Tuy nhiên, dù ở bất kỳ đâu, học trò luôn là trung tâm để kiến tạo các giá trị và hướng tới mục tiêu sau cùng là giáo dục toàn diện phẩm chất lẫn năng lực.
Muôn cách kiến tạo hạnh phúc
Cô Vũ Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thị trấn Hương Sơn (Phú Bình, Thái Nguyên), trao đổi: Với phương châm vì một “Ngôi trường hạnh phúc”, học sinh mỗi ngày đến trường là một ngày vui, phụ huynh yên tâm gửi con cho nhà trường… nên trong nhiều năm qua, Ban giám hiệu đẩy mạnh xây dựng văn hóa học đường với điểm nhấn là giáo dục văn hóa ứng xử.
Cũng theo cô Thanh, việc kiến tạo giá trị hạnh phúc trong trường học đồng thời được đặt ra với cán bộ, giáo viên, nhân viên khi tất cả cùng trau dồi lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử. Và để mỗi nhà giáo thực sự là tấm gương mẫu mực, trường còn phát động phong trào thi đua xây dựng trường học văn hóa trong đó nhấn mạnh đạo đức nhà giáo trong dạy học và trách nhiệm cùng xã hội…
Cụ thể, nhà trường chú trọng giáo dục học sinh tinh thần tôn trọng lẽ phải, người xung quanh; dũng cảm nhận lỗi và sửa lỗi, trung thực trong học tập và thi cử; chân thành trong mọi mối quan hệ. Học sinh không chỉ lĩnh hội những giá trị nội dung trên qua sách vở, mà trường còn lồng ghép vào hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt lớp để phương pháp giáo dục phong phú, không sáo rỗng.
Đặc biệt, để mọi học sinh được học và cảm nhận về văn hóa ứng xử, nhà trường cho các lớp tự xây dựng kịch bản xung quanh nội dung này. Các em vừa là biên kịch, vừa làm đạo diễn, diễn viên. Cách giáo dục này giúp học trò “thấm” hơn, hình thành trong các em suy nghĩ, hành vi văn hóa, chuẩn mực ngay từ khi nhỏ tuổi.
Tại Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân, Hà Nội) để xây dựng trường học hạnh phúc hiệu quả, nhà trường có bộ quy tắc ứng xử, phổ biến đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên. Mặt khác, trường phối hợp với Công đoàn tổ chức các chuyên đề về quy tắc ứng xử, đạo đức nhà giáo để duy trì bầu không khí học tập, làm việc ấm áp, thân thiện. Mọi thành viên trong nhà trường đều được yêu thương, tôn trọng, được hiểu, có giá trị và được đảm bảo an toàn.
Cô Đỗ Huyền Trang, Tổ trưởng khối 1, khẳng định, các hoạt động trên đã tạo nên “cú hích” trong việc thay đổi môi trường giáo dục, nâng cao chất lượng dạy học. Mỗi giáo viên khi đến trường không cảm thấy bị áp lực, mà thay vào đó sự hứng khởi, năng suất lao động được phát huy cao nhất. Nhà trường đã khơi gợi được tài năng, nhiệt tình và sáng tạo trong các giờ dạy của giáo viên. Mối quan hệ giữa nhà trường với giáo viên; giáo viên với học sinh và phụ huynh trở nên dân chủ, công bằng, kết hợp hiệu quả chặt chẽ.
Xây dựng trường học hạnh phúc tại Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Hầu Thào (Sa Pa, Lào Cai) được thầy Hiệu trưởng Liễu Tiến Sơn chia sẻ: Nhà trường đặc biệt quan tâm và kiện toàn lại hoạt động tư vấn tâm lý học đường. Từ hoạt động này, thầy cô nắm bắt được cơ bản những tâm tư, nguyện vọng, khó khăn của học sinh trong cuộc sống và học tập. Trên cơ sở đó, đồng hành tháo gỡ cùng các em. Kết quả giáo dục nhà trường năm sau cao hơn năm trước, học sinh tự tin và yên tâm học tập. Tình trạng nghỉ, bỏ học giữa chừng được giải quyết dứt điểm.
Thầy Sơn cho biết thêm, thời gian tới, trường tiếp tục nâng cao giá trị trường học hạnh phúc thông qua đề cao thay đổi của đội ngũ giáo viên, nhân viên. Thay vì hiệu trưởng giao việc, giáo viên sẽ chủ động đề xuất, nhận việc làm phù hợp với năng lực, sở trường. Để làm được điều đó, Ban giám hiệu sẽ tạo ra môi trường giáo dục cởi mở, minh bạch, lắng nghe và tiếp thu để thầy cô mạnh dạn đưa ra ý kiến, quan điểm, đề xuất cũng như muốn cống hiến cho học trò, trường lớp.
Giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Hội Hợp B (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) cùng nhau biểu diễn trong ngày khai giảng. Ảnh: NTCC |
“Trái ngọt”
Quá trình xây dựng trường học hạnh phúc, giáo viên luôn nhận được sự định hướng, động viên khuyến khích và truyền cảm hứng từ Ban giám hiệu. Đưa ra nhận định này, cô Đỗ Huyền Trang, Trường Tiểu học Phan Đình Giót, khẳng định: Nhà trường luôn tôn trọng sự sáng tạo, giao quyền chủ động cho giáo viên trong dạy học. Nhà giáo đã thực sự đổi mới, hỗ trợ lẫn nhau, không chạy theo thành tích.
“Khi giáo viên được cống hiến, ghi nhận, tự tin với kiến thức, kỹ năng, mình sẽ cảm thấy hạnh phúc. Từ hạnh phúc của người thầy sẽ đem đến hạnh phúc cho học sinh…”, cô Trang khẳng định.
Ghi nhận thành quả từ trường học hạnh phúc, anh Đào Trọng Viết có 2 con đang theo học Trường Tiểu học Thị trấn Hương Sơn (Thái Nguyên) bày tỏ: “Tôi hoàn toàn yên tâm khi gửi con cho thầy cô, nhà trường. Gia đình không mơ ước các con xuất chúng chỉ cần ngoan ngoãn, giáo dục toàn diện kiến thức, kỹ năng để tự tin bước vào cuộc sống, trở thành người có ích cho xã hội… Mục tiêu này đang được triển khai khá tốt khi nhà trường xây dựng trường học hạnh phúc. Thậm chí, nhiều kiến thức, kỹ năng các con được lĩnh hội đang tác động tích cực đến gia đình, buộc cha mẹ phải điều chỉnh lại cách hành xử, ý thức tốt hơn…”.
Từ xây dựng trường học hạnh phúc, thầy Đào Chí Mạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hội Hợp B (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), rút ra kinh nghiệm: Khi hiệu trưởng áp lực, căng thẳng sẽ truyền tới giáo viên. Giáo viên không thể hạnh phúc, thoải mái nếu hiệu trưởng luôn là “mẹ chồng” khó tính.
Áp lực mà giáo viên nhận về sẽ trở thành nguồn cơn đổ lên học sinh khi dạy học, từ đó triệt tiêu sự sáng tạo của cả thầy và trò. Do đó, “hiệu trưởng phải là người thay đổi trước tiên để hướng tới giá trị hạnh phúc, mang hạnh phúc đến cho giáo viên và học sinh…”, thầy Mạnh bày tỏ.
Để kiến tạo trường hạnh phúc, thầy Đào Chí Mạnh đã xây dựng phòng chờ giáo viên với không gian café, màu sắc, có quầy bar, nhạc du dương và nhiều cuốn sách để thầy cô giải trí khi cần. Cùng đó, trường giảm bớt việc làm hành chính, hội họp, không gọi điện thoại khi có việc vào buổi tối cho giáo viên.
Đặc biệt, thay vì kiểm tra lớp để “soi” giáo viên có lỗi gì, lỗi ở đâu sẽ hỏi thầy cô cần gì, lắng nghe để chia sẻ và tháo gỡ. Sự chia sẻ của lãnh đạo dù nhỏ nhưng đã trở thành động lực để thầy cô làm việc, sáng tạo… từ đó mang đến cho học sinh nhiều giá trị hạnh phúc; an toàn và mong mỏi được tới trường.
“Xây dựng trường học hạnh phúc còn nhiều khó khăn nhưng khi có niềm tin hãy bắt đầu từ việc nhỏ nhất trên hành trình tìm kiếm, kiến tạo giá trị hạnh phúc. Chỉ ở trong một trường học hạnh phúc thì thầy cô, học trò mới được yêu thương, tôn trọng, an toàn, được thấu hiểu và có giá trị…”, thầy Đào Chí Mạnh nhấn mạnh.