Vượt định kiến làm thầy giáo mầm non

GD&TĐ - Ở bậc học mầm non, hình ảnh những cô giáo đã quá đỗi quen thuộc với trẻ và phụ huynh. Nhưng trên thực tế, một số nam thanh niên đã dấn thân vào nghề này.

Thầy Vì Đức Chuân cùng học trò Trường Mầm non Tân Dân (Hòa Bình).
Thầy Vì Đức Chuân cùng học trò Trường Mầm non Tân Dân (Hòa Bình).

Cũng hát hay, múa dẻo, được các em yêu quý, đồng nghiệp và phụ huynh tin tưởng, các thầy đem lại không khí mới cho lớp học, là chỗ dựa cho các cô. 

Vượt qua định kiến 

Những ngày đầu vào nghề, thầy Vì Đức Chuân - GV Trường Mầm non Tân Dân (huyện Mai Châu, Hòa Bình) chịu áp lực lớn từ công việc, gia đình. Vì lòng yêu nghề, anh đã đấu tranh vượt qua định kiến để gắn bó với nghề.

Thầy Chuân kể, khi chọn học khoa giáo dục mầm non, gia đình đã không đồng ý vì cho rằng đây là công việc của phụ nữ. Lúc đó, anh đã tâm sự với bố mẹ, nghề nào cũng cao quý, cấp học nào cũng quan trọng và  muốn được đi theo con đường mình đã chọn. Anh đã vượt qua định kiến không chỉ của gia đình, bạn bè và nhiều người xung quanh để làm thầy giáo mầm non.

Thầy Chuân nhớ lại: Những ngày đầu đi dạy, tôi rất lo lắng. Là nam giới, chưa có gia đình, tôi chưa từng chăm sóc trẻ con. Kiến thức học trong nhà trường một chuyện nhưng thực tế bên ngoài, muôn hình vạn trạng, không giống tôi tưởng tượng ban đầu. Thậm chí khi thầy đón trẻ đến lớp ngày đầu, nhiều em sợ, phụ huynh cũng
chần chừ.

Lớp lúc nào cũng tầm khoảng 30 HS. Mỗi lần lớp có bạn khóc, em khác lại làm thành “dàn đồng ca” khiến thầy giáo hốt hoảng, không biết dỗ sao cho trẻ nín. “Sau đó, nhờ học tập kinh nghiệm của các nữ đồng nghiệp, tôi quen dần. Từ đó, tôi học cách chăm sóc, dỗ dành các con và đưa trẻ vào nề nếp”, thầy Chuân chia sẻ.

Khi được hỏi về việc là thầy giáo mầm non, làm sao có thể hát múa mỗi ngày như các cô giáo, thầy Chuân cười ngượng ngùng và nói: Thực ra những kiến thức đó chúng tôi đều được học trong trường nên đã quen phần nào. Đến lớp, tôi cũng hát, múa một số động tác đơn giản. Còn kĩ năng chăm sóc HS, tôi vẫn làm như các cô, không nề hà gì.

Theo thầy Chuân, là thầy giáo mầm non đôi khi là lợi thế bởi được các cô nhiệt tình chỉ bảo, hỗ trợ lúc khó khăn; được nhiều chị em trong trường ưu ái giúp đỡ để hoàn thiện nghề nghiệp hơn. “Phụ huynh thường xuyên động viên, quan tâm. Ngày lễ, tết, có phụ huynh mang biếu thầy mấy cân nếp nương khiến tôi vô cùng xúc động”.

Thầy Chuân chia sẻ: “Tôi luôn mong ước làm sao để nâng cao cơ sở vật chất trường lớp cho HS vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; làm thế nào để các em có thêm nhiều đồ dùng, đồ chơi phục vụ việc học tập, vui chơi. HS miền núi thiệt thòi rất nhiều so với HS miền xuôi, bởi vậy tình yêu thương dành cho trẻ nơi đây đã níu giữ tôi bám trụ với nghề”.

Chị Lường Thị Dự, một phụ huynh nhận xét: Dân làng đã quen với hình ảnh của thầy Chuân trong lớp học. Thầy nhẹ nhàng, khéo léo, yêu quý trẻ, quan tâm đến các cháu như con của mình. Thầy giáo còn chải tóc, hướng dẫn các cháu giữ gìn vệ sinh sạch sẽ nên bà con yên tâm.

Yêu trẻ con nên chọn nghề

Tại Trường Mầm non Liên Hòa, một trường vùng 3 khó khăn của huyện Vân Hồ tỉnh Sơn La, một ngày làm việc của thầy giáo Lường Văn Hợp bắt đầu bằng tiếng cười, tiếng hát của hơn 20 trẻ mầm non lớp 4 tuổi. HS của thầy Hợp chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Dao, Thái.

Chứng kiến thầy Hợp cùng các em tập thể dục, nhảy các bài sôi động, thậm chí là múa hát với những động tác đòi hỏi sự mềm dẻo, tinh tế mà không phải cánh mày râu nào cũng làm được, chúng tôi càng trân trọng người thầy đặc biệt của các em nhỏ nơi đây. 

Thầy Hợp tâm sự: Chứng kiến sự hồn nhiên và ngộ nghĩnh của trẻ, tôi cảm thấy vui khi được trực tiếp giảng dạy các cháu. Và khi sống trong thế giới trẻ em, tôi cảm thấy mình trẻ lại. 

Thầy Lường Văn Hợp và học trò Trường Mầm non Liên Hòa (Vân Hồ, Sơn La).
Thầy Lường Văn Hợp và học trò Trường Mầm non Liên Hòa (Vân Hồ, Sơn La).

Để trở thành một GV mầm non, bên cạnh chuyên môn đã được học còn có nhiều kỹ năng khác không phải ai cũng có được, đó là chăm sóc trẻ, giao tiếp với các bé, bởi đây là những bé lần đầu xa vòng tay của cha mẹ. Là thanh niên chưa lập gia đình, việc chăm sóc vài chục trẻ mới chỉ ba tuổi là một thử thách không hề nhỏ. 

Theo thầy Hợp, là con trai ở cương vị là GV mầm non lại càng khó. Bản thân tôi luôn cố gắng để những việc các cô làm được thì thầy giáo như tôi cũng có thể làm được. Sau thời gian đầu bỡ ngỡ hiện việc chăm sóc, giáo dục trẻ hằng ngày luôn được tôi hoàn thành và thực hiện đầy đủ như các GV nữ khác trong trường. 

Gắn bó với ngành giáo dục mầm non đến nay đã 8 năm, thầy Hợp luôn nhận được sự tin tưởng của các bậc phụ huynh và đồng nghiệp. Chị Vì Thị Tiên, phụ huynh HS nhận xét: Thầy Hợp rất năng động, nhiệt tình công tác và khéo léo chăm sóc các con. Các con khi về nhà lúc nào cũng nhắc đến thầy Hợp. 

Cô Bùi Thị Hà - Hiệu trưởng Trường Mầm non Liên Hòa cho biết: Trong 8 năm công tác ở trường, thầy Hợp luôn nỗ lực phấn đấu, vươn lên; tham gia đầy đủ các hoạt động của nhà trường. Thầy quan tâm đến công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. Đặc biệt, ở trường chỉ có duy nhất thầy là nam giới, nên những việc nặng nhọc thầy đều xông pha, thực hiện.

Thầy Hợp là GV nhiệt huyết với nghề, chu toàn, có trách nhiệm với công việc. Thầy không ngại khi tham gia với bất kỳ công việc nào của trường, lớp hay phân công của ban giám hiệu. Việc thầy Hợp công tác trong trường đã xóa đi khoảng cách và suy nghĩ lâu nay của nhiều người khi cho rằng chỉ có nữ giới mới làm được công việc dạy trẻ mầm non. Cô Bùi Thị Hà 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.

Ảnh minh họa/ITN.

Tránh học tập thụ động với ChatGPT

GD&TĐ - Việc học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài một cách thiếu động não, tư duy, bị trí tuệ nhân tạo dẫn dắt, bị mất đi sự tự chủ là đáng lo ngại.