Vượt qua áp lực thi cử: Mất ăn, mất ngủ vì lo lắng

GD&TĐ - Học sinh chuẩn bị thi vào 10 hay thi tốt nghiệp THPT đều chịu tác động không nhỏ bởi dịch bệnh. Lo lắng cộng dồn lại khiến không ít em mất ăn, mất ngủ, khó tập trung cho việc học.

Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Đà Nẵng năm 2021 tranh thủ xem lại bài trước khi vào phòng thi
Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Đà Nẵng năm 2021 tranh thủ xem lại bài trước khi vào phòng thi

“Ôm” nỗi lo một mình

Sau buổi họp phụ huynh khối lớp 9, chị Đặng Ngọc Hà (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) thuyết phục con thay đổi việc chọn trường để đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào lớp 10 công lập vào năm học 2022 - 2023 sắp tới. Dự kiến ban đầu của Hoàng Quang Minh – con trai chị Hà là đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường THPT Thái Phiên, nguyện vọng 2 là vào Trường THPT Thanh Khê. “Theo phân tích của cô giáo chủ nhiệm và căn cứ vào điểm tổng kết của con, tôi thấy để chắc chắn một suất vào trường công lập, cháu nên chuyển nguyện vọng 2 trở thành nguyện vọng 1”.

Hoàng Quang Minh cho biết: “Em muốn giữ nguyên nguyện vọng 1 vì các bạn thân của em đều thi vào trường này. Tuy nhiên, qua 2 năm dịch phải học online nhiều, khả năng tập trung không cao nên em chọn trường theo sự tư vấn của mẹ và cô giáo”. Dù chọn một trường được cho là có hệ số an toàn cao, nhưng theo Minh tâm sự, em vẫn thấy rất áp lực. “Khi mẹ em đề nghị cân nhắc việc thay đổi nguyện vọng so với dự kiến ban đầu của cả nhà, em hiểu là sức học của mình chưa tốt, chưa đủ độ tin cậy trong mắt mẹ và cô giáo chủ nhiệm. Thế nên, em tự nhủ mình phải phấn đấu đỗ nguyện vọng 1 ở mức điểm cao nhất có thể”.

Áp lực từ cha mẹ đôi khi không phải đến từ sự kỳ vọng mà từ sự quan tâm thái quá đến chuyện học hành, dự định tương lai của con cái. Cô Hồ Thị Tâm, GV Trường THPT Quốc học Huế, Thừa Thiên – Huế kể về một học sinh của mình khiến nhiều phụ huynh không khỏi suy ngẫm.

“Cả học sinh và phụ huynh đều xác định sẽ theo con đường du học bằng nguồn học bổng. Từ năm lớp 8 - 9, gia đình đã kết hợp đưa con đi tham quan một số trường học ở Singapore trong những chuyến du lịch để có thêm động lực phấn đấu. Khi một vài người bạn của con bắt đầu “săn” được học bổng và đi du học thì ba mẹ của em này bắt đầu sốt ruột. Từ sốt ruột lại quay sang hỏi han, hối thúc. Học sinh này áp lực đến mức rơi vào trầm cảm và bỏ nhà đi gần một tuần lễ”, cô Tâm kể. Rất may là sau cú sốc này, phụ huynh đã kịp nhận ra để điều chỉnh, hỗ trợ con tìm lại cân bằng trong học tập và vui chơi, giải trí.

Phụ huynh động viên con sau khi ra khỏi phòng thi vì bài làm không được như mong muốn.
Phụ huynh động viên con sau khi ra khỏi phòng thi vì bài làm không được như mong muốn. 

Tự tạo áp lực cho bản thân

Mùa tuyển sinh lớp 10, năm 2021, em Nguyễn Xuân P. (cựu HS lớp 9, Trường THCS Lê Độ, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) chọn nguyện vọng 1 vào Trường THPT Phan Châu Trinh, nguyện vọng 2 vào Trường THPT Hoàng Hoa Thám. Đây là 2 trường thuộc tốp đầu, năm nào cũng có điểm trúng tuyển cao nhất, nhì của thành phố. Tỷ lệ chọi vì thế cũng rất cao.

Chị Nguyễn Thị H.P, mẹ của P. kể: “Theo phân tích của cô giáo, dù học lực của cháu rất tốt, nhưng cả nguyện vọng 1 và 2 đều là trường tốp đầu, điểm trúng tuyển thường chênh lệch nhau không nhiều. Nếu như không đủ điểm vào nguyện vọng 1 gần như con cũng mất luôn cơ hội vào nguyện vọng 2 và chỉ có thể theo học ở các trường ngoài công lập hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên”. Những điều này, chị P đều phân tích cho con thấy. Tưởng là con sẽ đổi nguyện vọng 2 vào trường THPT công lập tốp giữa để có được sự an toàn trong xét tuyển nên chị P. chọn cách thuyết phục thẳng thắn nhất. Nhưng P. nhất định không thay đổi nguyện vọng. P. học ngày học đêm, gần như chỉ rời bàn học vào giờ ăn. Nhìn con chong đèn học đến 1 - 2 giờ sáng, tìm đủ các đề thi tham khảo để thử sức, chị P. biết mình vô tình đã tạo thêm áp lực cho con. Bởi trong khi kỳ thi với sự sàng lọc cao, với con, cũng là áp lực lớn.

P. nhớ lại: “Thời gian đó, chúng em vừa tham gia học trực tuyến theo thời khóa biểu vừa theo dõi thông tin về tình hình kiểm soát dịch bệnh Covid-19 của thành phố để... dự đoán lịch thi. Buổi sáng, chúng em có 4 tiết học online với thầy cô giáo. Trong đó, chủ yếu thầy cô sẽ giải đáp thắc mắc, hướng dẫn cách làm câu hỏi khó của các đề kiểm tra đã được giao cho HS trước đó. Giờ tự học, em và bạn phải tự làm các dạng đề kiểm tra được thầy cô lựa chọn và gửi qua mạng”. Theo P., em vẫn thích được ôn tập trực tiếp hơn, vì có “không khí lớp học” chứ ngồi nhà học hay dễ bị phân tâm.

Năm 2021, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của thành phố Đà Nẵng phải lùi lại gần nửa tháng so với dự kiến vì ảnh hưởng dịch. “Thời gian ôn tập càng dài,  em càng áp lực vì sợ mình quên đi một dạng bài nào đó. Thế là lại càng lao vào ôn tập. Nhưng càng lo lắng, căng thẳng thì học lại càng khó”, P. kể.

Ngày thi đầu tiên, P. xin mẹ không ăn sáng vì cứ ăn vào là muốn nôn ói. Mặc dù mẹ tìm mọi cách động viên, ép con ăn vì sợ không đủ sức  làm bài thi nhưng P. nhất định để bụng đói đi thi. Ba buổi thi, với P. thực sự căng thẳng dù em làm bài rất tốt. “Đi thi về mà em không dám dò lại bài, chỉ sợ nếu mình sơ suất lại ảnh hưởng đến kết quả thi của những môn còn lại”, P. chia sẻ.

Kết quả của kỳ thi tuyển sinh năm đó, P. đủ điểm trúng tuyển vào nguyện vọng 1. Chị H.P tâm sự: “Rất may cháu đỗ vào trường đúng như nguyện vọng. Chúng tôi vẫn chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất là cháu sẽ theo học một trường tư thục nếu trượt cả nguyện vọng 2. Nhưng nói thật là cả 2 vợ chồng không thể hình dung được, cháu sẽ chấp nhận kết quả như thế nào. Chưa kể, gánh nặng kinh tế của ba năm học trường tư cũng là áp lực với gia đình”.

Vì xác định rõ mục tiêu nên với Minh, thời gian này đều là những ngày chạy nước rút. “Em không dám chia sẻ với mẹ về sự căng thẳng của mình. Vì thực ra, khi gợi ý em thay đổi nguyện vọng xét tuyển là mẹ đã bớt đi áp lực cho em rồi. Đôi khi ngồi học mà chữ cứ nhảy múa trước mắt, bài nào cũng nhìn như mới dù em đã làm nhuần nhuyễn trước đó”, Minh kể.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều người lợi dụng thị thực du học để nhập cư Australia trái phép.

Ngăn chặn tình trạng lừa đảo du học

GD&TĐ - Các đại lý du học thiếu uy tín thường vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống đại học và cơ hội nhập cư để lừa sinh viên quốc tế đăng ký.
Robot chơi piano của nhóm sinh viên.

Sinh viên chế tạo robot chơi piano

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM chế tạo robot có thể chơi hàng trăm bản nhạc khác nhau một cách thuần thục với đàn piano.