Tăng cường công tác quản lý và phê duyệt giáo án điện tử
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ) cho biết việc triển khai công tác quản lý và duyệt giáo án điện tử ở các trường trung học trên địa bàn thành phố là thật sự cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay.
Thông tư 32 khuyến khích các trường sử dụng hồ sơ sổ sách điện tử nên đây cũng là cơ hội để ngành giáo dục thực hiện giáo án điện tử, vừa phù hợp với quy định của pháp luật vừa phù hợp với tình hình thực tế.
Theo kế hoạch tổ chức thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2021-2022, một trong những nhiệm vụ về việc đổi mới công tác quản lý giáo dục là nâng cao chất lượng sử dụng công nghệ thông tin trong tổ chức và quản lí các hoạt động chuyên môn; tăng cường sử dụng hồ sơ điện tử, giáo án điện tử, sổ điểm điện tử, học bạ điện tử,... thay thế cho các hồ sơ giấy
Việc tổ chức quản lý học sinh, giáo viên, tổ chuyên môn trên không gian mạng nhằm nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy và quản lí giáo dục, tiết kiệm công sức, thời gian và tài chính của đơn vị; thực hiện nhập số liệu, khai thác, sử dụng thống nhất dữ liệu toàn ngành về trường, lớp, học sinh, giáo viên, trường chuẩn quốc gia và các thông tin khác trong quản lí, báo cáo.
Cô Đinh Kim Oanh, Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ, Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thuỷ) cho biết: Tổ bộ môn Ngoại ngữ của trường đã triển khai thực hiện giáo án điện tử cho 12 giáo viện. Các thầy cô trong tổ đều cảm thấy rất thuận lợi trong việc kiểm tra, quản lý và phê duyệt giáo án qua mạng internet.
Thuận lợi trong công tác quản lý và tiết kiệm
Việc kiểm tra phê duyệt giáo án điện tử qua mạng tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên không phải di chuyển nhiều và tiết kiệm chi phí in ấn, đặc biệt là thời điểm thành phố thực hiện giãn cách xã hội.
Cô Trần Thị Phương Mỹ, Hiệu trưởng Trường THCS Long Hoà (quận Bình Thuỷ) chia sẻ: Ngay sau khi nhận được chỉ đạo của Sở về việc đổi mới công tác quản lý giáo án điện tử, nhà trường đã khẩn trưởng triển khai đến các tổ chuyên môn và các giáo viên về việc quản lý, phê duyệt giáo án điện tử qua phần mềm, mail và google driver… trong năm học 2021-2022,
Điều này không chỉ tạo sự thuận lợi trong công tác quản lý giáo án mà còn giúp tiết kiệm chi phí in ấn tài liệu của giáo viên.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, thầy Lê Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Trung An (huyện Cờ Đỏ) cho biết: “Mỗi khi tổ chức các đợt kiểm tra chuyên đề, kiểm tra nội bộ, thanh tra thì giáo viên còn được kiểm tra giáo án thêm một vài lần nữa. Cứ như thế mỗi giáo viên phải giữ gìn cẩn thận hàng trăm trang giấy, rồi ôm đi và ôm về cả năm học, nhiều người cảm thấy ngán ngẫm.
Thực tế cho thấy khi tổ chức quản lý kiểm tra, phê duyệt giáo án qua mail, googledriver… sẽ thuận lợi vô cùng, tránh việc lãng phí về thời gian, tiền bạc của giáo viên và nhà trường. Thời điểm này mà cán bộ nhà trường phải lật từng trang giấy kiểm tra giáo án giáo viên là không phù hợp nữa”.