Công văn 2613 của Bộ GD&ĐT được xem đã “gỡ nút thắt” cho giáo viên trong bước soạn bài. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, với chương trình lớp 6, giáo viên vẫn cần tham khảo thêm các hướng dẫn của Bộ GD&ĐT trước đó.
Độ mở cần thiết
Sau khóa tập huấn Modun 4 về kế hoạch dạy học cho giáo viên cốt cán, cô Nguyễn Thị Đô – Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã soạn thử tổng cộng 6 tiết dạy theo hướng dẫn tại Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH (hướng dẫn việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường).
“Nếu so với cách soạn dạy của chương trình hiện hành, các kế hoạch bài dạy theo hướng dẫn công văn 5512 về hình thức rất cồng kềnh, dài dòng và nặng nề. Giáo viên vẫn hiểu rằng, mỗi hoạt động như vậy đều phải xác định rõ mục tiêu, cách thức để tiến hành. Chúng tôi đồng tình với quan điểm này nhưng cứ lặp đi lặp lại rất nặng nề cho GV. GV soạn cho mình dạy nên họ biết mỗi hoạt động hướng đến mục tiêu gì, chứ không phải soạn cho người khác dạy mà phải chỉ dẫn tỉ mỉ”, cô Nguyễn Thị Đô chia sẻ.
Chung nhận xét, thầy Nguyễn Văn Tuấn, Tổ trưởng chuyên môn tổ Sử, Địa (Trường THCS Nguyễn Huệ, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho rằng: “Phụ lục 4 của Công văn 5512 quy định giáo viên phải thiết kế các hoạt động giáo dục, trong đó mỗi hoạt động bao gồm 4 mục: Mục tiêu, nội dung hoạt động, sản phẩm của học sinh và tổ chức thực hiện. Điều này dẫn đến sự chồng chéo, trùng lắp. Mỗi hoạt động phải xây dựng 4 mục. Nếu một tiết dạy có 4 hoạt động sẽ có 16 mục. Đúng các trình tự như vậy, giáo án của một tiết dạy phải mất ít nhất từ 6 - 8 trang. So với soạn giảng truyền thống, nó mang tính hình thức nhiều hơn. Và ở một góc độ nào đó, không còn đất cho giáo viên sáng tạo”.
Khi nghiên cứu Công văn 2613, cô Đô thấy “mình và đồng nghiệp thở phào”. Các phụ lục kèm theo Công văn 5512 được sử dụng để tham khảo. Như vậy, giáo viên có một độ “mở” để sáng tạo, không bị gò bó vào khuôn mẫu. “Giáo án bao giờ cũng có một khoảng trống dành cho những tình huống phát sinh trong thực tế của một tiết dạy mà khi soạn, giáo viên không thể lường hết được”, cô Đô nói.
Còn thầy Tuấn cho rằng: “Theo nội dung Công văn 2613, phụ lục chỉ mang tính chất tham khảo, giáo viên dựa vào đó để áp dụng vào việc soạn giảng để tiết dạy có chất lượng. Điều này sẽ giúp giáo viên linh hoạt, chủ động và vận dụng sáng tạo hơn”.
Uyển chuyển trong vận dụng
Trong năm học 2020 – 2021, Trường THCS Chu Văn An (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) tổ chức tập huấn cho giáo viên tiến trình soạn giảng theo Công văn 5512. Cô Lê Thị Hoàng Chinh – Hiệu trưởng nhà trường nhận xét: “Công văn 5512 nêu rất chi tiết các bước soạn giảng. Về bản chất nó cũng giống như giáo án cũ, nhưng chi tiết hơn. Hoạt động dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh, giáo án theo mẫu này cho thấy giáo viên giao những nhiệm vụ gì, học sinh làm những công việc gì. Soạn giáo án dài hay ngắn là tùy cách giáo viên tiếp cận, có người muốn giáo án dài, đồng nghiệp khác muốn giáo án phải chi tiết”.
Vì vậy, Trường THCS Chu Văn An hướng dẫn giáo viên: Những nội dung nào SGK đã có rồi thì không cần đưa vào. Nhưng nội dung kiến thức dạy học cần ghi cụ thể, giáo viên tổ chức các hoạt động dạy học gì, học sinh làm nhiệm vụ gì, làm như thế nào, sẽ ra sản phẩm ra sao phải có hướng dẫn cụ thể.
“Soạn giảng theo Công văn 5512 thực ra không nặng nề đến mức như một số phản ảnh trên các phương tiện truyền thông. Vấn đề là phải vận dụng linh hoạt. Mỗi hoạt động đều có 4 mục, gồm mở đầu, giải quyết vấn đề, luyện tập rồi vận dụng. Vận dụng thì không phải tiết nào cũng có. Vận dụng vào thực tiễn thì có tiết làm được có tiết phải ra bài về nhà, giao việc cho học sinh.
Ba hoạt động còn lại, mỗi hoạt động phải thể hiện rõ nội dung dạy học là cái gì, mục tiêu là gì. Nếu viết mục tiêu chung cho cả bài rồi thì mục tiêu cụ thể có thể ngắn gọn hoặc không cần viết. Nhưng nội dung dạy học phải có ít nhất một vài dòng, tức là kiến thức chính của ngày đó. Giáo viên nhận xét đánh giá học sinh như thế nào và học sinh được giao nhiệm vụ gì… Những hoạt động này có thể tích hợp trong 1 cột cũng được, 2 cột cũng được không cần phải rạch ròi từng phần một. Có thể để kiến thức và sản phẩm cùng ở 1 cột” – cô Chinh dẫn chứng.
Theo cô Lê Thị Hoàng Chinh, phụ lục là kế hoạch của tổ chuyên môn. Thành viên trong tổ phải nắm được trong khối 6 dạy những kiến thức gì nên phải liệt kê hết ra chứ không phải dạy hôm nào biết hôm đó. Vì vậy, phụ lục là bắt buộc. Giáo án thì tùy theo quan điểm của mỗi giáo viên để khi nhìn vào thấy dễ hiểu, tuy nhiên không thể thiếu những mục như Công văn 5512 đề xuất, dù chỉ để mang tính tham khảo.
Lý giải về điều này, cô Chinh cho biết: “Không kiểm tra giáo viên trên giáo án nhưng ít nhất, nhìn giáo án có thể hình dung được giáo viên dạy như thế nào. Nếu không đổi mới sẽ lặp đi lặp lại cái cũ, không thể hiện được tiết dạy diễn biến ra sao, các hoạt động dạy học trong một tiết học tổ chức thế nào. Giáo viên không thể lặp lại 7 hoạt động trong một tiết dạy. Trong thực tế, một số hoạt động có thể tích hợp với nhau thành đơn vị kiến thức. Và đây là sự sáng tạo, linh hoạt của giáo viên trong soạn giảng và tổ chức dạy học chứ không hề triệt tiêu sự sáng tạo”.