Vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc: Sức hút du lịch di sản

GD&TĐ - Hiện nay, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các loại hình du lịch phát triển khá mạnh.

Phụ nữ Mông Hoa trong trang phục thổ cẩm nổi bật chợ phiên. Ảnh minh họa.
Phụ nữ Mông Hoa trong trang phục thổ cẩm nổi bật chợ phiên. Ảnh minh họa.

Du lịch tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế nhưng đồng thời cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến vấn đề bảo tồn, phát huy di sản văn hóa. 

Du lịch di sản văn hóa

Di sản là nguồn tài nguyên du lịch trọng yếu. Tài nguyên du lịch có nhiều loại hình, nhưng tài nguyên du lịch văn hóa, mà trước hết là tài nguyên di sản văn hóa đóng vai trò rất quan trọng. Nhờ nguồn tài nguyên di sản phong phú đã tạo ra ở vùng dân tộc thiểu số tiềm năng phát triển du lịch mạnh.

Hầu hết các tỉnh miền núi vùng dân tộc thiểu số trong các cuộc kháng chiến của dân tộc đều trở thành những khu căn cứ địa quan trọng. Vì vậy, ngày nay ở các tỉnh này luôn có mạng lưới hệ thống các di tích lịch sử cách mạng.

Các di tích quốc gia được phân bố rộng khắp như ATK Định Hóa – Thái Nguyên và ATK Sơn Dương – Tuyên Quang. Đặc biệt là khu di tích Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Bên cạnh các di tích lịch sử, vùng dân tộc thiểu số là địa bàn giàu giá trị di sản văn hóa. Mỗi một tộc người có đặc điểm văn hóa khác nhau. Mỗi một dân tộc có các di sản mang tính đặc thù đã tạo nên vùng văn hóa đa dạng. Sự đa dạng đó chính là nguồn lực nuôi dưỡng cho du lịch di sản phát triển.

Di sản văn hóa không chỉ là tiềm năng, nguồn lực của du lịch, mà còn trực tiếp tạo nên các sản phẩm du lịch di sản mang tính đặc thù. Đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở nhiều cảnh quan sinh thái khác nhau, đã tạo nên sự độc đáo trong du lịch. Sự độc đáo đó càng được tô đậm khi mỗi một dân tộc còn lưu giữ một bản sắc văn hóa tộc người riêng biệt.

Vì vậy, văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực sự là cơ sở, nền tảng để tạo ra sự hấp dẫn, sự đặc sắc trong các sản phẩm du lịch. Đó là sản phẩm du lịch mang dấu ấn người Mông, Dao, Xá Phó, Tày trên đỉnh núi Sa Pa.

Đó là sản phẩm du lịch phản ánh sự thích ứng với môi trường tạo nên những khu ruộng bậc thang kỳ vĩ ở Mù Cang Chải - Yên Bái, Hoàng Su Phì – Hà Giang, Bát Xát – Lào Cai.

Các loại hình canh tác trên nền đất dốc, trên ruộng bậc thang hay những thung lũng ven sông, ven suối đều tạo ra vẻ đẹp hấp dẫn của du lịch trải nghiệm nông nghiệp xưa. Như vậy, tính đa dạng, phong phú các di sản văn hóa tộc người đã tạo nên sức hút cho du lịch di sản vùng dân tộc thiểu số.

Di sản văn hóa mang đậm bản sắc tộc người, còn là nguồn lực để xây dựng các điểm, tuyến du lịch. Tuyến du lịch vòng cung Tây Bắc nối liền 6 tỉnh Tây Bắc vừa mang tính chất kỳ vĩ, vừa phong phú văn hóa của gần 30 tộc người. Di sản văn hóa các dân tộc cũng là chất liệu để xây dựng các điểm du lịch miền núi.

Du lịch cộng đồng

Trang phục của phụ nữ Mông Hoa Bắc Hà.

Trang phục của phụ nữ Mông Hoa Bắc Hà.

Năm 2019, thống kê sơ bộ qua các tỉnh vùng Trung du miền núi phía Bắc đã có khoảng 170 điểm du lịch cộng đồng. Các điểm du lịch cộng đồng đón được đông khách chủ yếu dựa vào di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các tộc người.

Điển hình như du lịch cộng đồng người Thái ở Bản Mển (xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) và Bản Áng (xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La). Cùng với đó là du lịch cộng đồng người Hà Nhì ở xã Y Tí, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Ngoài ra còn có du lịch cộng đồng người Mường ở Bản Lác, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình…

Trong du lịch, dịch vụ lưu trú đóng vai trò rất quan trọng. Nhiều nơi, tỷ lệ nguồn thu của dịch vụ lưu trú chiếm tỷ lệ cao nhất. Nhưng dịch vụ lưu trú của các điểm du lịch cộng đồng hoàn toàn phụ thuộc vào di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc.

Điểm du lịch cộng đồng của người Dao ở Nậm Đăm có nhà sàn trình tường nhưng điểm du lịch cộng đồng của người Thái ở bản Áng lại là nhà sàn gỗ cột kê. Ngôi nhà truyền thống của người Giáy ở Tả Van – Sa Pa là ngôi nhà đất nhưng có phần sàn, toàn bộ các thành viên trong gia đình đều ngủ ở sàn đất nhưng riêng du khách thì nghỉ ở tầng sàn.

Tầng này trước chỉ để cất giữ lương thực thì nay được cải tiến trở thành nơi ngủ của du khách. Các phòng ngủ của du khách cũng được bố trí theo tập quán của từng dân tộc hoặc là làm từng ngăn có rèm che như của người Thái, người Mường hoặc chỉ cần tấm đệm như nhà sàn của người Tày, người Dao.

Nhà sàn rất thích hợp sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Do đó, ở một số điểm du lịch của người Mông, người Hà Nhì cũng xây dựng mô hình nhà sàn cho du khách nghỉ.

Trong lưu trú, nơi ngủ không chỉ đáp ứng nhu cầu nghỉ đêm, mà còn là không gian văn hóa. Ở đó có các quy định nghỉ của khách nam, khách nữ, người cao tuổi, người trẻ... Do đó, di sản văn hóa tộc người đã chi phối mạnh mẽ đến dịch vụ lưu trú cả về không gian, phong tục tập quán.

Di sản văn hóa tộc người bổ sung các loại hình dịch vụ mới cho du lịch. Hiện nay, các làng bản đều tích cực xây dựng mô hình nông thôn mới, đường giao thông đổ bê tông về đến từng nhà, từng ngõ xóm.

Nhưng ở các điểm du lịch cộng đồng, đồng bào các dân tộc lại sáng tạo các loại hình vận chuyển du khách mới. Khi khách đến đầu làng được đi bằng xe trâu hoặc cưỡi ngựa đến nhà lưu trú tham quan các điểm di tích trong làng.

Ở một số làng du lịch cộng đồng ở Sa Pa, người dân đi qua suối bằng cầu mây, thậm chí có nơi còn tổ chức cho nam nữ thanh niên du khách đi cà kheo tham quan cánh đồng.

Dịch vụ ẩm thực thực sự trở thành một lĩnh vực có nhiều sáng tạo phát huy di sản ẩm thực truyền thống. Đến làng người Mông, Thái, Dao, Mường… du khách còn được thưởng thức các món ẩm thực đặc trưng của từng dân tộc.

Không chỉ được thưởng thức mà du khách còn được tham gia trải nghiệm, làm bếp với các món nấu thắng cố, mèn mén của người Mông, ủ men rượu của người Tày, người Hà Nhì, thổi xôi bảy màu của người Nùng… Một số điểm du lịch có sáng kiến tổ chức cho khách ngủ qua đêm trong lều, nhà tổ chim trên cây.

Như vậy, di sản văn hóa của các tộc người vừa là tiềm năng, nguồn lực phát triển du lịch. Đồng thời còn trực tiếp tham gia sáng tạo các sản phẩm du lịch, xây dựng các điểm, tuyến du lịch, xây dựng các dịch vụ lưu trú, vận chuyển, ăn uống, trải nghiệm…

Trong tất cả các khâu kinh doanh du lịch, di sản văn hóa đều đóng vai trò quan trọng, góp phần tăng sức hút du khách, tạo nên nét đặc thù, bản sắc riêng của sản phẩm du lịch.

Tùng Bách (Ghi)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.