Hình thành khái niệm ban đầu về diện tích
Với mục tiêu là hình thành biểu tượng (khái niệm ban đầu) về diện tích một hình (trong chương trình Toán 3), GS Lê Phương Nga đưa ra hai cách thiết kế để cảm nhận sự khác biệt tâm lý và thái độ học tập của học sinh:
Cách 1: Nghe giảng và xem minh họa | Cách 2: Vui chơi có thưởng |
GV có một hình tròn (miếng bìa đỏ hình tròn), một hình chữ nhật (miếng bìa trắng hình chữ nhật). Đặt hình chữ nhật nằm trọn trong hình tròn. Ta nói: Diện tích hình chữ nhật bé hơn diện tích hình tròn. (giáo viên chỉ vào phần mặt miếng bìa màu trắng bé hơn phần mặt miếng bìa màu đỏ). (Sách Giáo viên Toán 3, tr. 235) | Giáo viên chia nhóm 4 học sinh; mỗi nhóm nhận một tờ giấy kẻ 100 ô vuông (10 x 10) và hai bút dạ khác màu (xanh - đỏ); hai nhóm ngồi đối diện. Chơi Oản-tù-tì; nhóm nào thắng thì được tô vào 4 ô (yêu cầu tô lần lượt từng hàng) sau hai phút dừng lại kiểm tra. Nhóm tô được phần giấy rộng hơn thì thắng cuộc. Các nhóm thắng cuộc thì dán kết quả tô lên bảng lớp. Giáo viên yêu cầu so sánh mức độ rộng - hẹp của phần giấy đã tô mà các nhóm được dán trên bảng, (nêu cách nhận biết). Trao thưởng cho nhóm đã tô được phần giấy rộng nhất. Giáo viên chỉ vào phần giấy của nhóm đã tô rộng nhất và giới thiệu: ta nói nhóm này tô được diện tích lớn nhất. |
Cách 1: Học sinh phải nghiêm túc chăm chú quan sát hình vẽ, lắng nghe lời giải thích của giáo viên, để nhận biết một cách trực giác là: Hình này nằm trọn trong hình kia thì diện tích hình này bé hơn diện tích hình kia. Từ đó có biểu tượng ban đầu về diện tích một hình.
Cách 2: Học sinh nhận đồ dùng (bút màu và giấy kẻ ô); cùng nhau oản tù tì để chơi và tạo ra phần giấy được tô màu (theo các hàng, cột); so sánh lần 1, học sinh nhận ra trong 2 nhóm, nhóm nào tô rộng hơn thì được dán lên bảng.
So sánh lần 2, học sinh nhận ra nhóm tô được phần giấy rộng nhất trong các nhóm đã dán lên bảng.
Khi giải thích kết quả so sánh học sinh có thể quan sát; có thể đặt chồng lên nhau; có thể đếm số ô vuông đã tô màu. Như vậy học sinh nhận biết diện tích hình này bé hơn diện tích hình kia (không chỉ bằng trực giác hình này nằm trọn trong hình kia).
Các hoạt động được thiết kế đã giúp học sinh tự kiến tạo và tiếp cận biểu tượng ban đầu về diện tích một hình khá nhẹ nhàng, lý thú.
Thành lập bảng đơn vị đo độ dài
Với mục tiêu thành lập bảng đơn vị đo độ dài và nhận biết quan hệ giữa hai đơn vị đo liền kề (bài Bảng đơn vị đo độ dài; SGK Toán 3 tr. 45), GS Lê Phương Nga cũng thử nghiệm 2 cách thiết kể hoạt động học tập của học sinh. Cụ thể:
Cách 1: Hướng dẫn cách lập bảng và nêu lên quan hệ | Cách 2: Vui chơi có thưởng để tự hình thành bảng và nêu lên quan hệ |
Giáo viên yêu cầu nêu các đơn vị đo độ dài đã học. Học sinh có thể nêu không theo thứ tự nhất định, giáo viên hướng dẫn học sinh điền dần vào bảng kẻ sẵn để cuối cùng có một bảng hoàn thiện như trong SGK. Chẳng hạn: Khi học sinh lần lượt nêu các đơn vị đo độ dài, giáo viên có thể viết ra ở phần bảng khác (theo thứ tự học sinh nêu). Khi học sinh đã nêu đủ 7 đơn vị đo độ dài thì giáo viên cho học sinh nêu đơn vị đo cơ bản là mét; Giáo viên ghi chữ “mét” vào cột giữa của bảng kẻ sẵn; ghi ký hiệu “m” ở dòng dưới cùng cột. Sau đó giáo viên cho học sinh nhận xét có những đơn vị đo nhỏ hơn mét ta ghi ở các cột bên phải cột mét, giáo viên ghi chữ “nhỏ hơn mét” vào bảng kẻ sẵn. Có các đơn vị đo lớn hơn mét ta ghi các đơn vị lớn hơn mét ở bên trái cột mét, giáo viên ghi chữ “lớn hơn mét” vào bảng kẻ sẵn... Giáo viên cho học sinh nhìn bảng và lần lươt nêu quan hệ giữa hai đơn vị đo liền nhau... Giáo viên cho học sinh đọc nhiều lần để ghi nhớ bảng”. (Sách Giáo viên Toán 3, tr. 86) | Trò chơi 1: Giáo viên treo 2 bảng kẻ sẵn; chia lớp thành hai đội; mỗi đội nhận một bút dạ; và yêu cầu mỗi đội ghi (tiếp sức) vào các chỗ chấm trong bảng. Học sinh hai đội lần lượt thi đua điền tên các đơn vị đo lớn hơn mét (km; hm; dam); nhỏ hơn mét (dm; cm; mm); ghi các số vào chỗ chấm: 1km = ... hm; 1hm = ... dam; dam = ... m; 1m = ... dm; 1dm = ... cm ; 1cm =... mm và điền vào kết luận: “Mỗi đơn vị đo độ dài gấp... lần đơn vị đo bé hơn liền nó”. Đội nào xong trước và điền đúng thứ tự các đơn vị và các số vào chỗ chấm thì thắng cuộc. Giáo viên yêu cầu học sinh mỗi nhóm đọc lại tên các đơn vị đo trong bảng theo thứ tự và đọc lại kết luận về quan hệ giữa các đơn vị liền kề. Trò chơi 2: Giáo viên nêu một số câu đố; mỗi đội có một chuông (hoặc 1 biểu tượng) để giành quyền trả lời. Chẳng hạn: “Đố bạn biết đơn vị đo độ dài nào mà cứ 10 đơn vị đó là 1 mét?’’, hoặc: “Đố bạn đơn vị đo độ dài nào mà 1 đơn đó bằng 100 mm’’; đội rung chuông trước được quyền trả lời. Nếu trả lời đúng được 10 điểm. Nếu trả lời sai 0 điểm và đội còn lại giành quyền trả lời. Cứ chơi như vậy sau 5 phút đội nào nhiều điểm hơn thì thắng cuộc. Yêu cầu HS 2 đội nói cho nhau nghe về thứ tự của các đơn vị đo độ dài trong bảng và quan hệ của hai đơn vị đo liền kề. |
Cách 1: Thể hiện rõ vai trò của giáo viên qua các hoạt động (được gạch chân) trong quá trình hoàn thành mục tiêu.
Cách 2: Thể hiện rõ vai trò của học sinh tự huy động kiến thức vốn có; tự thể hiện kỹ năng; tự phát hiện quan hệ qua các họat động (được gạch chân) trong quá trình hoàn thành mục tiêu: mỗi đội ghi (tiếp sức); thi đua điền số; điền vào kết luận; giành quyền trả lời...
Thiết kế các hoạt động thực hành
Để thiết kế các hoạt động thực hành đa dạng gắn với việc giải quyết nhu cầu thiết thực trong đời sống để học sinh nhận biết giá trị của tri thức toán học, GS Lê Phương Nga đưa ra ví dụ trong bài Thực hành xem lịch (SGV Toán 2, tr. 140):
Kiến thức và kỹ năng của bài học | Hoạt động thực hành gắn với nhu cầu thiết thực |
- Rèn kỹ năng xem lịch tháng (nhận biết thứ, ngày, tháng trên lịch). - Củng cố nhận biết về các đơn vị thời gian: ngày, tháng, tuần lễ, biểu tượng thời gian (phân biệt thời điểm với khoảng thời gian). | - Hỏi các thành viên trong gia đình em (bố, mẹ, anh, chị hoặc em) để biết ngày sinh nhật của từng người. - Xem lịch rồi khoanh lại (hoặc ghi ra vở) các ngày sinh nhật của mỗi người trong gia đình em năm nay; nhớ ghi rõ ngày đó là thứ mấy trong tuần. Chẳng hạn: Sinh nhật của bố em là: ngày... tháng... và là thứ... trong tuần |
Khi yêu cầu học sinh điền các ngày còn trống của một tờ lịch tháng nào đó; hoặc liệt kê các ngày thứ... trong tuần nào đó của 1 tháng, hoặc khoanh vào một ngày nào đó trên tờ lịch... đều là hoạt động thực hành đúng với mục tiêu bài học nhưng khô khan và thuần túy kiến thức.
Khi thiết kế hoạt động thực hành gắn với các nhu cầu cuộc sống như trên chúng ta đã gợi lên những cảm xúc cho người học khi thực hành từ những việc làm tương tự.
Trong bài Thực hành nhận dạng các hình, GS Lê Phương Nga hướng dẫn: Sau khi học sinh lớp hai học bài “Hình chữ nhật hình tứ giác”; thay cho việc yêu cầu học sinh quan sát và đếm hình trong 1 hình vẽ đã cho, có thể thiết kế hoạt động thực hành nhau sau:
Chọn các hình thích hợp trong bộ đồ dùng học toán để xếp thánh các hình dưới đây: …
Nói cho bạn nghe hình vừa xếp được tạo dáng của vật nào thường thấy hàng ngày.
Tóm lại, theo GS Lê Phương Nga, việc thiết kế các hoạt động học tập giúp học sih hứng thú học Toán là sự thể hiện tổng hợp các ý tưởng về phương pháp dạy học.
Người thiết kế không chỉ xác định đúng đắn mục tiêu học tập, mà còn phải chú ý các yếu tố về tâm lý học, về giáo dục học và hiểu rõ vốn kiến thức thực tiễn của học sinh để phối hợp tốt với các thủ thuật, kỹ thuật thể hiện nội dung toán học, tạo ra các kích thích hợp lý để học sinh tự học.