Xây dựng nền giáo dục mở: Cầu nối công bằng giáo dục

GD&TĐ - Nguyên lý “Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt, có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập...” được thể hiện qua kết quả sau 5 năm triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW khóa XI-2013. 

Xây dựng nền giáo dục mở tạo cơ hội học tập cho mọi người. Ảnh nguồn Internet
Xây dựng nền giáo dục mở tạo cơ hội học tập cho mọi người. Ảnh nguồn Internet

Để triển khai nhanh và hiệu quả hơn việc nghiên cứu giáo dục mở (GDM) và ứng dụng vào thực tiễn của giáo dục đại học ở Việt Nam cần xây dựng lộ trình từ kinh nghiệm quốc tế.

Xu hướng quốc tế

TS Mai Văn Tỉnh, Phó Trưởng Ban Nghiên cứu và Phát triển chính sách - Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, thực tiễn cho thấy, nền giáo dục truyền thống “khép kín” đã bộc lộ nhiều nhược điểm: Trì trệ, thiếu dân chủ, không đáp ứng nhu cầu cá nhân hóa việc học để phát huy khả năng của từng cá nhân. Vì vậy, GDM phát triển sẽ bảo đảm tính sáng tạo cho việc xây dựng, tổ chức các nội dung, hình thức giáo dục; tạo ra cầu nối khắc phục tình trạng mất công bằng giáo dục, thúc đẩy xu thế học suốt đời cho mọi nguời, mọi nơi, mọi lúc nhằm tiến tới một xã hội học tập; tận dụng các nguồn lực và bảo đảm tính hiệu quả, phát triển bền vững của hệ thống.

GDM cũng chính là giải pháp đột phá cho việc cải tiến, sắp xếp lại hệ thống cơ sở đào tạo sư phạm đang thu hút sự quan tâm của các cấp chính sách vĩ mô và vi mô ở Việt Nam. 

Ở Vương quốc Anh, các nhà khoa học đã nhấn mạnh: “Mô hình khác biệt căn bản của GDM và trường đại học truyền thống”. Đây là cách mà các cơ sở đào tạo đại học tham gia mở rộng GDM, bên cạnh cung cấp cơ hội thử nghiệm, phê phán và sáng tạo cùng với thành lập trường đại học; GDM cũng là một thách thức trực tiếp đối với tương lai của cơ sở đào tạo. Điều quan trọng cần lưu ý là ngày càng có nhiều chiến lược dạy - học ngắn hạn và dài hạn được các cơ sở đại học chấp nhận vì được xác định bởi một trong những lĩnh vực không rõ ràng nhất về quản trị học thuật.

Giáo dục mở là sự bắc cầu

Khoa Kinh tế, Đại học Mở Terbuka Indonesia đã coi GDM là sự bắc cầu vượt khoảng cách bất bình đẳng của cơ hội giáo dục đại học. GDM - từ xa thông qua một loạt các ứng dụng có thể khuyến khích việc hiện thực hóa các ý tưởng để cung cấp sự bình đẳng về cơ hội tiếp cận giáo dục cho toàn xã hội, loại bỏ những hạn chế, rào cản để có thể tiếp cận với giáo dục đại học cho cộng đồng nói chung...

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Các nhà khoa học Anh cũng nhận thức rằng “tính mở” đã trở thành một thuật ngữ được chính trị hóa và có tính chịu trách nhiệm cao, là phong trào hoạt động ở các lĩnh vực nằm bên ngoài địa hạt giáo dục, như: Kiến thức mở, chính phủ mở, truy cập mở, dữ liệu mở, nguồn lực mở và văn hóa mở... Trong quá trình này, GDM có một ý nghĩa thông thường và tính hợp pháp tự nhiên hóa, và trở thành sự đồng thuận chính trị.

GDM đang gia tăng sức thu hút, đáng chú ý nhất là thông qua các sáng kiến trực tuyến gần đây như phong trào tài nguyên giáo dục mở (OER) và các khóa học trực tuyến mở đại chúng (MOOCs), hoặc các hoạt động khác nhằm mở rộng quyền truy cập vào giáo dục hoặc thách thức thiết lập sự thống trị nhận thức của tầm nhìn thể chế nhà trường.

Nhiều hội nghị nổi bật được dành cho chủ đề GDM ngày càng tăng, với ý nghĩa mong muốn ban hành cải cách thể chế và văn hóa sâu rộng - bản chất của phong trào GDM. Điều này nhấn mạnh vào việc phát triển GDM, nhưng cũng đồng thời cho rằng sự tồn tại của một nền giáo dục đã bị đóng khép và vốn trái ngược với những lý tưởng đương thời về khả năng tiếp cận và công bằng giáo dục sẽ dần dần được thay thế trong xu thế hội nhập ở thời đại CMCN 4.0.

Trao quyền cho người học

Theo TS Mai Văn Tỉnh, GDM được cho là một triết lý về cách tạo ra, chia sẻ và xây dựng kiến thức giúp mọi người trên thế giới có cơ hội tiếp cận với các nguồn lực của giáo dục. Đây chính là đặc điểm cơ bản nhất của giáo dục: Giáo dục chia sẻ kiến thức, hiểu biết và thông tin với người khác, qua đó có thể hình thành kiến thức, kỹ năng, ý tưởng và sự hiểu biết mới.

Trên cơ sở lý luận và thực tiễn về GDM nói trên, có thể khẳng định rằng trên thế giới, GDM đã và đang được phát triển với 3 trụ cột: Tài nguyên GDM, các khóa học trực tuyến quy mô lớn và các trường đại học mở. Ở Việt Nam, GDM cũng đang được triển khai theo hướng đổi mới hệ thống giáo dục, nhằm xây dựng nền GDM thực học, thực nghiệp, tạo cơ hội tiếp cận giáo dục cho mọi người, tạo điều kiện cho việc học suốt đời….

Để triển khai GDM ở Việt Nam có hiệu quả thực chất, theo TS Mai Văn Tỉnh, không nên đầu tư vào GD “đóng” theo các cách truyền thống (như xây dựng cơ sở hạ tầng nhà cửa, in ấn SGK, tài liệu học tập giấy…).

Cần cải cách thiết chế kinh tế và thể chế nhà trường làm đòn bẩy chính sách mạnh cho quản lý GD đến quản trị nhà trường ĐH. Từ đó, dân chủ hóa GD, cá nhân hóa việc học, trao quyền cho người học chọn lựa các dịch vụ GD. Mở rộng văn hóa kiểm định chất lượng cho mọi bên liên quan tham gia. Đây là vấn đề cần có sự nghiên cứu của các nhà khoa học giáo dục, quản lý giáo dục, hoạch định chính sách để tìm được sự đồng thuận trong việc triển khai GDM, nhằm triển khai quan điểm, mục tiêu về GDM theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ