Vực tâm lý sau thời gian dài học trực tuyến

GD&TĐ - Sau thời gian dài học trực tuyến vì dịch bệnh, nhiều sinh viên có tâm lý ngại đi học trực tiếp. Vấn đề này sẽ là một bài toán mà các trường đại học cần phải giải quyết khi việc học quay trở lại bình thường.

Nhiều sinh viên đã quen với việc học trực tuyến. Ảnh minh họa
Nhiều sinh viên đã quen với việc học trực tuyến. Ảnh minh họa

Ngại học trực tiếp

Ngại đến trường học trực tiếp là tâm lý chung của sinh viên sau thời gian dài học trực tuyến, nhất là những người ở xa, khó khăn trong vấn đề đi lại. Sự thuận tiện khi học online cũng là nguyên nhân tạo nên tâm lý e ngại ở sinh viên nếu trở lại trường trong thời gian ngắn mà không có sự chuẩn bị từ trước.

Khi được hỏi ý kiến về lựa chọn giữa học trực tiếp và trực tuyến, Phạm Mai Anh - sinh viên Trường Đại học Ngoại thương cho biết em thích học trực tuyến hơn vì khả năng tiếp thu bài giảng là như nhau, thậm chí còn tốt hơn. Vì học trực tuyến, em có thể dễ dàng ghi lại toàn bộ nội dung bài giảng.

“Nếu như đi học trở lại, em sẽ cảm thấy rất ngại khi phải dậy sớm đi học, mang theo rất nhiều sách vở. Hà Nội thường xuyên tắc đường nên việc đến trường sẽ mất khá nhiều thời gian. Thêm vào đó học trực tiếp phải ngồi cả ngày trên giảng đường sẽ rất mệt mỏi”, Mai Anh cho hay.

Còn Nguyễn Trọng Đạt - sinh viên Trường Đại học Giao thông Vận tải bày tỏ: Thời gian học trực tuyến vừa qua đối với em là khá “nhàn” mà vẫn tiếp thu được đầy đủ nội dung học tập. Hàng ngày, em dậy lúc 7 giờ sáng và bật máy tính lên ngồi học. Do đường truyền tốt, phương pháp giảng dạy của các thầy rất khoa học nên em tiếp thu kiến thức khá tốt.

Thời gian học tập tại nhà giúp em đỡ một khoản kinh phí khá lớn khi không phải thuê nhà ở Hà Nội để theo học, cùng với đó là tiền sinh hoạt hàng ngày. Nếu trở lại học trực tuyến trên lớp, các chi phí sẽ phát sinh. Học trực tuyến vừa không phải di chuyển, vừa sắp xếp và tiết kiệm được nhiều thời gian. Bởi vậy, sau một thời gian dài học online, em cảm thấy rất ngại tới trường.

PGS Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhận xét: Đúng là có một phần không nhỏ sinh viên ngại đi học trở lại, nhất là trong điều kiện thời tiết mùa đông ở miền Bắc. Nhiều em chỉ thấy việc học trực tuyến mang lại sự dễ chịu mà chưa nhận thức thấu đáo về quyền lợi và trách nhiệm của bản thân trong việc thực hiện hoạt động dạy học theo cách thức đảm bảo chất lượng tốt nhất.

PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng có một bộ phận sinh viên ngại đi học trở lại. Lý do muốn học trực tuyến của những sinh viên này xuất phát từ nhu cầu cá nhân, chẳng hạn vì đang đi làm thêm, nếu học trực tuyến thì dễ trốn học hơn. Tuy nhiên đây chỉ là số nhỏ, đa số sinh viên trong trường đều muốn đi học trở lại để được tiếp thu các kiến thức đầy đủ hơn.

Học trực tiếp sẽ giúp sinh viên tham gia đầy đủ các hoạt động. Ảnh minh họa
Học trực tiếp sẽ giúp sinh viên tham gia đầy đủ các hoạt động. Ảnh minh họa

Chuẩn bị tâm lý cho sinh viên

Trên thực tế, chính các nhà trường cũng nhận thấy sự thay đổi tâm lý của sinh viên sau một thời gian dài học online. Do đó, nhiều trường học đã bắt đầu xây dựng kế hoạch chuẩn bị tâm lý cho sinh viên trước khi có quyết định đi học trở lại.

PGS.TS Nguyễn Bá Chiến - Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội nêu quan điểm: Ở nhà, sinh viên có thuận lợi hơn, đó là vấn đề sinh hoạt cá nhân. Tuy nhiên, đã là sinh viên thì nhiệm vụ học tập là quan trọng nhất. Học tại trường các em được tương tác trực tiếp với giảng viên và sinh viên với nhau, được tham gia các  hoạt động ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng sống.

Khi các em quay trở lại học trực tiếp, chắc chắn Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên nhà trường sẽ vào cuộc để chuẩn bị tâm lý, kỹ năng cho các em. Các thầy cô sẽ phối hợp với gia đình để cùng theo dõi những dấu hiệu căng thẳng của các em, chia sẻ, động viên kịp thời, giúp sinh viên dần thích ứng với học trực tiếp.

PGS.TS Nguyễn Thanh Chương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải cho rằng, trong thời gian học trực tuyến, về chuyên môn, các trường cố gắng đảm bảo đủ điều kiện để đạt chất lượng cơ bản, nhưng hạn chế bởi những điều kiện khác, gồm tính thực tế, thực tiễn, kỹ năng mềm như giao tiếp xã hội. Những hạn chế này sẽ ảnh hưởng đến nguồn nhân lực sau này.

Để đón sinh viên quay trở lại trường học, nhà trường sẽ tiến hành khảo sát toàn bộ về tâm tư, nguyện vọng trong phương án học tập thời gian tới. Trước mắt, việc học online vẫn được duy trì cho đến khi tình hình dịch bệnh có dấu hiệu khả quan hơn. Nhưng việc sẵn sàng tâm lý để trở lại trường bất kỳ lúc nào là điều cần thiết ở mỗi sinh viên thời điểm này.

PGS.TS Trần Thanh Nam - giảng viên Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, sẽ cần một khoảng thời gian để các em sinh viên thích nghi với việc học tập ở trường, chuẩn bị một số hoạt động với lịch trình hàng ngày. Điều này cần sự chung tay của cả phụ huynh, giáo viên và nhà trường.

Giáo viên và nhà trường phải nói rõ khi quay trở lại học, sinh viên sẽ phải thực hiện những điều gì? Điều gì sẽ xảy ra trong thời gian còn lại của học kỳ và những công việc nào cần phải chuẩn bị? Khối lượng kiến thức nào cần được coi như ôn luyện hoặc nhắc lại? Tất cả những điều đó sẽ giúp cho quá trình trở lại trường của các em trở nên thuận lợi hơn.

Những thay đổi về tâm lý của học sinh, sinh viên vốn đã tồn tại khi thay đổi môi trường học tập, và tác động của dịch Covid-19 càng khiến những bất ổn về tâm lý bộc lộ rõ hơn, nhất là với đối tượng yếu thế. Đây cũng là vấn đề cần được các nhà trường đặt ra và giải quyết để giúp các em hòa nhập tốt hơn trong tình hình mới.

PGS.TS Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Ngoại thương cho biết, vừa qua trường đã khảo sát sơ bộ tâm tư nguyện vọng của sinh viên liên quan tới việc đi học trở lại thì nhận được nhiều luồng thông tin trái chiều, trong đó có ý kiến ngại đi học trở lại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ