Giữa Paris, học sinh cũng chịu áp lực thi cử
Trên thế giới, nhiều quốc gia khi tổ chức kỳ thi tuyển đầu vào, thí sinh ai cũng mong muốn đỗ kỳ thi đó với điểm số cao. Bởi vậy, bao giờ các kỳ thi cũng tạo ra một áp lực nhất định. Áp lực phải thi đỗ vào các trường tốt vô hình chung tạo ra áp lực với HS, các gia đình có con em tham gia kỳ thi.
Theo PGS.TS Nguyễn Chí Thành, ngay từ bậc THCS, HS ở Pháp đã phải trải qua kỳ thi đánh giá để lựa chọn những người có khả năng sau này có thể học tiếp ĐH. “Việc phụ huynh HS và HS đổ vào chọn lựa các trường phổ thông danh tiếng cũng xảy ra. Chẳng hạn như Trường Marie Curie (ở Paris). Đây là trường có rất nhiều HS mong muốn theo học. Vì được học ở đây sẽ có cơ hội lớn để theo học các trường ĐH” - PGS.TS Nguyễn Chí Thành nêu ví dụ.
Khi học hết THPT, HS tại Pháp cũng phải tham gia kỳ thi tú tài (Baccalauréat) để lấy chứng chỉ tốt nghiệp GD THPT, kỹ thuật, hoặc chuyên nghiệp tại Pháp. Đây là kỳ thi cực kỳ áp lực. HS phải tập trung ôn thi trong một thời gian dài, làm những bài thi trong khoảng thời gian 3 - 4 tiếng mỗi môn. Có những HS đã bị trầm cảm, phải trị liệu tâm lý vì áp lực từ kỳ thi như vậy.
So sánh thực tế thế giới với Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Chí Thành cho rằng ở các thành phố lớn áp lực kỳ thi vào lớp 10 được phụ huynh đánh giá là rất khó khăn, tỷ lệ “chọi” để vào được trường công lập có nơi còn cao hơn cả ĐH.
“Tôi thấy có một nguyên nhân là do áp lực về dân số. Hàng năm Sở GD&ĐT ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh công bố chỉ có thể bảo đảm được khoảng 60 - 70% số HS lớp 9 vào học các trường công lập; số HS còn lại có thể theo học các trường ngoài công lập. Chúng ta đều biết nhiều phụ huynh muốn con theo học tại các trường công lập. Vì trường công có bề dày GD truyền thống, học phí lại thấp. Chính vì vậy, con số 30 - 40% HS không được học THPT công lập đã tạo ra áp lực cho tất cả HS tham dự kỳ thi lớp 10. Tuy nhiên, thi vào lớp 10 ở nhiều tỉnh (thành) khác có phần nhẹ nhàng hơn” - PGS.TS Nguyễn Chí Thành phân tích.
|
Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hướng nghiệp
Về biện pháp để giảm áp lực của thi cử, theo PGS.TS Nguyễn Chí Thành, trước hết áp lực là một trạng thái căng thẳng của tâm ý. Ở một góc độ nào đó áp lực tạo ra cho người học động lực, sự cạnh tranh và hiệu quả học tập. Tuy nhiên, trong GD, nếu áp lực thi cử không được xử lý một cách khéo léo giữa gia đình và nhà trường thì sẽ đổ hết lên đầu HS.
PGS.TS Nguyễn Chí Thành nêu: “Trong thời gian vừa qua, tôi thấy Bộ GD&ĐT và các Sở GD&ĐT đã có nhiều chương trình thiết thực để giảm áp lực thi cử cho HS. Bộ GD&ĐT đã công bố các đề thi mẫu, điều này giúp cho HS có thể hình dung ra đề thi
chính thức sẽ như thế nào và tập trung ôn tập tốt hơn.
Bộ GD&ĐT cũng đã có đề án rất lớn về việc tư vấn tâm lý, hướng nghiệp tại các trường phổ thông. Tôi thấy đây là việc rất quan trọng. Mỗi trường sẽ có các chuyên viên tư vấn và hướng nghiệp. Điều này góp phần giúp HS định hướng việc chọn trường phù hợp với năng lực. Cùng với chuyên viên tư vấn đó, các ngày hội tuyển sinh, tư vấn hướng nghiệp cũng giúp giảm áp lực cho HS rất nhiều. Thêm nữa, hiện nay số lượng các trường ĐH, CĐ và trường nghề rất đa dạng để HS có cơ hội được tiếp tục học tập sau khi tốt nghiệp THPT. Quan trọng là xã hội hiện nay khá cởi mở, nhiều người đã nhận thức rằng không nhất thiết là phải vào ĐH, có thể học CĐ hay các trường nghề”.
Tuy nhiên, để giảm áp lực thi cử, theo PGS.TS Nguyễn Chí Thành, nếu cha mẹ HS luôn so sánh con mình với con người khác, muốn con mình cũng phải giỏi như con người khác thì vô tình phụ huynh đã tạo áp lực cho con mình.
“Chúng ta cần phải biết rằng mỗi một con người, mỗi cá nhân đều có những thế mạnh khác nhau và mọi người đều có mong muốn lựa chọn nghề nghiệp cho riêng mình. Để giảm áp lực thi cử, phụ huynh phải đồng hành cùng con em, cùng chọn ra ngành nghề mà con em mình có thể theo học và không nên ép buộc con phải vào trường này, trường nọ” - PGS.TS Nguyễn Chí Thành nhấn mạnh.