Xây dựng Trường học hạnh phúc: Tự tin bỏ… cái cũ

GD&TĐ - Thay đổi cách nhìn, tự chuyển đổi nhận thức... là những yếu tố quan trọng xây dựng Trường học hạnh phúc.

Cô Lê Thị Thanh Tâm trong tiết mục múa cùng trẻ Trường Mầm non Hướng Dương.
Cô Lê Thị Thanh Tâm trong tiết mục múa cùng trẻ Trường Mầm non Hướng Dương.

Thay đổi cách nhìn, tự chuyển đổi nhận thức, mạnh dạn bước qua giới hạn của bản thân là cách không ít giáo viên thực hiện thành công để hứng khởi trong công việc và đem đến hạnh phúc cho học trò.

Không cho phép mình chùn bước, nản lòng

Cô Lê Thị Huệ Hương khẳng định, giáo viên là nhân tố quan trọng trong môi trường giáo dục hạnh phúc, vì giáo viên là người trực tiếp giảng dạy, hoạt động cùng học trò. Như đã nói, hạnh phúc có tính lan truyền. Người giáo viên hạnh phúc sẽ tạo năng lượng tích cực đầy hạnh phúc. Khi học sinh hạnh phúc sẽ giúp não tập trung, tăng thêm đam mê và thôi thúc các em thực hiện hoạt động học sáng tạo, đạt được mục tiêu học tập tốt nhất.

Khi còn là sinh viên, cô giáo trẻ Lê Thị Thanh Tâm (Trường Mầm non Hướng Dương, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, Vĩnh Long), mong từng ngày đến giây phút được nhận bằng tốt nghiệp để có thể bắt đầu thực hiện ước mơ của đời mình - trở thành giáo viên mầm non.

Ra trường, những ngày đầu công tác tại Trường Mầm non Hướng Dương, cô được phân công dạy lớp chồi ở một điểm phụ có nhiều trẻ dân tộc Khmer. Trường thuộc vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc đặc biệt khó khăn, đoạn đường từ nhà đến trường khoảng 6 - 7 km, nhỏ hẹp và nhiều ổ gà. Mỗi khi trời mưa, con đường quen thuộc ấy trở thành nỗi ám ảnh bởi cặp, dép, xe, cả người đầy bùn đất vì ngã.

Cô Thanh Tâm nhớ lại: Những lúc bị ngã, lấm lem như thế, trên đường về nhà tôi thấy nhiều ánh mắt giễu cợt từ mọi người. Tự nhìn lại mình và những người xung quanh trên đường, ai ai quần áo cũng chỉn chu, tươm tất,… cảm giác tủi thân, chạnh lòng, bất lực ập đến khiến nước mắt tuôn rơi hòa cùng với mưa. “Nhưng cứ nghĩ đến ngày mai vẫn còn có những gương mặt non nớt chờ đợi để được cô truyền đạt kiến thức, kỹ năng,… và để được nghe hai tiếng “Cô ơi!...”, tôi lại không cho phép mình bỏ cuộc.

Cứ như thế, từ năm học này đến năm học khác, vẫn con đường ấy, ánh nhìn ấy,… nhưng thay vì nước mắt, giờ đây là những nụ cười. Nụ cười khi biết vẫn có trẻ chờ đợi mình đến lớp, nụ cười của hạnh phúc khi còn được làm nghề, theo đuổi nghề cao quý mà mình đã chọn. Đôi khi chạy trên đường những ngày nắng mà bản thân vẫn “nhớ” những kỷ niệm ngày mưa rồi sau đó lại tự cười với chính mình. Đó cũng là một hạnh phúc”, cô Thanh Tâm chia sẻ.

Nhưng khó khăn không dừng lại ở đó. Đối với giáo viên mầm non người Kinh như cô Tâm, khi dạy lớp mà đa số các trẻ là trẻ Khmer gặp nhiều trở ngại vì trẻ chỉ chủ yếu nói tiếng mẹ đẻ. Hằng ngày trên lớp, trẻ nói thì cô không hiểu, cô nói thì trẻ không thể tiếp thu. Cứ như thế, cô nói đường cô, trẻ nói đường trẻ. Kiến thức cô muốn truyền đạt trẻ không thể nắm bắt được thì làm sao tiến bộ được! “Mình phải giải được bài toán khó nhằn này”.

Cô Tâm tự đưa ra yêu cầu cho bản thân và chủ động tìm đến các đồng nghiệp người Khmer học những từ thông dụng để hiểu hơn nhu cầu, mong muốn, cũng như có thể giúp trẻ tăng cường thêm tiếng Việt. Cô còn phối hợp cùng phụ huynh khuyến khích trẻ nói tiếng Việt tại nhà. Sau một thời gian nỗ lực, cô và trò cũng có được tiếng nói chung, tiếng cười chung.

Cô Lê Thị Huệ Hương và học trò.

Cô Lê Thị Huệ Hương và học trò.

Rồi dịch bệnh Covid-19 ập đến, vì sự an toàn nên trẻ không thể đến lớp. Tuy không được gặp, không được trò chuyện thường xuyên với trẻ, nhưng cô Tâm vẫn đau đáu không quên nhiệm vụ của mình là truyền đạt kiến thức. Cô đã mạnh dạn tham gia dạy video tạo kho tài liệu, học liệu trực tuyến dùng chung cấp tỉnh để chia sẻ những bài học bổ ích, từ đó phụ huynh có thể giáo dục trẻ tại nhà. Cô Tâm đồng thời hỗ trợ đồng nghiệp trong trường, huyện thực hiện nội dung cũng như xây dựng, quay video một cách chỉn chu nhất trước khi gửi đến phụ huynh để dạy và cho trẻ xem.

“Phản hồi tích cực của phụ huynh, sự tiến bộ của trẻ là động lực để bản thân cố gắng hơn nữa. Từ những gì trải qua, tôi nhận ra rằng: Khó khăn chỉ khi bản thân mình chấp nhận và từ bỏ,… Nếu biết nỗ lực, phấn đấu, vượt qua thì đó chỉ là thử thách. Vì thế, tôi không cho phép mình chùn bước, nản lòng, bỏ cuộc,… trước bất kỳ hoàn cảnh nào. Hạnh phúc của trẻ cũng chính là niềm hạnh phúc của bản thân và toàn thể giáo viên mầm non nói chung.

Tôi cho rằng, giáo viên có vai trò then chốt trong xây dựng trường học hạnh phúc. Thầy cô chính là người truyền cảm hứng, hạnh phúc trực tiếp nhất đến trẻ. Mọi cảm xúc của giáo viên sẽ được trẻ “copy” và “paste” lại. Vì thế không sai khi nói “hạnh phúc của cô cũng chính là hạnh phúc của trò””, cô Lê Thị Thanh Tâm chia sẻ.

Cô Lê Thị Nếp quyết định thay đổi bản thân để đem lại hạnh phúc cho học trò.

Cô Lê Thị Nếp quyết định thay đổi bản thân để đem lại hạnh phúc cho học trò.

Vượt qua giới hạn bản thân

Với kinh nghiệm 26 năm đứng lớp, rất ít chuyện trong nghề mà cô Lê Thị Nếp, giáo viên Trường Tiểu học và THCS Bắc Sơn, huyện Hưng Hà (Thái Bình) chưa từng trải qua. Cô Nếp kể lại những ngày khó quên khi đến bữa cơm bưng bát lên mà không thể nào ăn được.

Cổ họng thì nóng rát, đầu đau như búa bổ, những cơn tức giận chưa nguôi ngoai bị dồn nén nên gây ra tức khí, đau tức ngực… là kết quả của những lần hò hét sau 4 tiết học của buổi sáng. Những tiết học được ví như đi đánh trận. Rồi cảm giác lo lắng, day dứt khi đêm về vì hành động phạt học sinh trong lúc nóng giận với nỗi thất vọng về chính con người mình.

“Trong tôi luôn thường trực câu hỏi: Phải làm thế nào, có cách nào khác nữa không? Buổi sáng mặc bộ đồ chỉn chu, xoay một vòng trước gương, bụng bảo dạ: Hôm nay nhất định phải nhẹ nhàng và dịu dàng. Nhưng khi lên lớp, gọi một số em, bài không trả lời được, sờ đến sách vở trắng tinh đến khi cho ngồi xuống “hắn” lại còn nói chuyện to hơn giáo viên giảng bài.

Những tình huống như thế được gọi là có vấn đề. Lúc đầu nó chỉ là cơn gió thoảng qua. Thế nhưng những pha gay cấn hơn liên tiếp xảy đến. Tôi bị cuốn theo chiều gió và việc gì đến đã đến. Tôi không còn là tôi của lúc sáng nữa… Thế rồi, tôi lại rơi vào bế tắc với cái vòng luẩn quẩn, không có lối thoát. Nóng giận - hình phạt - tổn thương - thất vọng”, cô Lê Thị Nếp kể.

Cô Lê Thị Huệ Hương chụp ảnh lưu niệm cùng học trò.

Cô Lê Thị Huệ Hương chụp ảnh lưu niệm cùng học trò.

Mọi thứ thay đổi khi cô Lê Thị Nếp tham gia chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi” với mong muốn tìm ra giải pháp cho cái vòng luẩn quẩn ấy…

Lần đầu tiên khi gặp Giáo sư Peck Cho - chuyên gia giáo dục nổi tiếng thế giới - ở lần ghi hình tại trường quay, cô Nếp đã hỏi ông: Giáo viên cũng là người bằng xương bằng thịt. Thầy có cách nào giáo dục học trò mà không bị ức chế, không bị trải qua những cơn thịnh nộ mất kiểm soát? Và Giáo sư Peck Cho đã chia sẻ với cô về sự kiên cường, thái độ tích cực, biết ơn và biết cho đi…

Ông đã dạy: Hãy là người kiên cường. Dạy học là công việc rất áp lực bởi học sinh là những người chưa trưởng thành. Khi đối diện, bạn sẽ luôn bực bội, chán nản. Những áp lực tấn công, lấy mất năng lượng một cách từ từ. Lúc này phải lựa chọn: Suy sụp bởi áp lực, hay trở thành người kiên cường. Để kiên định phải học cách thở sâu.

Ông cũng nói: Hãy là người tích cực. Đồng hành cùng học sinh, đồng nghiệp và phụ huynh, giáo viên phải là người tích cực, bởi chẳng ai thích người tiêu cực. Điều quan trọng nhất là, nếu muốn người khác hạnh phúc thì trước tiên bạn phải hạnh phúc. Khi có cảm xúc tiêu cực, thầy cô không thể khiến học sinh hạnh phúc. Để có những suy nghĩ tích cực, hãy tìm thấy điều gì đó để mình biết ơn. Khi ta biết ơn năng lượng tích cực sẽ dồi dào. Cùng với đó, hãy là người cho đi - cho đi để trưởng thành, là người cho đi bạn sẽ nghĩ dài và nghĩ xa.

“Sau đó là những trải nghiệm vô cùng ý nghĩa về khóa tập huấn Giá trị sống và kỹ năng sống. Những thứ hiện hữu xung quanh nhưng chúng ta không định hình và chẳng thể gọi tên. Các chuyên gia đã giúp chúng tôi gọi tên những điều đó bằng kỹ thuật hóa giải cơn tức giận, lắng nghe và thấu hiểu… Tôi đã khóc khi kết thúc những ngày tập huấn. Những giọt nước mắt hạnh phúc” - cô Lê Thị Nếp kể.

Sau khóa học, vẫn là những bài giảng, học sinh ấy, nhưng cô đã quan tâm đến cảm xúc học trò nhiều hơn. Cô chủ động đến gần hơn, ngồi vào vị trí của các em mà thấu hiểu. Cô đã học cách chế ngự “con hổ dữ”, “con sói ác” trong con người mình. Những hình phạt cô vẫn sử dụng nhưng nhân văn khiến mình không phải ân hận và day dứt nữa.

Cô Lê Thị Nếp.

Cô Lê Thị Nếp.

Chỉ yêu nghề mới không giúp mình bỏ cuộc

Cô Lê Thị Huệ Hương - Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, Bến Tre - khi chia sẻ về nghề giáo đã nhắc đến cả áp lực, khó khăn và hạnh phúc. Áp lực, khó khăn bởi khối lượng công việc lớn, từ chương trình dạy học đổi mới, hồ sơ sổ sách, chuyên môn nghiệp vụ, chủ nhiệm lớp, quản lý tổ… đôi lúc khiến người giáo viên dường như kiệt sức. Để vượt qua và hạnh phúc được với công việc, cô Hương cho rằng, chỉ có yêu nghề mới không khiến mình bỏ cuộc. Và cũng chỉ bản thân giáo viên mới giữ được tình yêu ấy.

“Tôi tự mình đi tìm hạnh phúc cho mình. Đầu tiên, tôi mặc định phải tư duy tích cực; thay thế tư tưởng bị áp lực bằng ý thức muốn thử thách. Tôi thay thế sự mệt mỏi bằng suy nghĩ sẽ khám phá điều tốt hơn trong công việc đó. Tôi đem những cơn bực bội, giận dữ bỏ đi vì nó làm già đi, nhăn nheo, xấu xí. Tôi sẽ cười và nhắn nhủ rằng mình sẽ vượt qua… bởi công việc nào mà không có những nhọc nhằn. Và tôi nghĩ rằng mình có nhiều may mắn hơn người khác. Làm việc là hạnh phúc”, cô Lê Thị Huệ Hương bày tỏ.

Cô Huệ cũng cho rằng, hạnh phúc có tính lan truyền. Cô giáo vui, cởi mở, đầy năng lượng tích cực thì học trò sẽ tích cực theo. Cô Hương đã đem năng lượng ấy vào từng tiết dạy và hoạt động; nhìn sai lầm của học sinh thành thiếu sót, thất bại thành bài học, thành công bằng tự hào... Khi người giáo viên phải đến với học trò bằng tâm thế tích cực - cảm thông, yêu thương, vị tha, bao dung sẽ có những giờ học đầy hạnh phúc.

Thay đổi, nói thì dễ nhưng đó là hành trình không dễ. Tôi phải cố gắng mỗi ngày để thay đổi thói quen cố hữu của mình. Tôi luôn tâm niệm mỗi lời nói và hành động của mình liên quan đến con người, phải thật cẩn trọng khi nói và làm. Kể từ khi tham gia chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi” tôi đến trường nhẹ nhàng thư thái hơn. Những ánh mắt thân thương các em trao, tiếng cười quấn quýt, tôi thấy yêu nghề hơn bao giờ hết. - Cô Lê Thị Nếp

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.