Lưu ý luyện nghe trẻ khiếm thính với trò chơi học tập

GD&TĐ - Các trò chơi với tính hấp dẫn tự thân có tiềm năng lớn để trở thành phương tiện dạy học hiệu quả, kích thích sự hứng thú nhận thức và say mê học tập của học sinh. Đặc biệt với trẻ khiếm thính, học tập thông qua trò chơi giúp trẻ ghi nhớ dễ dàng, bền vững hơn.

Lưu ý luyện nghe trẻ khiếm thính với trò chơi học tập

Trò chơi học tập chưa được sử dụng thường xuyên

Thạc sĩ Nguyễn Minh Phượng (Khoa Giáo dục Đặc biệt - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết đã thực hiện một khảo sát nhỏ trên 24 giáo viên dạy trẻ khiếm thính tại 2 trường chuyên biệt ở Hà Nội.

Kết quả cho thấy, dù ý thức được tầm quan trọng của trò chơi học tập trong dạy học cho trẻ khiếm thính, song giáo viên chưa sử dụng thường xuyên phương pháp này trong quá trình luyện nghe cho học sinh.

Bên cạnh đó, hầu hết các trò chơi luyện nghe đều do giáo viên tự thiết kế; việc sưu tầm từ sách báo, internet và sử dụng trò chơi do chuyên gia trị liệu ngôn ngữ và chuyên gia thính học cung cấp rất ít, hầu như không có.

Để xây dựng các trò chơi học tập luyện nghe cho học sinh khiếm thính, giáo viên cần nắm rõ các giai đoạn phát triển khả năng nghe của trẻ bình thường, có như vậy, trẻ mới có khả năng phát triển và hoàn thiện các giai đoạn nghe. Tuy nhiên, chỉ có chỉ có 33,3% giáo viên nhận thức được việc này khi xây dựng trò chơi luyện nghe .

Cũng theo kết quả khảo sát, khó khăn lớn nhất mà giáo viên gặp phải là do thiếu trò chơi, thiếu sách, tài liệu hướng dẫn cụ thể. Tiếp đến là khó khăn về kinh nghiệm tổ chức trò chơi.

Những khó khăn này, theo thạc sĩ Nguyễn Minh Phượng, đòi hỏi phải thiết kế những tài liệu hướng dẫn tổ chức trò chơi luyện nghe cho trẻ khiếm thính một cách cụ thể, chi tiết; đồng thời, phải tăng cường các lớp bồi dưỡng năng lực tổ chức trò chơi cho giáo viên.

Một số lưu ý

Trước khi tổ chức trò chơi luyện nghe cho học sinh khiếm thính, giáo viên luôn phải ghi nhớ kiểm tra máy trợ thính của trẻ; bố trí, sắp xếp phòng học và vị trí các trẻ trong lớp để có được môi trường nghe tốt nhất. 

Sau mỗi trò chơi luyện nghe, giáo viên cần ghi lại kết quả vào bảng theo dõi luyện nghe của mỗi trẻ.

Thạc sĩ Nguyễn Minh Phượng

Thạc sĩ Nguyễn Minh Phượng lưu ý, khi tổ chức luyện nghe cho học sinh khiếm thính qua trò chơi học tập, giáo viên cần sưu tầm, thiết kế các trò chơi để xây dựng được một ngân hàng trò chơi phong phú, đa dạng, phù hợp với khả năng nghe và trình độ của học sinh khiếm thính trong lớp mình.

Khi xây dựng ngân hàng trò chơi, giáo viên cũng phải xác định rõ mức độ vận dụng của từng trò chơi, tức xác định rõ kiểu bài, xác định lượng thời gian, cơ sở vật chất để sử dụng trò chơi.

Giáo viên có thể đối chiếu nội dung của các trò chơi với nội dung của từng bài dạy xem bài nào có thể ứng dụng với dạng trò chơi nào, vào thời điểm nào để khi cần, giáo viên có thể dễ dàng lựa chọn trò chơi phù hợp.

Khi lựa chọn trò chơi, giáo viên nên phân chia bài dạy thành các hoạt động cụ thể, xác định nhiệm vụ, mục đích của từng hoạt động. Sau đó mới xem xét trong số các hoạt động đó, hoạt động nào có thể tổ chức bằng trò chơi.

Cùng với đó, xác định lượng thời gian, cơ sở vật chất cần thiết cho hoạt động đó và lựa chọn trò chơi thích hợp. Nếu cần thiết, giáo viên phải thay đổi một số yếu tố của trò chơi để phù hợp với từng đối tượng học sinh khiếm thính cụ thể của lớp mình.

Tùy vào khả năng nghe, nhu cầu của học sinh khiếm thính, giáo viên có thể tăng giảm độ khó của trò chơi bằng cách thay đổi yêu cầu chơi, thay đổi nhiệm vụ nhận thức của trò chơi.

Khi tổ chức trò chơi cho học sinh khiếm thính, giáo viên cần tạo và duy trì hứng thú cho các em bằng cách: 

Tạo ra tình huống chơi bất ngờ, thú vị để đưa trẻ đến với trò chơi; động viên, khuyến khích học sinh kịp thời bằng ngôn ngữ, nét mặt, cử chỉ, điệu bộ; luân phiên vai chơi một cách thường xuyên và sử dụng phong phú các loại trò chơi khác nhau với nhiều hình thức chơi khác nhau…

Bên cạnh đó, thạc sĩ Nguyễn Minh Phượng cho rằng, để phát huy tính tích cực, độc lập, sáng tạo của học sinh, giáo viên phải là người cộng tác, người làm mẫu, cổ vũ khuyến khích trẻ chơi; theo dõi, giúp đỡ trẻ khi cần thiết.

Giáo viên cũng cần phân nhóm học sinh hợp lý, điều phối mối quan hệ giữa các học sinh trong lớp để giúp học sinh thiết lập mối quan hệ giữa các học sinh trong lớp…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ