Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông - Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong những trường đã làm thành công mô hình đó, với mạng lưới hơn 200 doanh nghiệp tham gia đồng hành, hỗ trợ sinh viên. Báo GD&TĐ đã phỏng vấn PGS.TS Cao Tuấn Dũng - Phó Hiệu trưởng nhà trường xung quanh vấn đề này.
Tăng cường liên kết để tạo cơ hội cho sinh viên
- Hiện, nhà trường đã tăng cường hợp tác với các đơn vị trong nước cũng như nước ngoài ra sao để sinh viên được cập nhật kiến thức, công nghệ mới và mở rộng mối quan hệ giúp tìm kiếm cơ hội việc làm sau khi ra trường?
- Nhiều năm nay, Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông - Đại học Bách khoa Hà Nội đặc biệt chú trọng đến hoạt động hợp tác với doanh nghiệp. Hiện tại, thông qua đầu mối Trung tâm đổi mới sáng tạo, trường đã thiết lập mạng lưới doanh nghiệp đồng hành với hơn 200 thành viên là các công ty về công nghệ thông tin và truyền thông hàng đầu Việt Nam.
Mạng lưới doanh nghiệp này sẽ hỗ trợ nhà trường đào tạo kỹ năng mềm, đào tạo ngoại ngữ; tài trợ học bổng, kinh phí cho các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của sinh viên; hợp tác trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Đồng thời mỗi học kỳ, họ sẽ cung cấp thông tin về các vị trí thực tập. Sinh viên có thể căn cứ vào năng lực của bản thân để đăng ký thực tập. Kết thúc thời gian thực tập, nhà trường sẽ nhận bản đánh giá và nhận xét từ cả sinh viên và doanh nghiệp.
Đối với sinh viên, các em sẽ đánh giá về doanh nghiệp nơi mình thực tập, về môi trường làm việc, kiến thức kỹ năng chuyên môn thu nhận được… Doanh nghiệp đánh giá sinh viên về chất lượng thực tập, các phẩm chất cá nhân và khả năng tuyển dụng sinh viên trong tương lai.
Tất cả các hoạt động trên được triển khai trên một hệ thống số hóa - Quản lý hợp tác doanh nghiệp. Những đánh giá đó, nhà trường sẽ tổng hợp qua đó giúp chúng tôi nhìn nhận những điểm mạnh và hạn chế trong quá trình đào tạo để có phương án cải thiện, giúp sinh viên có thời gian đi thực tập bổ ích, tích luỹ thêm kiến thức cho bản thân.
Bên cạnh đó, trường cũng hợp tác với các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới và trong nước thành lập các trung tâm, phòng thí nghiệm nghiên cứu hỗn hợp với sự tham gia của doanh nghiệp trong ban giám đốc như Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về trí tuệ nhân tạo (BKAI); hợp tác với Tập đoàn Naver Hàn Quốc, Trung tâm Công nghệ và Giải pháp chuyển đổi số giáo dục (EdTech); hợp tác với Công ty Sun, Nhật Bản.
Sinh viên tham gia các phòng thí nghiệm trên được sử dụng cơ sở trang thiết bị nghiên cứu hiện đại, tiên tiến, được tiếp xúc với những vấn đề nghiên cứu có hàm lượng kiến thức chuyên sâu cao, sự hướng dẫn của các giảng viên có trình độ và các chuyên gia đến từ doanh nghiệp.
Cuối cùng, phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ trong nước và quốc tế, trường tổ chức các sự kiện thường niên như các buổi nói chuyện theo chủ đề, các cuộc thi, hackathon về khoa học công nghệ cho sinh viên tham gia để nâng cao kiến thức chuyên môn lẫn kỹ năng làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
PGS.TS Cao Tuấn Dũng. |
Cơ hội lớn, đòi hỏi cao
- Thưa ông, hiện nay ngành Công nghệ thông tin là ngành “hot” với nhiều cơ hội việc làm cũng như mức thu nhập hấp dẫn. Song hành với đó là sự đòi hỏi sinh viên ngành này phải học tập, rèn luyện ra sao để đáp ứng những được yêu cầu của công việc cũng như nhà tuyển dụng?
- Trong bối cảnh quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, các công việc đơn giản yêu cầu hàm lượng tri thức và kỹ năng thấp sẽ dần bị thay thế bởi máy móc, các hệ thống thông minh.
Vì vậy để đáp ứng được những yêu cầu của nhà tuyển dụng và đòi hỏi của công việc trong thực tế, sinh viên cần bắt đầu bằng niềm yêu thích, đam mê, thái độ học tập nghiêm túc và một phương pháp học tập phù hợp để trang bị cho bản thân kiến thức nền tảng cốt lõi của ngành mình đang học. Đặc biệt, các em phải có một tư duy tốt về hệ thống trước khi nghiên cứu, tìm hiểu các kiến thức chuyên sâu.
Bên cạnh đó, qua môi trường giáo dục đại học sinh viên cần hiểu tinh thần học tập chủ động, học tập suốt đời để cập nhật kiến thức, công nghệ mới. Các em cũng cần dành thời gian trau dồi và cải thiện các kỹ năng cá nhân như ngoại ngữ, giao tiếp, kỹ năng làm việc tập thể, làm quen với văn hóa, môi trường làm việc tại các công ty, doanh nghiệp. Từ đó, sinh viên dần hình thành một thái độ nghề nghiệp đúng đắn thông qua các hoạt động học tập, các hoạt động ngoại khóa, thực tập tại doanh nghiệp.
- Là cơ sở đào tạo ngành công nghệ hàng đầu cả nước, Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông đã làm gì để hỗ trợ, đồng hành, giúp sinh viên vững kiến thức chuyên môn, kỹ năng?
- Các chương trình đào tạo của trường đều được thiết kế dựa trên các chuẩn đầu ra. Thông qua các học phần, sinh viên không chỉ học kiến thức mà sẽ được trang bị, học tập và thực hành thêm các kỹ năng, thái độ cần thiết cho nghề nghiệp tương lai.
Ngoài hoạt động giảng dạy, trường thành lập nhiều câu lạc bộ sinh viên theo chuyên đề như Câu lạc bộ ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản - Hedspi Nichibu, Câu lạc bộ Chuyển đổi số trong Giáo dục (SoDITec), Câu lạc bộ Sinh viên Sáng tạo công nghệ thông tin (SINNO), Câu lạc bộ an toàn thông tin.
Các câu lạc bộ sẽ tạo ra môi trường, không gian cho các sinh viên hoạt động, tìm hiểu thêm về những kiến thức và kỹ năng trong lĩnh vực mình quan tâm. Sinh viên sẽ được tham gia các hoạt động giao lưu, được học hỏi chia sẻ kinh nghiệm giữa sinh viên với nhau, với cựu sinh viên và doanh nghiệp. Qua đó, các em phát huy năng lực sáng tạo, khởi nghiệp thông qua các cuộc thi lẫn các hoạt động hướng tới cộng đồng, xã hội.
- Xin cảm ơn ông!
“Nhà trường luôn tạo điều kiện, dành các trang thiết bị, cơ sở vật chất mới và tốt nhất cho các hoạt động của sinh viên. Các câu lạc bộ có thể đăng ký sử dụng các không gian đổi mới sáng tạo, không gian làm việc chung, phòng thuyết trình đa năng cho các hoạt động trên trong và cả sau giờ làm việc hành chính”, PGS.TS Cao Tuấn Dũng chia sẻ.