(GD&TĐ) - Ngày 12/8, tất cả HS các cấp học trên địa bàn tỉnh An Giang đã đến trường, chuẩn bị cho năm học mới 2013 - 2014 theo khung thời gian đã được UBND tỉnh ban hành. Năm nay thầy trò trong tỉnh đều có chung niềm vui vì trường lớp được quan tâm đầu tư xây dựng khang trang. Đặc biệt HS vùng đồng bào dân tộc, HS vùng núi được tạo điều kiện thuận lợi đến trường…
Trường, lớp sẽ không bị ngập lụt
Học sinh miền núi thị trấn Ba Chúc |
Đó là quyết tâm lớn của các ngành, các cấp ở vùng đầu nguồn huyện An Phú và thị xã Tân Châu. Thực tế cho thấy, triển khai các chương trình đầu tư phát triển vùng biên giới thì cơ sở vật chất cho các bậc học tại các xã, thị trấn ven biển được quan tâm đúng mức. Theo ông Nguyễn Văn Khên, Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú, trên cơ sở hình thành các cụm, tuyến dân cư là có trường mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở đi kèm theo hoặc ngôi trường nằm ngoài khu vực cũng đã được nâng cấp, di dời và xây mới an toàn tránh lũ.
“Nhờ vậy, năm học này, An Phú không phải lo về cơ sở vật chất bị ngập lụt sớm. Ngày 5/9 sẽ tổ chức khai giảng đồng loạt, nếu mực nước bằng trung bình nhiều năm, các trường vẫn giảng dạy bình thường”, ông Khên cho hay. Tuy nhiên, có nhiều đoạn đường cách trở, HS ở xa trường, sang sông vẫn phải chuẩn bị phương tiện đưa rước; phần này có sự phối hợp của Biên phòng, quân sự, công an và thanh niên xung kích trên địa bàn thực hiện theo thông lệ hàng năm.
Thấy ngôi trường khang trang đặt tại ngã ba cầu Phú Quý, người dân trên tuyến kênh Bảy Xã ít ai ngờ rằng, sự quan tâm đầu tư và phát triển cho ngành Giáo dục ở khu vực biên giới này. Ông Lý Văn Thanh, ấp 5, xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu nhớ lại nhiều năm trước, trường chưa được xây dựng mới thì hết sức phập phồng, vừa tựu trường là vừa lo chạy lũ, vì đây là vùng đầu nguồn nên mực nước lên rất nhanh. “Có ngôi trường mới bà con ở đây mừng lắm, con em đi học không bị gián đoạn do mưa lũ. Đặc biệt, HS vùng giáp ranh biên giới Phú Lộc và Vĩnh Xương đều gom về ngôi trường này”, ông Thanh phấn khởi.
Sau nhiều năm nâng cấp và đầu tư xây dựng mới, cơ sở vật chất trường mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn “xã đảo”, vừa là biên giới Vĩnh Ngươn, thị xã Châu Đốc trở nên khang trang, kiên cố hơn, không sợ bị ngập lụt; sẵn sàng đón nhận con em tại chỗ và vùng giáp ranh biên giới Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú). Đầu năm học này đi xuôi dòng kênh Vĩnh Tế chạy qua các xã Vĩnh Tế (thị xã Châu Đốc), Nhơn Hưng, An Phú, An Nông, thị trấn Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên), Lạc Qưới, Vĩnh Gia (huyện Tri Tôn) có thể thấy quy hoạch mạng lưới trường lớp gắn liền cụm, tuyến dân cư biên giới N1. Trong đó, có trường tiểu học và trung học cơ sở Vĩnh Gia còn đón nhận con em vùng giáp ranh biên giới Vĩnh Hoà (huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) sang học.
Học sinh ở phum, sóc nô nức đi học
Học sinh vùng cù lao Ông Hổ đến trường |
Theo kế hoạch, năm học mới này toàn huyện Tịnh Biên huy động hơn 23.770 HS ra lớp, trong đó bậc tiểu học có 11.690 em và trung học cơ sở 7.190 em.
Để đảm yêu cầu, ông Nguyễn Văn Cỏn, Bí thư Huyện uỷ huyện Tịnh Biên cho biết, địa phương chủ động tổng kết năm học 2012 - 2013 và phát động “Tháng hành động vì sự nghiệp giáo dục”; chú trọng các xã, thị trấn có đông đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. “Tinh thần này được phổ biến tới sư sãi, tà cha ở các chùa Khmer để các vị phổ biến lại các dịp lễ thường kỳ cho đồng bào nghe và hăng hái đưa con em trong độ tuổi đến trường”. Trước đó, các xã, thị trấn còn khảo sát, nhắc nhở đồng bào lập khai sinh cho con em đúng tuổi vào lớp 1.
Toàn vùng Bảy Núi hiện có trên 60 chùa Khmer, nhiều nhất là ở huyện Tri Tôn với 36 chùa. Tựu trường năm học mới, các lớp dạy chữ Khmer trong chùa vừa kết thúc, các vị sư sãi và tà cha các chùa cũng đôn đốc các cháu trở lại trường phổ thông. Hoà thượng Chau Sơn Hy, sãi cả chùa Sà Lôn (xã Lương Phi, huyện Tri Tôn) kể rằng, những cháu này thuộc diện gia đình nghèo và hoàn cảnh khó khăn mới vô chùa học chữ Khmer dịp hè và nương tựa qua ngày trong thời gian nghỉ hè. “Dạy chữ Khmer là tập quán trong phum, sóc chỉ áp dụng vào dịp hè, thầy giáo là các vị sư và sách giáo khoa do ngành Giáo dục cung cấp. Chỉ chùa Khmer mới tổ chức như vậy. Còn ngày thường, cháu vô trường phổ thông, tiếp tục học song ngữ”, Hoà thượng Chau Sơn Hy giải thích.
Năm học 2013 - 2014, Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú An Giang đón nhận hơn 700 HS cấp II và cấp III của các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, Thoại Sơn, Châu Thành và Châu Phú. Trong đó, tuyển mới HS lớp 6 và lớp 10 khoảng 100 em. Đây là ngôi trường đào tạo nhiều GV, kỹ sư, bác sĩ… là đồng bào dân tộc Khmer đang công tác khắp nơi trong tỉnh. “Hiện tại, toàn trường có 20 GV là cựu HS của trường, qua qúa trình học tập các trường đại học rồi quay trở về giảng dạy. Theo đó tỷ lệ GV là cựu HS của trường hiện chiếm khoảng 1/3 số lượng GV, cán bộ nhà trường. Nhờ vậy, việc tiếp xúc HS ngoài giờ và trong giờ lên lớp ngày một gần gũi, thuận tiện hơn so với trước”, thầy giáo Chau Mo Ni Sóc Kha, Bí thư Đảng uỷ - Phó Hiệu trưởng Trường THPT DTNT An Giang vui mừng báo tin. Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Tri Tôn cho biết, đội ngũ GV mầm non, mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn các xã, thị trấn đáp ứng với yêu cầu. Trong đó, cán bộ, GV là người địa phương, đồng bào dân tộc Khmer đã chiếm hơn phân nửa.
Để tạo điều kiện cho HS đến trường, Hội Khuyến học tỉnh An Giang cũng đã phối hợp các địa phương, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức trao học bổng cho HS giỏi, con em nghèo hiếu học và HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; nhất là các em HS dân tộc thiểu số Khmer và Chăm, HS ở vùng biên giới...
Năm học 2013-2014, toàn tỉnh An Giang phấn đấu huy động 33.500 trẻ 5 tuổi ra lớp (chiếm trên 99% trong độ tuổi), 190.350 HS tiểu học (tỉ lệ bỏ học dưới 2% vùng khó khăn và 1% vùng thuận lợi), hơn 113.000 HS THCS (tăng 5,69%) và 46.390 HS THPT (15.245 HS tuyển mới lớp 10; tỉ lệ HS bỏ học dưới 5%). |
Trần Đăng