy cô cũng là người đầu tiên hỏi han, chăm sóc.

“Những bạn học yếu, thầy cô cũng dành thời gian dạy phụ đạo, hướng dẫn kèm cặp để có thể theo kịp bạn bè. Chưa bao giờ thầy cô để chúng em phải đơn độc và nảy sinh cảm giác lạc lõng khi sống xa nhà”, Giang nói thêm.

Giống như Giang, Mạc Quỳnh Anh, học sinh Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Lạng Sơn ngoài thời gian học tập còn tham gia câu lạc bộ nữ công. “Tại câu lạc bộ, thầy cô dạy chúng em các kỹ năng sinh hoạt, thảo luận về sức khỏe sinh sản, giới tính và cách bảo vệ bản thân. Khi gặp vấn đề khó nói hay khó khăn trong học tập, cuộc sống chúng em luôn có thầy cô ở bên, chia sẻ, động viên”, Quỳnh Anh tâm sự.

Cô Hoàng Thị Trà Hương – giáo viên Trường THPT DTNT N’Trang Lơng chia sẻ: “Là giáo viên dạy Ngữ văn, trong mỗi tiết học, tôi luôn cố gắng truyền cảm hứng cho học sinh; đồng thời, tìm tòi những giải pháp giảng dạy phù hợp với từng em. Mỗi khi thấy học trò tiến bộ, tôi đều biểu dương, động viên và khích lệ để các em có thêm động lực”.

Cũng theo cô Hương, tại trường dân tộc nội trú, phần lớn học trò tự ti, rụt rè. Trong tư tưởng, các em luôn cảm thấy sự khác biệt về văn hóa và môi trường sống so với thầy cô hoặc bạn bè, đặc biệt là học sinh người dân tộc thiểu số. Do vậy, nhiều khi các em giấu kín tâm tư hoặc những khó khăn bản thân đang gặp phải.

Với những học sinh này, cô Hương thường chủ động trò chuyện, tâm sự như những người bạn thay vì chờ các em tìm đến với mình. Không ít em, ngay từ lần đầu tiếp xúc đã tỏ ý xa lánh, ngại chia sẻ nhưng không vì thế mà giáo viên trường dân tộc nội trú nản lòng. Thay vào đó, các thầy cô luôn kiên trì và chủ động mở lòng để các em cảm nhận được sự chân thành.

Ngoài ra, cô Hương đã triển khai mô hình “hộp thư chia sẻ cảm xúc, bí mật”. Đó là nơi học sinh bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng và suy nghĩ của mình theo cách riêng tư, thầm kín.

“Tất cả chia sẻ trong hộp bí mật đều được bảo mật. Tuy nhiên, với những trường hợp nghiêm trọng, tôi sẽ gặp riêng học sinh để lắng nghe, tìm biện pháp. Nếu sự việc ngoài khả năng của mình, tôi nhờ sự cố vấn, góp ý từ các chuyên gia tâm lý. Tổ tư vấn tâm lý học đường của nhà trường cùng phối hợp để tìm cách hỗ trợ để không để ai bị bỏ lại một mình trong bất kỳ hoàn cảnh nào”, cô Hương chia sẻ.

Học sinh Trường THPT DTNT N’Trang Lơng tham gia múa sạp tại Đình Lạc Giao trong Lễ tế Thu năm 2022. Ảnh: TN

Học sinh Trường THPT DTNT N’Trang Lơng tham gia múa sạp tại Đình Lạc Giao trong Lễ tế Thu năm 2022. Ảnh: TN

Thầy cô là cha mẹ, bạn bè là anh em

Đó là quan điểm của thầy Đặng Thái Mân – Hiệu trưởng Trường THCS, THPT DTNT Hà Tĩnh, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh khi nhận nhiệm vụ về ngôi trường này.

Theo thầy Mân, học sinh học nội trú có những đặc điểm riêng. Do đó, mỗi học sinh sau khi nhập học đều được giáo viên tìm hiểu hoàn cảnh, động viên, khích lệ và hỗ trợ để hòa nhập với môi trường học nhanh nhất. Đồng thời, các em có thể cảm nhận được tình cảm thầy cô, bạn bè trong ngôi nhà chung và yên tâm, phấn đấu học hành.

Tại Trường THCS, THPT DTNT Hà Tĩnh, nhiều học sinh phải sống xa gia đình và tự lập khi mới 11, 12 tuổi. Thấu hiểu những khó khăn, vất vả và thiếu thốn của các em, thầy cô nhà trường đều bảo nhau cùng nỗ lực để trò không bị mặc cảm, tự ti hay thiệt thòi. Đặc biệt, giáo viên luôn coi học sinh như con của mình nên toàn tâm, toàn ý chăm sóc, dạy dỗ các em khôn lớn, trưởng thành.

“Cũng từ lứa tuổi THCS trở đi, học sinh bước vào giai đoạn dậy thì, tâm, sinh lý thay đổi. Khi không sống cùng bố mẹ, nếu thầy cô lơ là, trẻ dễ bị cám dỗ từ xã hội. Nhiều lần học sinh ham chơi bỏ trường, bỏ lớp đi thâu đêm, các thầy cô lại chia nhau đi tìm. Khi đón được trò về trường, chúng tôi mới an tâm”, thầy Mân trải lòng và chia sẻ thêm: Nhiều hôm, học sinh mắc hội chứng rối loạn tâm thần kinh (hội chứng tâm căn hay hysteria), cứ nửa đêm là ngồi dậy khóc, cười. Một số em trong phòng nghĩ là ma làm. Những lúc như vậy, thầy cô phải thức trắng đêm trấn an tâm lý cho học sinh.

Chưa kể, nhiều đêm khuya, thầy cô phải đưa học sinh đi bệnh viện vì ốm, sốt. Lúc đó, giáo viên thay bố mẹ các em đứng ra bảo lãnh, lấy tiền túi của mình đóng viện phí, thuốc men. Chờ đến sáng hôm sau mới tìm cách liên lạc với gia đình.

Vừa dạy dỗ vừa chăm sóc học sinh ở nhiều lứa tuổi, thầy Mân cùng các đồng nghiệp vẫn luôn trăn trở làm sao có thể giúp đỡ các em nhiều hơn. Chứng kiến học sinh tiến bộ, dù chỉ là những bước đi nhỏ, thầy cô cũng thấy ngập tràn hạnh phúc.

Gần 10 năm gắn bó với học sinh nội trú, thầy Mân hiểu hơn ai hết những thiệt thòi của cảnh sống xa nhà. Vì vậy, thầy luôn căn dặn đồng nghiệp dành trọn tình thương, sự quan tâm cho các em. Thầy cô sẽ thay cha mẹ chuẩn bị hành trang, kỹ năng sống để trò vững tâm bước vào đời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ