Làm sao để tài nguyên giáo dục mở lấp đi sự nghèo nàn?

GD&TĐ - Tài nguyên giáo dục mở (TNGDM) chính là nguồn lực lấp đi sự nghèo nàn về tri thức. Để thực hiện được vấn đề này, các trường đại học đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra tài nguyên giáo dục mở. Đây là cách tốt nhất để huy động xã hội hóa nguồn lực trí tuệ tham gia đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Ảnh minh họa/nguồn internet
Ảnh minh họa/nguồn internet

Không bị “bỏ lại phía sau”

Hiện nay, giáo dục đại học Viêt Nam chỉ cung cấp được cơ hội học tập cho gần 10% dân số trong độ tuổi. Đây là tỷ lệ thấp so với các nước trong khu vực cũng như so với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Chính vì vậy, nhằm tăng tỷ lệ người dân được tiếp cận giáo dục đại học theo hình thức giáo dục thường xuyên, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa, các trường Đại học có vai trò rất lớn trong việc xây dựng xã hội học tập

TS. Huỳnh Minh Sơn, Giám đốc Trung tâm Thông tin - Học liệu và Truyền thông Đại học Đà Nẵng cho biết: Trường Đại học không chỉ là nơi đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực mà còn có vai trò, tiềm năng to lớn để góp phần xây dựng một xã hội học tập.

Hệ thống giáo dục ban đầu chỉ trang bị cho mọi người phẩm chất, tri thức, kỹ năng có tính nền móng để tiếp tục phát huy, trau dồi, phát triển ở bậc sau phổ thông.

Học tập suốt đời, ở mọi lúc, mọi nơi (ảnh nguồn internet)
Học tập suốt đời, ở mọi lúc, mọi nơi  (ảnh nguồn internet)

Học sinh ra trường phân luồng học lên bậc Đại học hoặc các trường nghề, sau khi ra trường cần phải tiếp tục có nhu cầu và cần được đào tạo thường xuyên; học tập suốt đời, ở mọi lúc, mọi nơi mới không bị “bỏ lại phía sau” trước những biến đổi vô cùng nhanh chóng của tri thức nhân loại đặc biệt trong kỷ nguyên số và cách mạng công nghiệp 4.0.

Các trường đại học chính là nơi hội đủ tiềm năng, nguồn lực để thể hiện vai trò chủ chốt xây dựng cộng đồng/xã hội học tập và học tập suốt đời.

Tạo nên một cộng đồng có chung một mục đích

Đề cao vai trò của việc xây dựng tài nguyên giáo dục mở, PGS.TS Nguyễn Tiến Công, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Nền tảng của cách mạng 4.0 là vạn vật kết nối và do đó, điều kiện tất yếu cần có là phải có khoa học mở, truy cập mở, giáo dục mở và dữ liệu mở.

Bằng việc xây dựng tài nguyên giáo dục mở, các trường đại học còn có thể đánh giá được những đóng góp của giảng viên đồng thời nắm bắt được nhu cầu của người học để có kế hoạch cải tiến, không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học của trường mình.

Việc cho phép truy cập mở đối với các chương trình đào tạo cũng giúp các trường thu thập được nhiều ý kiến đóng góp, trao đổi, phản biện từ cộng đồng người đọc; qua đó góp phần cập nhật, cải tiến công tác dạy và học đạt kết quả ngày càng cao.

Sự tham gia của các trường đại học sẽ tạo nên một cộng đồng có chung một mục đích và chia sẻ trách nhiệm với nhau. Mỗi một trường chỉ cần phát triển một phần và đóng góp vào kho tài nguyên chung, sẽ tạo nên một hệ sinh thái nội dung đa dạng cho tài nguyên giáo dục mở. Người học và cả người biên soạn qua đó cũng tiếp cận được vấn đề từ nhiều phía.

Huy động nguồn lực của các trường Đại học

Theo TS. Huỳnh Minh Sơn, để xây dựng tài nguyên giáo dục mở tại các trường Đại học phát huy tiềm năng, tiềm lực của các trường trở thành những trung tâm giáo dục mở, kết nối, dẫn dắt cộng đồng trong xã hội học tập, Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, giao cho các tổ chức Hiệp hội như Hội Khuyến học Việt Nam, Liên hiệp các Hội KHKT, Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật, Hiệp hội Thư viện Việt Nam, các tổ chức phi Chính phủ như Liên hiệp các Hội hữu nghị…

Trong đó Hội Khuyến học Việt Nam làm đầu mối chủ trì xây dựng “Đề án xây dựng tài nguyên giáo dục mở phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của cộng đồng, góp phần xây dựng xã hội học tập” trọng tâm tại các trường Đại học có tiềm lực như các Đại học Quốc gia, Đại học vùng, các trường Đại học thuộc top Đại học trọng điểm quốc gia.

Xây dựng môi trường, tài nguyên học tập trực tuyến là cần thiết (ảnh nguồn internet)
 Xây dựng môi trường, tài nguyên học tập trực tuyến là cần thiết (ảnh nguồn internet)  

Bộ GD&ĐT ưu tiên dành nguồn lực để tăng cường đầu tư xây dựng, phát triển tài nguyên học liệu, tài nguyên số các nguồn tài liệu học thuật, khoa học và văn hóa tại hệ thống các thư viện, trung tâm thông tin - học liệu của các trường Đại học; có chính sách khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy các trường Đại học tìm kiếm đối tác, phát triển.

Các trường Đại học cần thay đổi nhanh, thích ứng hơn nhiều phương pháp đào tạo tiên tiến theo hướng mở, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông để gắn kết đào tạo với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực; Đưa nhiệm vụ xây dựng tài nguyên giáo dục mở phục vụ người học và cộng đồng vào chiến lược phát triển, gắn kết cộng đồng.

Các thư viện, trung tâm thông tin học liệu của các trường Đại học xác định vai trò, vị trí trong đổi mới mô hình, phương thức tổ chức và hoạt động để thích ứng với những thay đổi nhanh chóng trong kỷ nguyên số; ứng dụng thành tựu của công nghệ thông tin và truyền thông như những trụ cột của cách mạng 4.0 (Big Data, Trí tuệ nhân tạo AI và IoT internet of Things kết nối vạn vật) trong đó định hướng phát triển các dịch vụ Smart Library, Smart Campus, Smart City…

Đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng công nghệ, tập huấn khai thác các công cụ; ứng dụng và phát triển các phần mềm ứng dụng học tập trực tuyến (E-learning). Việc xây dựng môi trường, tài nguyên học tập trực tuyến cần tiếp cận gần hơn với người học từ thiết bị di động hay học tập trong mô hình trường đại học ảo… là xu hướng tất yếu.

Theo TS. Huỳnh Minh Sơn, huy động tiềm năng, tiềm lực của các trường Đại học và cách các trường Đại học tham gia vào xây dựng xã hội học tập chính là cách tốt nhất để huy động xã hội hóa nguồn lực trí tuệ tham gia đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và khai thác, làm giàu thêm nguồn tài nguyên tri thức của đất nước và nhân loại đem lại giá trị từ nền kinh tế tri thức, nền kinh tế số mà mỗi chúng ta không ai muốn ở lại phía sau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ