Xây dựng Trường học hạnh phúc: Đừng áp đặt 'cái tôi'

GD&TĐ - Quá trình dạy học, người thầy khó tránh khỏi những tình huống tiêu cực dẫn tới lời nói, hành động chưa chuẩn mực.

Cảm xúc tích cực của thầy cô giúp quá trình giáo dục thêm hiệu quả. Ảnh: NTCC. Trường Tiểu học Núi Đèo (Thủy Nguyên, Hải Phòng).
Cảm xúc tích cực của thầy cô giúp quá trình giáo dục thêm hiệu quả. Ảnh: NTCC. Trường Tiểu học Núi Đèo (Thủy Nguyên, Hải Phòng).

Để xây dựng trường học hạnh phúc, bên cạnh bồi dưỡng chuyên môn, giáo viên cần biết cách quản lý cảm xúc.

Quản lý cảm xúc để giáo dục toàn diện

Thực tế cho thấy, đa số giáo viên chuẩn mực và giữ gìn hình ảnh nhà giáo, song vẫn còn những trường hợp thầy cô bạo hành học trò; phạt bằng hình thức phản giáo dục như cho học sinh trong lớp tẩy chay, tát học sinh trước lớp; có lời nói xúc phạm gây tổn thương tinh thần, thể xác… Hầu hết những việc làm, lời nói thiếu chuẩn mực này xuất phát từ việc giáo viên không làm chủ và quản lý được cảm xúc.

PGS.TS Trần Thị Minh Hằng, khoa Tâm lý giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) từng chỉ ra, với học sinh tiểu học, cảm xúc là yếu tố ảnh hưởng nhiều đến kết quả học tập. Còn giáo viên là nhân tố quan trọng thỏa mãn mặt cảm xúc của học sinh. Do đó cách ứng xử, phương pháp dạy học của giáo viên đóng vai trò quan trọng để tạo nên xúc cảm tích cực cũng như kết quả học tập của học trò.

Thầy cô chính là người “giữ lửa” tinh thần, thái độ học tập, là “thần tượng” để trẻ noi theo, tin tưởng. Vì thế, việc thiết lập được mối quan hệ tốt giữa thầy và trò sẽ quyết định sự bình yên tinh thần, tạo cảm xúc hưng phấn học tập cho người học ở trường, tạo dựng ngôi trường hạnh phúc từ mối quan hệ tốt đẹp thầy, trò.

NGƯT Nguyễn Thị Hạnh, Trường THPT chuyên Lào Cai (Lào Cai) cũng cho rằng, sự khuyến khích, khen ngợi hợp lý của giáo viên đủ để học sinh thỏa mãn cảm xúc, bởi giáo viên là người đưa ra những quy tắc nhất định của hành vi và ngăn chặn những lệch lạc, vi phạm của học sinh.

Giáo viên thường xuyên gần gũi với học sinh nên có thể nắm bắt và đánh giá mọi mặt, nhất là học tập. Những đánh giá này làm cơ sở quan trọng quyết định vị thế của học sinh trong tập thể lớp, cũng như vị trí của các em trong mối quan hệ với bạn học cùng trường và bên ngoài.

Nếu giáo viên có kỹ năng quản lý cảm xúc, biết kiểm soát, điều chỉnh cảm xúc, phát huy xúc cảm tích cực trong quá trình dạy học, giao tiếp với học trò sẽ tạo nên mối quan hệ thân thiết, đồng cảm. Đặc biệt việc quản lý cảm xúc sẽ góp phần xây dựng ngôi trường học tập thân thiện, hạnh phúc. Ở đó, học sinh được tôn trọng và đặt làm trung tâm giáo dục. Điều này giúp các em luôn háo hức, cảm nhận bình an, có niềm tin vào thầy cô, bạn bè...

Học sinh thêm hứng thú học tập khi học tập trong môi trường hạnh phúc. Ảnh: NTCC. Trường THCS Lê Quý Đôn (Lào Cai).

Học sinh thêm hứng thú học tập khi học tập trong môi trường hạnh phúc. Ảnh: NTCC. Trường THCS Lê Quý Đôn (Lào Cai).

Giải pháp cho người thầy

Phong trào xây dựng trường học hạnh phúc nhiều năm qua đã mang lại tác động tích cực tới giáo viên từ nâng cao kiến thức tới phương pháp dạy học, ứng xử. Song vẫn còn thầy cô chậm đổi mới, mang “cái tôi” người thầy để áp đặt lên học sinh.

“Giận đến mấy với những hành vi, việc làm, lời nói… chưa chuẩn mực của học trò thì người thầy vẫn phải bình tĩnh để phân tích, uốn nắn dần dần. Nếu giáo viên không chủ động quản lý cảm xúc trước những tình huống phi giáo dục, để tức giận đẩy lên cao sẽ khó tránh khỏi việc buông ra lời nói, hành động thiếu chuẩn mực với học trò.

Khi bị xúc phạm, nhẹ thì học trò tự ái, bực tức thầy cô, nặng nề hơn sẽ tự ti, sợ học, lẩn tránh, hoặc có hành vi chống đối, thù hằn. Như vậy, quá trình gây dựng lại niềm tin, giáo dục sau đó sẽ vô cùng vất vả, kém hiệu quả...”, cô Hạnh trao đổi.

Thực tế trên cho thấy, việc làm chủ cảm xúc của giáo viên cần thiết để tạo nên môi trường giáo dục thân thiện, hạnh phúc. Song quản lý cảm xúc cách nào? thì không phải thầy cô nào cũng biết và có thể làm tốt hoặc nhận ra điểm yếu của mình mà thay đổi.

Hơn 20 năm gắn bó với nghề dạy học, kiêm nhiệm công tác chủ nhiệm, bồi dưỡng học sinh giỏi… NGƯT Nguyễn Thị Hạnh, Trường THPT chuyên Lào Cai cho biết, để quản lý cảm xúc trong quá trình dạy học, cô luôn tâm niệm học sinh như con mình. Trò có lỗi thường gọi riêng góp ý để các em hiểu và tự giác sửa chữa, thay đổi. Lứa tuổi học sinh THPT nhạy cảm và đã có thể suy nghĩ sâu xa, do đó nếu bị mắng nhiếc, quát tháo trước mặt bạn bè, các em có xu hướng cố tình làm ngược để thể hiện cái tôi cá nhân, bất cần, không biết sợ...

Với cô Nguyễn Thị Lan Phương, Trường Tiểu học Hồng Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội), quản lý cảm xúc trong quá trình dạy học là yếu tố quyết định dẫn tới thành công giáo dục toàn diện. Bởi học sinh lớp 1 vừa chuyển từ chơi sang học, hiếu động… không quản lý được cảm xúc giáo viên dễ bị căng thẳng, áp lực.

“Đôi khi rơi vào trạng thái bất lực bởi nhắc nhở nhiều lần một vấn đề mà học sinh vẫn lặp lại vi phạm. Lúc này, bản thân chỉ biết kìm nén cảm xúc thật tốt, bước ra khỏi lớp 2 - 3 phút, hít sâu và lấy lại bình tĩnh để tiếp tục công việc. Học sinh dù nghịch ngợm hay tiếp thu chậm vẫn cần được giáo dục bằng sự khuyến khích, chia sẻ, uốn nắn nhẹ nhàng. Điều đó giúp khoảng cách giữa cô và trò thu hẹp, niềm tin được khẳng định, học trò coi cô như “mẹ”, trường học là ngôi nhà hạnh phúc thứ 2...”, cô Phương chia sẻ.

Để giáo viên quản lý tốt cảm xúc, từ đó xây dựng từng tiết học, ngôi trường hạnh phúc, TS tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh, Giám đốc Học viện Thành Công (Hà Nội) chỉ ra hàng loạt giải pháp: Trước hết, thầy cô cần nắm được trạng thái tâm lý học sinh tại thời điểm tình huống sư phạm xảy ra. Sau đó tìm hiểu nguồn gốc sâu xa của tâm trạng tiêu cực mà học sinh đang có. Trên cơ sở đó tự điều chỉnh cảm xúc của mình cho phù hợp với học trò và hoàn cảnh…

TS tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh đồng thời khẳng định, giáo viên cần biết cách và có phương pháp chuyển hướng hoạt động khi cảm xúc đẩy lên cao trào. Ví như, ra khỏi lớp để cân bằng lại tâm lý; Cầm chắc một dụng cụ dạy học và tâm niệm không tức giận khi dạy học; Tạm dừng trao đổi với học sinh gây ức chế, chuyển sang học sinh khác tích cực. Thậm chí có thể ngừng tiết dạy trong 5 - 10 phút để hạ trấn tĩnh bản thân.

“Xây dựng trường học hạnh phúc từ điều chỉnh, quản lý cảm xúc đòi hỏi người thầy học cách lắng nghe, chia sẻ ý kiến với người thân, đồng nghiệp. Thầy cô nên tham gia các khóa học về kỹ năng kiểm soát xúc cảm; ứng xử, giao tiếp với học trò để hoàn thiện mình hơn khi đứng lớp hay đối diện với tình huống phi giáo dục...”, TS Vũ Việt Anh khuyến cáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ