Nhà trường, doanh nghiệp đồng hành cùng học sinh khởi nghiệp

GD&TĐ - Khởi nghiệp không chỉ được chú trọng ở đại học, mà trong trường phổ thông.

Ông Phạm Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa trao đổi cùng học sinh Hà Nội về vấn đề khởi nghiệp. Ảnh: Ngô Chuyên
Ông Phạm Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa trao đổi cùng học sinh Hà Nội về vấn đề khởi nghiệp. Ảnh: Ngô Chuyên

Hoạt động này đã được nhà trường, thầy cô và chính các bậc phụ huynh quan tâm nhằm trang bị các kiến thức, kỹ năng liên quan cho học sinh. Sự đồng hành đó giúp học trò có thể thực hiện hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp.

Đồng hành với học sinh để khởi nghiệp

Đam mê công nghệ từ khi học tiểu học, em Đinh Quân, học sinh Trường THCS Xuân Phương (Nam Từ Liêm, Hà Nội), chia sẻ: “Em rất thích thú khi nghe các câu chuyện liên quan đến chủ đề khởi nghiệp. Những thông tin đó giúp em hiểu thế nào là khởi nghiệp, cách lập kế hoạch cho những ý tưởng trong tương lai của mình”.

Còn nữ sinh Phạm Hồng Khánh, Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm (TP Hà Nội) chia sẻ: “Khi đang học ở phổ thông được định hướng sớm về khởi nghiệp sẽ giúp em có kế hoạch rõ ràng cho bản thân trong quá trình học tập cũng như lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai. Đặc biệt, khi lựa chọn ngành nghề ngoài căn cứ vào sở thích, em cũng biết mình cần phải dựa vào năng lực, sở trường của mình đã có thay vì chạy theo đám đông và lựa chọn một cách cảm tính”.

Cũng như nhiều bậc cha mẹ, chị Nguyễn Thị Ngọc, phụ huynh của một học sinh đam mê khởi nghiệp ở quận Long Biên (Hà Nội) rất quan tâm đến câu chuyện hướng nghiệp, khởi nghiệp. Con chị Ngọc đang học tại Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, có sở thích làm đồ thủ công từ giấy.

Chị Ngọc chia sẻ: “Việc lồng ghép các hoạt động giáo dục khởi nghiệp trong trường học hiện nay rất quan trọng, giúp học sinh có kế hoạch học tập cụ thể cho bản thân. Khi hiểu được điều đó, quá trình học của con sẽ nhẹ nhàng hơn, không bị áp lực. Phụ huynh cũng hiểu được con mình mạnh, yếu ở đâu để định hướng”.

Theo ông Phạm Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa (TP Hà Nội) - cho biết: “Khi học sinh được tiếp xúc với khởi nghiệp sớm, các em sẽ có một nền tảng kiến thức cơ bản về vấn đề này. Giáo dục khởi nghiệp ở bậc phổ thông, học sinh sẽ được dạy các kiến thức, kỹ năng cần có của một người khởi nghiệp là những gì. Từ đó, học trò sẽ tự xác định được thế mạnh mình có, đam mê bản thân muốn theo đuổi, các em sẽ ý thức được mình cần chuẩn bị hành trang ra sao để thực hiện hóa ý tưởng hay nghề nghiệp mình mong muốn trong tương lai”.

Theo ông Tuấn, các hoạt động khởi nghiệp của học sinh khi có sự đồng hành của nhà trường, doanh nghiệp sẽ giúp các em có nền tảng vững chắc hơn. Vì vậy từ năm học 2023 - 2024, Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa đưa môn học “Hướng nghiệp và khởi nghiệp” là môn học chính thức trong chương trình giảng dạy.

“Đối với môn học này, chúng tôi sẽ trang bị cho học sinh kiến thức để phát triển bản thân, kỹ năng quản lý tài chính, lãnh đạo doanh nghiệp, trải nghiệm thực tế tại các doanh nghiệp. Đồng thời quá trình học, chúng tôi mời các chuyên gia đến chia sẻ, truyền cảm hứng khởi nghiệp cho các em”, ông Tuấn chia sẻ.

Học sinh Hà Nội nghe các chuyên gia truyền cảm hứng về khởi nghiệp. Ảnh TL.

Học sinh Hà Nội nghe các chuyên gia truyền cảm hứng về khởi nghiệp. Ảnh TL.

Phát huy sở trường, hướng đi chắc cho tương lai

Không chỉ chú trọng công tác giáo dục, mà vấn đề truyền cảm hứng khởi nghiệp cho học sinh nhiều năm qua cũng được Phòng GD&ĐT quận Nam Từ Liêm (TP Hà Nội) chú trọng. Ông Nguyễn Quý Trang - Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Nam Từ Liêm - cho biết: “Truyền cảm hứng khởi nghiệp sớm cho học sinh sẽ giúp các em phát triển sở trường, thế mạnh từ khi còn học ở phổ thông. Từ đó, học trò sẽ xây dựng kế hoạch và hướng đi cho tương lai”.

Theo ông Trang, nên giáo dục cho học sinh khái niệm khởi nghiệp ngay từ khi còn học tiểu học. Lý giải về điều này, ông Trang phân tích: “Học sinh tiểu học bây giờ khác rất nhiều so với chúng ta trước đây, các em năng động, sáng tạo hơn, được tiếp xúc với công nghệ thông tin sớm có thể hình thành ý tưởng sáng tạo từ tiểu học cho đến khi trưởng thành. Do đó, chúng ta cần phải thay đổi quan niệm giáo dục để khơi dậy ý tưởng khởi nghiệp cho học trò khi còn học tiểu học”.

Ông Trang cho biết thêm, hiện nay hoạt động khởi nghiệp của các nhà trường đã nằm trong chương trình giáo dục hướng nghiệp. Bên cạnh đó, các ý tưởng sáng tạo của học sinh cũng có nhiều sân chơi để cọ xát. Ví dụ, học sinh có thể tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật, hoạt động giáo dục STEM trong trường học. Khi tham gia những hoạt động đó, các em sẽ hình thành ý tưởng sáng tạo, ước mơ cho bản thân về nghề nghiệp trong tương lai. Như vậy, quá trình phân luồng học sinh của các nhà trường tốt hơn.

Còn theo ông Trần Văn Đạt, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) thì khởi nghiệp đối với nhiều học sinh phổ thông còn mới. Cho nên trong quá trình triển khai, một trong những nội dung chính là truyền cảm hứng, truyền thông cho học sinh biết thế nào là khởi nghiệp. Qua đó, giúp các em hiểu mình mong muốn gì từ những chương trình này. “Khi học sinh có ý tưởng, dự án khởi nghiệp, nhà trường sẽ đồng hành, hỗ trợ để các em phát triển”, ông Đạt cho biết.

Theo ông Đạt, ở phổ thông học trò chỉ mới có dự án nhỏ tuy nhiên khi có kiến thức cơ bản về khởi nghiệp, vào đại học những dự án đó các em có thể phát triển lớn hơn nhằm theo đuổi đam mê của mình.

“Khởi nghiệp sẽ không dễ dàng, vì vậy trong quá trình thực hiện hóa ý tưởng thành hiện thực các em sẽ phải đối mặt với thách thức, khó khăn. Tuy nhiên, những va vấp đó giúp các em kiểm nghiệm ý tưởng liệu có thể thành hiện thực hay không. Đồng thời những hoạt động giáo dục này giúp học sinh nuôi dưỡng ý tưởng khởi nghiệp từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường”. Ông Trần Văn Đạt, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ