Để bảo tàng là điểm đến của du lịch di sản

GD&TĐ - Là địa chỉ hội tụ tinh hoa, lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa dân tộc, bảo tàng là điểm đến được lựa chọn của du khách để tìm hiểu về con người, văn hóa và những nét đặc sắc của một vùng đất. 

Để bảo tàng là điểm đến của du lịch di sản

Thế nhưng, con đường từ bảo tàng đến công chúng còn dè dặt, thụ động. Số bảo tàng thu hút được đông đảo người xem chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay.

Nhiều sáng kiến thu hút khách tham quan

Vừa qua, 16 đơn vị bảo tàng và di tích đã ký kết Biên bản ghi nhớ về tăng cường công tác phối hợp truyền thông quảng bá. Theo biên bản ký kết, một số di tích, bảo tàng trọng điểm thuộc Bộ VH-TT&DL và TP Hà Nội sẽ phối hợp tổ chức quảng bá, giới thiệu các sự kiện phục vụ công chúng vào dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn.

TS Nguyễn Văn Cường - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia - cho hay: Hiện nay, hệ thống bảo tàng ở Việt Nam rất đông đảo, trải dài khắp các vùng miền đất nước.

Trong đó, nhiều bảo tàng đón lượng khách tham quan lớn trong năm. Công tác truyền thông quảng bá của các bảo tàng này đã được quan tâm, tiếp cận, tuy nhiên do tình trạng “mạnh ai nấy làm” nên hiệu quả quảng bá, thu hút khách vẫn còn hạn chế.

Do vậy, tiến sĩ Cường cho rằng, sự liên kết, phối hợp giữa các bảo tàng trong công tác truyền thông là cần thiết để phát huy sức mạnh, tăng cường hiệu quả để thu hút khách, nâng cao uy tín cũng như thương hiệu của các bảo tàng, di tích.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia là một trong số những bảo tàng thu hút đông du khách trong hệ thống các bảo tàng tại Việt Nam. Nhiều người đã biết Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” và “Giờ học lịch sử tại bảo tàng” của Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Mô hình này ra đời từ năm 2007 và nhanh chóng trở thành sân chơi bổ ích, lý thú, lôi cuốn học sinh phổ thông trên địa bàn Hà Nội. Nhờ hoạt động mang tính tương tác, lại được tổ chức theo từng chuyên đề, Câu lạc bộ này đã trở thành điểm đến hấp dẫn, tạo cho các em chủ động tìm hiểu vấn đề dựa vào sự gợi mở của giáo viên từ những hiện vật di sản cụ thể sinh động. Tuy nhiên, mô hình Câu lạc bộ như trên chưa được nhân rộng.

Đổi mới tư duy để hút khách

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch), với bề dày hàng nghìn năm lịch sử, Việt Nam có hệ thống bảo tàng phong phú, đa dạng cả về số lượng và chất lượng.

Tuy nhiên, đa số các bảo tàng Việt Nam hiện nay mới chỉ dừng lại nhiệm vụ lưu giữ, bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử, phục vụ công tác nghiên cứu chứ chưa thực sự trở thành nơi học tập, điểm đến hấp dẫn du khách.

Ngoài một số bảo tàng thu hút đông du khách như: Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Phụ nữ, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Chàm (Đà Nẵng)... thì vẫn còn rất nhiều bảo tàng chỉ đón vài chục lượt khách, thậm chí có bảo tàng cấp tỉnh vài tháng không có khách đến tham quan.

Theo các chuyên gia, hiện tư duy làm bảo tàng ở ta còn cứng nhắc, chậm đổi mới. Đó là tư duy “toàn diện”, “hoành tráng”. Chỗ nào thiếu hiện vật thì copy, phục chế, tái tạo, trích dẫn sách vở, lập bảng biểu thống kê hay thay thế bằng sáng tác các loại phù điêu.

Chỗ nào sẵn hiện vật thì bày la liệt, thiếu trọng tâm trọng điểm, thiếu bố cục, tổ chức, thiếu thông tin dẫn dắt và cách kể chuyện. Hoạt động bảo tàng hiện nay hầu như không nghiên cứu khách tham quan, không đánh giá điều tra nhu cầu công chúng và rất ít các chương trình giáo dục liên kết với trường học, với cộng đồng.

PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia - nhận định, vai trò của giám đốc bảo tàng rất quan trọng, ví như nhạc trưởng của một dàn nhạc lớn, thiết kế hệ thống quan điểm cho bảo tàng tương lai, chỉ huy các bộ phận kết hợp thành guồng máy đồng bộ, tạo ra và liên kết mọi hoạt động một cách sinh động, hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.