4 bước thiết kế một trò chơi học tập
Cô Bùi Thị Hoa chia sẻ các bước thiết kế một trò chơi học tập như sau:
Bước 1: Xác định khả năng, đặc điểm và nhu cầu của học sinh (HS) tiểu học. Trong bước này, giáo viên (GV) cần tìm hiểu rõ và xác định đúng khả năng, kiến thức đã học và vốn hiểu biết đã có của HS; nhu cầu phát triển và sở thích của tất cả HS trong lớp (nhận thức, chơi, quan hệ và giao tiếp, thích tự do, thích được chơi thoải mái, vui vẻ và được hành động hợp tác với bạn bè).
Bước 2: Xác định mục đích, yêu cầu và thời điểm tổ chức trò chơi trên cơ sở GV nắm chắc kiến thức, kĩ năng của bài dạy cụ thể và mục tiêu của bài dạy; xác định mục đích, yêu cầu và thời điểm tổ chức trò chơi.
Trò chơi được thiết kế cần thể hiện rõ ràng mục đích giáo dục. Mục đích của trò chơi là tổ chức cho HS được vui chơi, trên cơ sở đó, củng cố khắc sâu kiến thức hoặc hệ thống và chính xác hóa kiến thức đã học, hoặc làm quen với kiến thức mới...
Để đạt được mục đích chơi, cần phải thực hiện một số yêu cầu cần thiết như: Phải có sự tổ chức hướng dẫn của GV, mọi HS đều được chơi thoải mái, bình đẳng, thời gian tổ chức trò chơi cần hợp lí, cân đối với các hoạt động khác trong tiết học, đảm bảo quỹ thời gian chung của tiết học mà vẫn đem lại hiệu quả giáo dục. Mục đích sử dụng trò chơi khác nhau thì thời gian tổ chức trò chơi học tập cũng sẽ khác nhau.
Bước 3: Xác định nội dung chơi, luật chơi và cách chơi. Đây là bước quan trọng nhất của trò chơi. Trước hết GV cần xác định nội dung chơi, sau đó xác định luật chơi và cách chơi cụ thể của trò chơi.
Nội dung chơi của một trò chơi học tập là nhiệm vụ nhận thức, cũng chính là yêu cầu học tập mà HS phải thực hiện trong quá trình chơi dưới hình thức trò chơi, song phải vừa sức và hấp dẫn với HS.
Nội dung chơi phải phù hợp với nội dung của bài học, hướng tới thực hiện tốt mục tiêu của bài học và mục đích của trò chơi. Để thực hiện được nội dung chơi có hiệu quả, GV cần xác định rõ, đúng và đủ các luật chơi cần thiết.
Luật chơi chính là tiêu chuẩn khách quan để đánh giá thống nhất các hành động chơi của mọi HS. Luật chơi có thể là một yêu cầu hoặc hai, ba yêu cầu mà mọi người chơi đều phải thực hiện. Việc xác định luật chơi phải căn cứ vào nội dung chơi và cách thức chơi của trò chơi.
Luật chơi là yêu cầu bắt buộc hành động của mọi người chơi phải thực hiện thì mới đem lại kết quả chơi cuối cùng, ai có kết quả chơi nhanh và đúng thì người đó thắng cuộc.
Hành động chơi (cách thức chơi) được GV xác định sau khi đã vạch ra được mục đích của trò chơi, nội dung chơi, luật chơi.
Cách chơi gồm hình thức tổ chức chơi; cách GV hướng dẫn và giải thích các hành động chơi giúp HS hiểu luật chơi và biết chơi thực sự; là hành vi và cách thức chơi cụ thể mà HS cần tiến hành; cách đánh giá sau khi chơi để xác định kết quả thắng, thua.
Bước 4: Xác định và chuẩn bị cơ sở vật chất cần thiết cho trò chơi. Căn cứ vào nội dung chơi, luật và cách chơi, GV xác định và chuẩn bị nơi chơi, đồ chơi cho phù hợp, song nên tận dụng những đồ dùng sẵn có, đơn giản, dễ làm, không tốn kém kinh phí, có tính thẩm mĩ cao, đảm bảo an toàn, dễ bảo quản và sử dụng được nhiều lần.
GV có thể tổ chức cho HS cùng làm với cô giáo một phần đồ chơi và đồ dùng để chuẩn bị cho bài dạy mới, dự kiến thời gian chơi...
Cách tổ chức hiệu quả trò chơi học tập
Tổ chức trò chơi học tập, trước hết GV giới thiệu tên trò chơi, gây hứng thú chơi cho HS;
GV phổ biến giúp HS nắm vững tên trò chơi, luật chơi và cách chơi; sau đó tổ chức cho HS chơi thử;
GV tổ chức cho HS thực hiện trò chơi. Trong quá trình chơi, GV quan sát theo dõi mọi HS, động viên, nhắc nhở, khích lệ HS khi cần thiết.
GV cùng HS nhận xét, đánh giá kết quả chơi khi trò chơi kết thúc; công bố đội thắng, thua (căn cứ vào luật chơi), nguyên nhân thắng thua.
Cuối cùng, GV hướng dẫn HS thảo luận để rút ra ý nghĩa giáo dục từ trò chơi, nhắc lại kiến thức cần củng cố khắc sâu của bài học.
Cách thông báo thắng, thua cần khéo léo để kích thích, động viên HS thích chơi tránh mang tính chất ăn thua, cay cú. GV tự rút kinh nghiệm để lần sau tổ chức trò chơi tốt hơn.
Ở nội dung này, cô Bùi Thị Hoa lưu ý: GV cần phân biệt rõ hình thức luyện tập với trò chơi học tập được sử dụng trong bài giảng. Trong thực tế giảng dạy ở tiểu học có một số không nhỏ GV không nắm rõ bản chất và đặc trưng của trò chơi học tập nên đã nhầm lẫn giữa bài luyện tập với trò chơi học tập.
Họ cho rằng, cứ ra một bài tập và tổ chức cho học sinh thực hiện, thi đua xem ai giải nhanh nhất, đúng nhất thì đó là chơi.
Luyện tập khác với TCHT được sử dụng trong bài giảng được cô Bùi Thị Hoa minh hoạ như sau:
Luyện tập | Trò chơi học tập | |
Mục đích động cơ | Kết quả hoạt động của HS là nhận thức đúng. | Được tiến hành những hành động chơi. |
Nhiệm vụ nhận thức | - Việc giải quyết nhiệm vụ nhận thức chính là mục đích của bài tập. - Nhiệm vụ nhận thức đặt ra trực tiếp, rõ ràng, công khai. | - Việc giải quyết nhiệm vụ nhận thức là biện pháp, phương tiện để đạt được kết quả chơi (thắng-thua). - Nhiệm vụ nhận thức ẩn trong nhiệm vụ chơi, hành động và luật chơi. |
Hành động | Là hành động bắt buộc, mọi HS phải thực hiện. | Là hành động tự lập, tự do và sáng tạo của HS. |
Kết quả | So sánh kết quả chơi với đáp án của GV để xác định “đúng-sai”. | So sánh kết quả chơi của nhau với luật chơi để xác định sự “thắng- thua”. |
Cấu trúc | GV ra bài tập và HS hoàn thành bài tập đó. | Phải có đủ ba thành phần: Nội dung chơi, hành động chơi và luật chơi. |