Áp lực thi cử: Chuyện không của một quốc gia

GD&TĐ - Áp lực thi cử không phải là câu chuyện cá biệt của một quốc gia. Nhiều nơi trên thế giới, kể cả nước có nền giáo dục phát triển, các kỳ thi vẫn là nỗi ám ảnh của không ít học sinh.

Thí sinh tiến vào trường thi tại kỳ thi khốc liệt nhất thế giới ở Trung Quốc. Ảnh: IT
Thí sinh tiến vào trường thi tại kỳ thi khốc liệt nhất thế giới ở Trung Quốc. Ảnh: IT
Tại Trung Quốc, kỳ thi đại học hàng năm có tên “Cao khảo” được người dân ví như “bước ngoặt cuộc đời”, thậm chí là “cuộc chiến số phận”. Dù đã có nhiều nỗ lực của chính phủ, song đây vẫn là kỳ thi vô cùng “khốc liệt” và mang ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với nhiều gia đình Trung Quốc. Năm nay, có số thí sinh đăng ký dự thi ĐH của nước này đạt mức kỷ lục - hơn 10 triệu thí sinh; trong đó chỉ khoảng 1% đỗ vào các trường top đầu, nơi có mức học phí vừa phải và cơ hội việc làm cao.

Kỳ thi ĐH đã trở thành chủ đề của nhiều bộ phim tài liệu được phát trên sóng Đài Truyền hình Trung ương của Trung Quốc. Hãy nghe chia sẻ của một thầy giáo ở thành phố Hội Ninh, tỉnh Cam Túc trong 1 bộ phim tài liệu: “Tất cả các thầy cô đều phải dậy từ năm rưỡi sáng, sau chín rưỡi tối mới được về nhà. Tất cả các trường đều vậy, chứ không chỉ trường mình. Vì sao? Bởi vì áp lực thi đại học quá lớn. Áp lực của hiệu trưởng lớn, giáo viên chủ nhiệm lớn. Áp lực của học sinh lớn, của phụ huynh cũng lớn”.

Theo kết quả Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) củaTổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), học sinh các quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương thể hiện khả năng vượt trội về Toán và Khoa học. Tuy nhiên, điểm chung giữa các quốc gia này là môi trường và điều kiện học tập khá áp lực.

Theo OECD, Singapore là một trong những quốc gia có tỷ lệ cạnh tranh vào ĐH lớn nhất thế giới; mỗi tuần 1 học sinh 15 tuổi nước này dành khoảng 9 tiếng cho bài tập về nhà. Hàn Quốc, Nhật Bản, thi ĐH cũng là nỗi ám ảnh kinh hoàng bởi mức cạnh tranh khốc liệt và quan niệm phải đỗ kỳ thi để có tương lai tốt đẹp hơn đặt áp lực vô cùng lớn lên các học sinh cuối cấp.

Tại Australia, học sinh có không chỉ một mà khá nhiều kỳ thi cấp quốc gia. Chia sẻ của phóng viên thường trú của Đài Tiếng nói Việt Nam tại Australia, dù không phải thi cuối kỳ, cuối năm, nhưng cứ 2 năm 1 lần, vào các năm lẻ như lớp 3, 5, 7 đến lớp 11, học sinh Australia sẽ phải tham gia kỳ thi quốc gia để đánh giá năng lực chung về ngôn ngữ, toán học và các kiến thức cơ bản.

Ngoài ra, trường học đất nước chuột túi cũng có lớp chọn, trường tuyển, mà để thi được vào những trường này, học sinh phải cạnh tranh, học thêm khá nhiều. Nhưng căng thẳng nhất vẫn là kỳ thi tốt nghiệp lớp 12 để vào ĐH. Thí sinh muốn vào trường top đầu phải học xuất sắc, thuộc top 5% học sinh có kết quả cao nhất. Để đạt được thành tích học tập này, học sinh phải học thêm ở trường, ở nhà, học thêm tại trung tâm với lịch học vô cùng căng thẳng và mức học phí đắt đỏ…

Việt Nam, câu chuyện áp lực thi cử vẫn được nhắc tới mỗi mùa thi. Đến nay, thế hệ học sinh thi ĐH trước năm 2015 có lẽ còn nhớ như in những ngày khăn gói lên thành phố lớn ứng thí. 3 đợt thi ĐH, CĐ liên tiếp trong khoảng thời gian 1 tháng với trên 1,5 triệu lượt thí sinh tham gia đã trở thành nỗi ám ảnh. Dù hiện tại, với phương án đổi mới thi cử được Bộ GD&ĐT xây dựng, thực hiện từ 5 năm nay, áp lực trước kỳ thi đã giảm đi nhiều, nhưng không thể nói không còn.

Không chỉ Việt Nam, chính phủ nhiều nước cũng đang nỗ lực tìm giải pháp giảm áp lực thi cử. Nhưng điều này có lẽ chỉ thực hiện được khi nhận thức mỗi người thay đổi. Như một chuyên gia giáo dục chia sẻ trên trang cá nhân, giảm áp lực là không thể khi hạnh phúc của mỗi gia đình lại đặt cược cả vàothành tích học tập của con, tên tuổi ngôi trường con học và những tờ giấy khen con mang về nhà!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ