Đó là chia sẻ của Ths. Bùi Văn Thanh, Phó trưởng Khoa Sư phạm Xã hội, Trường Đại học Phạm Văn Đồng tại Hội thảo khoa học “Trường Đại học với việc xây dựng tài nguyên giáo dục mở đáp ứng yêu cầu học tập suốt đời của người lớn” ngày 23/8, tại TPHCM.
Khắc phục được tình trạng thiếu tài liệu giảng dạy
Ths. Bùi Văn Thanh, Phó trưởng Khoa Sư phạm Xã hội, Trường ĐH Phạm Văn Đồng cho rằng: Một trong những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo là đầu tư xây dựng các nguồn tài liệu học tập để đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu của giảng viên và sinh viên.
Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng các thư viện đại học Việt Nam chưa đáp ứng tốt nhu cầu về học liệu của giảng viên, sinh viên và nhà nghiên cứu. Việc thiếu hụt các tài nguyên học tập đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo và nghiên cứu.
Trong điều kiện không đủ kinh phí để mua các nguồn học liệu cần thiết, việc tìm kiếm các nguồn tài liệu miễn phí còn hạn chế thì việc các trường đại học Việt Nam liên kết xây dựng nguồn tài nguyên giáo dục mở là một giải pháp hữu hiệu cho vấn đề này.
Theo Ths. Bùi Văn Thanh, bản chất của TNGDM là chia sẻ và khai thác mở, do vậy, cần có sự tham gia tích cực của các trường đại học trong việc xây dựng các tài liệu học tập mở. Một trường đại học không thể xây dựng được OER trừ trường hợp họ có nguồn kinh phí rất lớn, nhưng cái họ tạo ra cũng chỉ phục vụ cho các chương trình đào tạo mà họ cung cấp.
Sự tham gia của các trường đại học sẽ tạo nên một cộng đồng có chung một mục đích và chia sẻ trách nhiệm với nhau. Mỗi một trường chỉ cần phát triển một phần và đóng góp vào kho tài nguyên chung, sẽ tạo nên một hệ sinh thái nội dung đa dạng cho TNGDM.
Xây dựng các tài liệu học tập mở là xu hướng tất yếu (ảnh nguồn internet) |
Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay, việc xây dựng TNGDM chỉ mới ở giai đoạn bắt đầu. Cộng đồng TNGDM còn rất nhỏ lẻ. Nguyên nhân chủ yếu là chưa có những chủ trương, chính sách phù hợp từ phía các nhà quản lý, cũng như chưa có một cơ chế hợp tác phù hợp giữa các trường đại học.
Rào cản cơ chế, chính sách
Ths. Bùi Văn Thanh cho biết: Trong thời gian qua đã có nhiều hội thảo liên quan đến TNGDM được tổ chức, các chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp giải quyết vấn đề này, tuy nhiên về mặt quản lý hành chính thì đến nay vẫn chưa có một văn bản chính thức nào của Nhà nước ban hành theo hướng giấy phép bản quyền mở.
Do vậy, ở tầm vĩ mô, các cơ quan liên quan như: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cần có sự phối hợp để xây dựng một chính sách quốc gia về TNGDM. Trên cơ sở đó, các trường đại học, các doanh nghiệp và cá nhân có cơ sở pháp lý để cùng phối hợp xây dựng và phát triển nguồn học liệu mở.
Một trong những khó khăn lớn nhất của việc quá trình sản xuất tài nguyên giáo dục mở đó là vấn đề pháp lý trong quyền sở hữu trí tuệ. Vấn đề này trên thế giới đã có nhiều giải pháp nhưng đối với nước ta đang còn là một thách thức lớn và trở thành rào cản phát triển phong trào sản xuất tài nguyên giáo dục mở.
Vì vậy, Nhà nước cần có những quy định pháp lý phù hợp liên quan đến giấy phép xuất bản Creative Commons để có một văn bản pháp lý chính quy tạo nền tảng và hành lang pháp lý cho tài nguyên giáo dục mở phát triển một cách bền vững.
Sau khi có các cơ chế, chính sách từ cấp vĩ mô, các trường đại học cần xây dựng những chính sách cụ thể của riêng mình để hỗ trợ, khuyến khích đội ngũ giảng viên, sinh viên tham gia tích cực để phát triển TNGDM.
Các trường đại học cần xây dựng những chính sách phát triển TNGDM (ảnh nguồn internet) |
Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần tạo lập môi trường tự do học thuật, khuyến khích việc đầu tư biên soạn giáo trình, bài giảng và các tài liệu học tập khác, từ đó tạo động lực để giảng viên, nhà nghiên cứu, cán bộ thư viện thúc đẩy phát triển và chia sẻ các nguồn học liệu mở.
Giảng viên là người lựa chọn, dẫn đường
Theo Ths. Bùi Văn Thanh, để xây dựng nguồn học liệu mở, mỗi trường đại học phải tạo lập cơ sở dữ liệu riêng của mình để đóng góp vào kho dữ liệu chung. Để nhanh chóng khắc phục tình trạng thiếu nguồn tài liệu có thể chia sẻ như hiện nay,
Giảng viên, nhà nghiên cứu, sinh viên và cán bộ thư viện sẽ là những người trực tiếp tạo lập và chia sẻ TNGDM. Do đó, lực lượng này cần tích cực trong việc tạo lập các tài liệu có chất lượng để phục vụ việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu. Bên cạnh đó, giảng viên và các nhà nghiên cứu cần chấp nhận chia sẻ nguồn học liệu của mình theo đúng bản chất của hệ thống TNGDM.
"Bên cạnh việc sáng tạo và chia sẻ TNGDM, giảng viên còn là người “lựa chọn, hướng dẫn, đưa ra những quy định cho sinh viên về việc đọc tài liệu/giáo trình, gợi ý những tài liệu tham khảo. Vì vậy, chất lượng của TNGDM chủ yếu phụ thuộc vào tài nguyên nào giảng viên chọn để sử dụng, họ điều chỉnh chúng thế nào cho phù hợp với bối cảnh cụ thể và họ tích hợp chúng thế nào vào các hoạt động giảng dạy, đào tạo và học tập.
Để giải pháp này thành công thì lãnh đạo nhà trường cần phải có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích hợp lí với các mức độ khác nhau nhằm kích thích, động viên đội ngũ giáo viên phát huy hết vai trò của mình trong sử dụng và sản xuất TNGDM" - Ths Bùi Văn Thanh chia sẻ.