Xây dựng tài nguyên giáo dục mở: Trường đại học cần làm gì?

GD&TĐ - Cả nước đang trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo tiến tới xây dựng xã hội học tập. Để mọi công dân có thể tự học, học suốt đời, rất cần nguồn học liệu trên cả phương diện số lượng lẫn chất lượng. Do đó, việc xây dựng nguồn tài nguyên giáo dục mở (TNGDM) là rất cần và cấp thiết.

Với chiếc máy tính có kết nối Internet, việc học tập qua TNGDM trở nên dễ dàng
Với chiếc máy tính có kết nối Internet, việc học tập qua TNGDM trở nên dễ dàng

Vai trò quan trọng của các trường ĐH

TNGDM được xem là một nguồn tài nguyên thông tin khoa học hữu hiệu để hỗ trợ cho việc phổ cập giáo dục. Chính cơ sở dữ liệu này tạo ra sự bình đẳng cho người học và người dạy trong việc tiếp cận nguồn học liệu giáo dục chất lượng cao và miễn phí với giấy phép mở. Ở mức cao hơn, TNGDM góp phần tạo ra sự bình đẳng trong giáo dục. Bất kỳ ai, ở bất cứ nơi đâu trên thế giới cũng có thể chia sẻ, sử dụng và tái sử dụng tri thức.

Theo GS.TS Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, các trường ĐH đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng TNGDM đáp ứng yêu cầu học tập suốt đời. Sau hai hội thảo “Trường ĐH với việc học tập suốt đời của người lớn” tại Thái Nguyên và Trường ĐH Mở TPHCM, các đại biểu thống nhất xác định nhiệm vụ của các trường ĐH là phải chuyển mạnh hình thức đào tạo sang hướng giáo dục mở để phục vụ nhu cầu học tập của tất cả các đối tượng là người lớn (từ lãnh đạo các cấp, cán bộ công nhân viên, thầy cô giáo đến những nông dân, công nhân và người về hưu).... 

Theo PGS.TS Hà Trần Phương - Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên, để xây dựng TNGDM cần đảm bảo cùng lúc hai yếu tố: chuyên môn và tính sư phạm. Trong đó, các trường ĐH với vai trò là nơi đào tạo, cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực có chất lượng cao, là nơi thực hiện các nghiên cứu khoa học đáp ứng việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Do đó, vị trí và trách nhiệm tiên phong của các trường ĐH trong việc tạo ra các cơ hội học tập suốt đời cho mọi người, trong đó có người lớn rất rõ ràng. Đặc biệt, các trường ĐH cần xác định vai trò nòng cốt trong việc xây dựng, quản lý, phát triển, chia sẻ các TNGDM cho cộng đồng.

Do đó, các trường ĐH cần tham khảo kinh nghiệm trong nước và quốc tế, thường xuyên cập nhật các kiến thức, kỹ năng tiên tiến trên thế giới để cụ thể hóa các nội dung chuyên môn, quản trị trong việc xây dựng TNGDM đáp ứng nhu cầu học tập của người lớn. Đồng thời, các trường ĐH cần chủ động xây dựng các học liệu mở, chia sẻ tài nguyên với các cơ sở giáo dục khác, chủ động kết nối với các trường và các đơn vị liên quan để xây dựng cộng đồng người phát triển TNGDM.

Ở góc độ bản quyền, GS Lê Vinh Danh - Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng phần lớn cơ sở dữ liệu học thuật của nhà trường đã được số hóa, sẵn sàng chia sẻ nguồn TNGDM. Tuy nhiên, vấn đề bản quyền là chuyện tương đối nan giải. Vì các cơ sở dữ liệu giáo trình học thuật của nhà trường mua, tiếp nhận từ các đơn vị đối tác nước ngoài, nếu chia sẻ trong nội bộ trường thì không vấn đề gì nhưng khi đưa lên sàn, chia sẻ ra bên ngoài phải giải quyết vấn đề bản quyền với các đối tác.

 

Cần sớm có hành lang pháp lý về TNGDM

Theo bà Trương Thị Ngọc Mai - Giám đốc Thư viện Trường ĐH Tôn Đức Thắng, thư viện là cơ quan tập trung nguồn dữ liệu học thuật sẵn có để có thể lựa chọn, đánh giá và tham mưu cho lãnh đạo trường ĐH trong việc tham gia đóng góp vào TNGDM của quốc gia.

Số liệu thống kê năm học 2017-2018, cả nước có tổng số gần 700 trường ĐH, học viện và trường cao đẳng, với gần 73.000 giảng viên, hơn 16.500 tiến sĩ và hơn 400 thư viện học thuật. Nếu có một chiến lược cụ thể, một cuộc vận động mang tính vĩ mô thì tiềm năng đóng góp nguồn TNGDM của các trường ĐH cũng như các thư viện ĐH là rất lớn. Tuy nhiên, trên thực tế vấn đề bản quyền đối với nguồn tài nguyên học thuật tại thư viện ĐH vẫn còn nhiều bất cập.

Nhiều chuyên gia cho rằng hiện chúng ta chưa có chính sách cấp quốc gia về xây dựng TNGDM; Nhận thức của các bộ ngành, nhà trường về xây dựng TNGDM chưa được thống nhất; Đầu tư kinh phí về giáo dục mở còn hạn chế; Trình độ của người sử dụng TNGDM chưa cao; Việc phối kết hợp chia sẻ nguồn TNGDM giữa các cơ sở giáo dục chưa đồng bộ; Vai trò của thư viện ở các trường ĐH chưa được đẩy mạnh…

PGS.TS Hà Trần Phương cho rằng cần xây dựng một mô hình về TNGDM dành cho người lớn phù hợp với điều kiện Việt Nam dựa trên kinh nghiệm quốc tế, bao gồm: hành lang pháp lý, công tác đầu tư, xây dựng, quản trị tài nguyên, trách nhiệm của các tổ chức đơn vị, cá nhân liên quan…, chú trọng đến vai trò nòng cốt, tiên phong của các trường ĐH (xây dựng nội dung TNGDM, xây dựng các bài giảng số cho TNGDM, phát triển công nghệ quản trị,…); bản quyền, chia sẻ, thương mại…; Ban hành các chính sách để TNGDM có thể đi vào thực tiễn.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, cho rằng xây dựng TNGDM là cần thiết, nhưng đây không phải là một công việc dễ dàng, cần tìm một giải pháp tổng thể và lâu dài, cũng như sự tham gia tích cực của các bên trong việc phát triển TNGDM. Đồng thời, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định trong thời gian tới Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng cơ chế chính sách xây dựng TNGDM để phục vụ chủ trương học tập suốt đời; Tổ chức các lớp tập huấn về xây dựng nguồn TNGDM…

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng lưu ý, mỗi thầy cô giáo cần có ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng nguồn TNGDM. Đặc biệt tại các cơ sở GDĐH, vai trò của hiệu trưởng rất quan trọng trong việc vận động, khuyến khích giảng viên tham gia. Đặc biệt là 2 trường: ĐH Mở TPHCM và ĐH Mở Hà Nội cần phối hợp chặt chẽ với Vụ GD thường xuyên trong việc triển khai xây dựng nguồn TNGDM; Chủ động xây dựng và triển khai các trung tâm sản xuất học liệu; Bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ chuyên gia, giảng viên giỏi để tạo nguồn học liệu phục vụ tốt cho cộng đồng.

“Trường ĐH đại diện cho học thuật, nơi tập trung nguồn lực cao cấp cho các ý tưởng sáng tạo. Việc trường ĐH tham gia xây dựng nguồn TNGDM để phục vụ cộng đồng là cần thiết, để đạt các mục tiêu sau: Mở ra cơ hội học tập cho cộng đồng trên diện rộng; San bằng khoảng cách về nguồn lực cao cấp trên các tỉnh thành; Khuyến khích phát triển việc học tập suốt đời của toàn hệ thống; Tham gia chia sẻ nguồn TNGDM cũng là cơ hội để các trường ĐH quảng bá hình ảnh và uy tính của trường...”

PGS.TS Vũ Thị Tú Anh - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ GDTX - Bộ GD&ĐT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ