Kết nối doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề

GD&TĐ - Tính đến tháng 4/2023, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã hợp tác với 1.150 doanh nghiệp, tiếp nhận hơn 37.246 học sinh.

Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động đem lại hàng nghìn cơ hội việc làm cho học sinh, sinh viên, người lao động. Ảnh: TP
Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động đem lại hàng nghìn cơ hội việc làm cho học sinh, sinh viên, người lao động. Ảnh: TP

Cùng đó, có 519 doanh nghiệp tuyển dụng 65.381 học sinh, sinh viên vào làm việc sau khi tốt nghiệp với mức lương bình quân một tháng từ 8 - 15 triệu đồng.

Cơ hội liên kết đào tạo nghề, tạo việc làm

Tại Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2023, bà Bạch Liên Hương, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội nhận định, với vị thế là trung tâm kinh tế - văn hóa - chính trị của cả nước, thị trường lao động của Thủ đô luôn có nhu cầu cao với sự biến động mạnh mẽ.

Bà Hương đánh giá, việc tổ chức Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động là một trong nhiều biện pháp cụ thể thực hiện nhằm thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp, người học và xã hội về giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, việc làm giúp học sinh, sinh viên, người lao động chọn nghề và tìm kiếm việc làm phù hợp. Thúc đẩy và khuyến khích học sinh, sinh viên tham gia phong trào khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thủ đô.

Ngày hội cũng đẩy mạnh gắn kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp, hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại, kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ giải quyết sự thiếu hụt lao động, việc làm giữa các khu vực kinh tế và lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ…

Hàng năm đã thu hút gần 30.000 học sinh, sinh viên, phụ huynh và người lao động trên địa bàn thành phố tham gia, tư vấn tuyển dụng cho hơn 5.000 lao động. Ngoài ra, tạo cơ hội gắn kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với hơn 1.000 doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, cập nhật kịp thời xu hướng phát triển của thị trường và nhu cầu tuyển dụng lao động, tiến tới việc liên kết đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp…

Theo số liệu thu thập của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, năm 2023 nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp là khoảng 200.000 chỉ tiêu. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp nhóm ngành thương mại - dịch vụ chiếm khoảng 51%, nhóm ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 49%.

Trong 4 tháng đầu năm 2023, thành phố đã tổ chức 78 phiên giao dịch việc làm, thực hiện tư vấn về việc làm, học nghề, bảo hiểm thất nghiệp và chính sách pháp luật lao động cho 16.481 lượt người lao động với 2.318 lượt đơn vị, doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, đã giải quyết việc làm cho trên 64.000 lao động, đạt hơn 39% kế hoạch năm.

Tuy nhiên, tình hình bệnh dịch Covid-19 kéo dài trong những năm vừa qua đã tác động nghiêm trọng đến đời sống dân sinh, lao động và việc làm. Đặc biệt là tình hình bất ổn về an ninh, lạm phát suy giảm kinh tế, giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao ở nhiều lĩnh vực ở khu vực và thế giới đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước và thành phố.

Một số doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất cũng có phần giảm các đơn hàng do thị trường xuất khẩu gặp khó khăn. Các ngân hàng thắt chặt giải ngân, lãi suất tăng, do vậy trong 4 tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, dẫn đến việc cắt giảm nhân công, giảm việc làm mới trong các tháng đầu năm 2023…

Chất lượng lao động ngày càng nâng cao

Bà Bạch Liên Hương cho biết, trong những năm qua, chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chất lượng lao động Thủ đô ngày càng được khẳng định và nâng cao, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cung cấp lao động cho các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp ngành nghề công nghiệp chủ lực, doanh nghiệp công nghệ cao của thành phố.

Với mạng lưới 307 cơ sở có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố, năm 2022 thành phố đã tuyển sinh đào tạo cho 252.286 lượt người, tăng 13,58% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72,23%, tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ đạt 52,5%.

Cùng với đó, có 92 doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với tổng kinh phí trên 7,2 tỷ đồng, 493 doanh nghiệp đặt hàng đào tạo với hơn 135.480 người.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế và Thiết bị Việt Đức cho biết, hiện nay trên cả nước, với nhu cầu của gần 5.000 bệnh viện công và tư nhân, hơn 4.000 doanh nghiệp về trang thiết bị y tế, dự báo nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành y tế thời gian tới rất cao. Theo dự tính khoảng 5 năm tới đây, nhu cầu chăm sóc sức khỏe tại nhà sẽ tăng lên khoảng 38,1%.

Dự kiến nhân lực ngành Y tế Việt Nam cần bổ sung khoảng 55.000 bác sĩ, 10.000 dược sĩ, 83.000 điều dưỡng, 65.000 kỹ thuật viên y học. Theo ông Khánh, với tình trạng thừa thầy, thiếu thợ hiện nay thì việc các em học sinh, phụ huynh quan tâm tới các mã ngành khối sức khỏe và trang thiết bị y tế là lựa chọn khá phù hợp với định hướng tương lai.

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cho hay, từ nay tới cuối năm, căn cứ vào yêu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, đơn vị này sẽ tiếp tục gắn kết với lực lượng lao động, tổ chức các phiên giao dịch việc làm chuyên đề cụ thể. Mục tiêu cao nhất là hỗ trợ nhiều nhất cho doanh nghiệp trong tuyển dụng và người lao động tìm được công việc phù hợp, có thu nhập bảo đảm cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ