Du lịch di sản: Cân bằng giữa bảo tồn và phát triển

GD&TĐ - Những năm gần đây, phát triển du lịch di sản là hướng đi mới trong phát triển kinh tế, văn hóa và du lịch của nước ta, thế nhưng việc phát triển du lịch di sản cũng đang đặt ra nhiều nỗi lo. 

Du lịch di sản: Cân bằng giữa bảo tồn và phát triển

Làm thế nào để có thể cân bằng được việc phát triển du lịch, phát triển kinh tế đối với việc bảo tồn các di sản này?

Những tín hiệu khởi sắc

Theo thống kê, chỉ tính riêng di sản thế giới các loại hình: Phi vật thể, vật thể, di sản thiên nhiên thế giới, di sản cần bảo vệ khẩn cấp, di sản tư liệu thế giới… cũng đã có khoảng 30 di sản, chưa kể cả nước còn có tới hơn 30 di sản quốc gia đặc biệt, 3.168 di sản cấp quốc gia…

Cùng với việc chọn một hoặc nhiều di sản văn hóa, thiên nhiên nổi bật nhất hình thành các điểm đến tiêu biểu, từ đó kết nối với các điểm khác theo hệ thống tour, Việt Nam bắt đầu chú trọng đầu tư một cách đồng bộ về hạ tầng, dịch vụ, thông qua đó kết nối, tổ chức dịch vụ với cung ứng dịch vụ khác, đảm bảo để khách du lịch trong nước, quốc tế có thể tiếp cận với di sản; tuyên truyền, quảng bá di sản để xây dựng thương hiệu du lịch.

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng đặt ra rằng, để du lịch thật sự đóng vai trò là động lực phát triển kinh tế, ngành du lịch cần tập trung xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch chất lượng cao, đặc sắc, đa dạng và đồng bộ; đồng thời nghiên cứu nhu cầu của các đối tượng khách ở nhiều thị trường khác nhau, từ đó xây dựng sản phẩm du lịch có chất lượng, giá trị cao, phát triển thành thương hiệu du lịch nổi tiếng, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Văn Tuấn, những gì chúng ta làm được vẫn còn khiêm tốn và mới chỉ là bước đầu, còn rất nhiều việc phải làm.

Giáo dục ý thức để bảo vệ di sản

Thực tế, việc phát triển du lịch gắn với di sản thu hút khá đông khách nhưng vẫn hiện hữu khá nhiều nỗi lo. Trong đó, nguyên nhân chính vẫn là tính ăn “xổi” trong cách làm du lịch của nhiều đơn vị địa phương, điển hình trong công tác vệ sinh môi trường vẫn còn nhiều bất cập, tình trạng chen lấn, xô đẩy hết sức phản cảm...

Làm thế nào để vừa khai thác được giá trị di sản để phát triển du lịch, vừa bảo đảm du lịch thật sự là hoạt động văn hóa có tác động tích cực tới đời sống kinh tế, văn hóa là trăn trở của nhiều nhà văn hóa.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy - Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy các giá trị di sản văn hóa, văn hóa, di sản rất gần gũi với đời sống, mọi người cần có nghĩa vụ giữ gìn và bảo vệ di sản. Nếu chỉ khai thác mà không quan tâm đến công tác bảo tồn sẽ dẫn đến chuyện di sản bị kiệt quệ. Khai thác du lịch phải góp phần nâng giá trị di sản ấy lên và phải tuyệt đối không xâm phạm đến di sản. Du lịch đó phải có sự giáo dục đi kèm để họ có ý thức để bảo vệ di sản.

“Mỗi di sản của Việt Nam đòi hỏi một cách làm uyển chuyển và sáng tạo khác nhau. Nếu chúng ta làm thay đổi quá nhiều di sản, nó sẽ không còn là chính nó nữa và mất đi sự quan tâm của du khách với di sản. Điều quan trọng là phải nỗ lực để đạt được sự cân bằng trong việc gìn giữ, phát huy di sản và phát triển du lịch” - PGS.TS Nguyễn Văn Huy nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.