6 lưu ý khi soạn giáo án dạy trực tuyến
Với kinh nghiệm giảng dạy trực tuyến trong thời gian dài vừa qua, cô Đàm Thị Hồng Hảo, giáo viên Lịch sử, Trường THPT Minh Châu, Hưng Yên, chia sẻ 6 lưu ý khi xây dựng giáo án dạy học trực tuyến như sau:
Thứ nhất, sự tương tác khi học trực tuyến không giống với học trực tiếp nên đòi hỏi giáo viên phải sử sụng thành thạo công nghệ thông tin để xây dựng giáo án tạo ra sự thú vị, thu hút học sinh, để học sinh tương tác với thầy cô sôi nổi, nhiệt tình
Thứ hai, xác định mục tiêu bài học giúp học sinh biết mình thực sự cần gì, mình đang học vì điều gì… Từ đó mang lại những giờ học trực tuyến thực sự hiệu quả, thú vị.
Thứ ba, chuẩn bị kĩ cho bài giảng khi dạy học trực tuyến; tham khảo tài liệu, tư liệu học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp. Luôn tạo ra cái mới, khơi dậy tính tò mò ham tìm hiểu của học sinh qua các video, hình ảnh, tư liệu… Giáo viên nên chú ý kiến thức trọng tâm, không nên dàn trải, lan man, tham nhiều nội dung mà không chú ý đến chất lượng.
Thứ tư, khi soạn giáo án, giáo viên nên chia nhỏ nội dung học một cách hợp lý để khi giáo án được trình chiếu trên màn hình ngắn gọn, câu chữ dễ hiểu, dễ nhớ.
Thứ năm, trong giáo án dạy trực tuyến giáo viên nên sử dụng các câu hỏi nhanh, các câu hỏi nêu vấn đề để học sinh tập trung giải quyết một cách tích cực tránh tình trạng học sinh sao nhãng trong giờ học..
Thứ sáu, giáo viên giao bài tập cho học sinh, giúp các em củng cố lại kiến thức và biết cách vận dụng lý thuyết vào bài tập.
Thứ bảy, kết thúc bài học một cách cô đọng thông qua phần luyện tập và vận dụng như: nhắc lại kiến thức chính, củng cố kiến thức đã học, làm bài tập. Phần kết thúc bài học đặc biệt quan trọng đối với bài giảng online, giúp học sinh thống lại những kiến thức vừa học và khắc sâu được những nội dung chính mà mục tiêu bài học đã đặt ra.
Cô Đàm Thị Hồng Hảo cho rằng, dạy học trực tuyến vất vả hơn nhiều so với dạy trực tiếp trên lớp. Vì vậy, để soạn giáo án chất lượng, giáo viên cần đầu tư thời gian, công sức, trí tuệ và sự tận tâm với nghề giúp học sinh tiếp thu được hết kiến thức trong bài.
Tăng tính tương tác trong bài giảng
Chia sẻ kinh nghiệm soạn giáo án dạy trực tuyến, cô Nguyễn Thu Hằng, giáo viên Trường THCS Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho rằng, giáo viên cần soạn power point rõ ràng theo các ý lớn, tránh đưa nhiều chữ lên các slide, chọn lựa hình ảnh minh họa đẹp mắt.
Kết hợp với các trang hỗ trợ trực tuyến; ví dụ: padlet (dùng để chia sẻ, thảo luận nhóm), class kick (dùng để làm bài cá nhân),...
Giáo viên cũng cần phân rõ hoạt động cần học sinh làm ở nhà, sản phẩm cần có và hoạt động trên lớp để học sinh có tâm thế sẵn sàng với tiết học online.
Giáo viên có thể chia nhóm cố định suốt các tiết học online để học sinh có thói quen thảo luận, giúp tăng tính tương tác trong bài giảng.
“Bản thân tôi đang sử dụng tính năng trò chuyện của Teams, tạo cho học sinh các nhóm nhỏ như zalo; học sinh chat, chia sẻ màn hình thảo luận được và giáo viên quan sát được tất cả các nhóm” – cô Nguyễn Thu Hằng cho hay.
Cũng giảng dạy tại Trường THCS Nam Từ Liêm, cô Trần Mai Hương, thì nhấn mạnh giáo viên cần tìm hiểu kĩ các phần mềm, ứng dụng dạy học trực tuyến. Chọn phần mềm nền tảng chính, sau đó áp dụng thêm các phần mềm, ứng dụng khác trong thiết kế các hoạt động sao cho phù hợp, hiệu quả.
Cho biết, học trực tuyến học sinh dễ mất tập trung, giáo viên khó theo dõi nên theo cô Hương, cần thay đổi cách tổ chức các hoạt động tạo hấp dẫn, tăng cường tương tác của học sinh.
Các hoạt động có thể tổ chức trong tiết dạy trực tuyến được cô Trần Mai Hương chia sẻ, gồm:
Hoạt động cá nhân: Nên tăng cường hoạt động các học sinh đều được tham gia như: trò chơi (quizzes), đưa đáp án lên ô chat (câu trả lời ngắn), đưa lên pablet (câu trả lời dài), thả tim/like vào đáp án đúng hoặc khảo sát ý kiến nhanh (câu trắc nghiệm)…
Hoạt động nhóm đôi: Cho học sinh tương tác theo cặp đôi bằng hình thức chat.
Hoạt động nhóm lớn: Sử dụng tính năng chia nhóm ngẫu nhiên/giao dự án cho học sinh thực hiện ở nhà…