Giáo viên dạy học trực tuyến mùa dịch: Cần hỗ trợ tâm lý, động viên tinh thần

GD&TĐ - Việc đến trường bị gián đoạn, dạy online triền miên, áp lực mưu sinh dẫn đến tâm lý của nhiều thầy cô giáo ngày càng trở nên nghiêm trọng. Thầy cô phải làm thế nào để vượt qua khủng hoảng tâm lý lúc này?

Giáo viên Trường THPT Hoàng Cầu (Hà Nội) góp phần chống dịch.
Giáo viên Trường THPT Hoàng Cầu (Hà Nội) góp phần chống dịch.

Đừng đánh mất niềm lạc quan yêu đời

Nhấn mạnh sự lạc quan là liều thuốc hiệu quả nhất để giải tỏa các áp lực đang bủa vây nhà giáo trong thời gian dịch bệnh này, cô Trần Vân Thu - Giáo viên Trường THPT Trần Khai Nguyên (Quận 5, TPHCM) chia sẻ: Nhờ có sự lạc quan, yêu đời, mong muốn chiến thắng dịch bệnh mà tôi cùng gia đình đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất.

Cô Thu khóc khi nhớ lại cảm giác rối bời lo lắng khi gia đình cô gồm có 18 người thì 16 người là F0, nhiều người phải vào bệnh viện, vào khu cách ly tập trung, có thời gian phải thở oxy để giành sự sống. Tự nhủ phải cố gắng để vượt qua, hàng ngày, cô Thu theo lời khuyên của bác sĩ ăn uống đầy đủ, tập thể dục chăm chỉ. Niềm lạc quan đã giúp cô vượt qua và chiến thắng dịch bệnh, có thể gặp học trò qua giờ học online.

Còn cô Nguyễn Thị Bắc - Giáo viên Trường THCS Thượng Lan (huyện Việt Yên, Bắc Giang) chia sẻ: Bị nhiễm bệnh khi tham gia chống dịch tại huyện đầu tháng 5/2021, phải đi điều trị tại bệnh viện, đã có lúc tôi cảm thấy rất hoang mang, lo lắng. Dịch bệnh bùng phát cũng khiến tôi có tâm lý sợ sệt, suy sụp, lo mình sẽ mất đi người thân, cuộc sống bị đảo lộn.

Nhưng nhờ có sự động viên của người thân, bạn bè, đồng nghiệp, nhất là hình ảnh của các em học sinh đã giúp tôi đã trấn tĩnh, vượt lên khó khăn để chiến thắng bệnh tật. Cô Bắc cho rằng, muốn khỏi bệnh tư tưởng phải thoải mái, phải có lòng tin, cùng với đó là thực hiện nghiêm túc 5K, theo hướng dẫn của bác sĩ. Để tránh tâm lý không ổn định, cần giảm bớt xem, nghe những tin tức đau buồn, cùng với đó là trang bị kiến thức phòng bệnh, giúp tinh thần thoải mái.

Dưới góc độ của một nhà quản lý, cô Lưu Thị Lập - Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: Đây là năm học thứ 2 ngành GD đối mặt với dịch bệnh, phải thực hiện dạy học onlinne, cả thầy và trò cùng phải cố gắng để vượt qua khó khăn, nhất là những vấn đề về tâm lý.

Trước sự tàn phá của đại dịch, tâm lý chung của các thầy cô giáo đều hoang mang lo lắng. Mỗi ngày thức dậy, thầy cô đứng trước nhiều mối lo: Đường truyền mạng có ổn định không, tâm lý các con khi học trực tuyến, kỷ luật trên môi trường mạng như thế nào; các con có thực hiện được không, ý thức tự học của các con thế nào. Cùng với đó là mối lo người thân có nhiễm Covid, có mất việc vì Covid hay không…

Do đó, ngoài việc hỗ trợ vật chất, các nhà trường cần hỗ trợ về tinh thần, ổn định tâm lý cho các thầy cô. Tại Trường THPT Hoàng Cầu, nhờ sự yêu thương đùm bọc, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau, qua 2 năm các thầy cô đã thích nghi với dạy online, đẩy lùi được áp lực và những cảm xúc tiêu cực, mong mỏi niềm tin sẽ chiến thắng dịch bệnh, thầy trò gặp lại nhau trong những giờ lên lớp trực tiếp.

Buổi học trực tuyến của học sinh Trường THPT Trần Khai Nguyên (TPHCM).
Buổi học trực tuyến của học sinh Trường THPT Trần Khai Nguyên (TPHCM). 

Hỗ trợ tâm lý để các thầy cô vững tâm

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội), trong mùa dịch Covid-19, tỷ lệ lo âu trầm cảm đã tăng 5 - 7 lần so với bình thường. Đại dịch càng kéo dài, sức khỏe sẽ suy kiệt, đó cũng chính là điều kiện khiến cho các biểu hiện tổn thương sức khỏe tâm thần sẽ tăng lên.

Có thể dễ dàng nhận thấy, khi bị tách ra khỏi lịch sinh hoạt hàng ngày, trong thời gian quá lâu, con người sẽ có những biểu hiện không biết được thời gian, không có các hoạt động cân bằng đời sống, giải tỏa stress. Khi bị cô lập trong không gian nhỏ hẹp, phải làm việc liên tục, quá tải sẽ khiến cho các thầy cô mất đi hứng thú, tâm thế dạy học.

“Làm việc quá tải khiến chúng ta có hành vi mất kiểm soát, cáu giận hoặc những biểu hiện cơ thể như không kiểm soát được nhịp tim nhịp thở của mình, khả năng tư duy đưa ra quyết định bình tĩnh trong các tình huống sư phạm không giống bình thường. Do đó, việc giải tỏa tâm lý cho các thầy cô trong thời gian này là rất cần thiết” - PGS Trần Thành Nam cho biết.

Ông Nguyễn Ngọc Ân - Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho rằng: Thầy cô đang chịu nhiều tác động của dịch bệnh, dạy học trực tuyến trong thời gian dài, cảm thấy lo lắng, bất an, ảnh hưởng tới cuộc sống.

Do đó, việc nhận được lời khuyên từ các chuyên gia tâm lý sẽ giúp các thầy cô có tinh thần lạc quan hơn, yêu đời hơn để vượt qua đại dịch. Sự vào cuộc động viên, truyền năng lượng, truyền cảm hứng sẽ là một phần không thể thiếu bên cạnh những sự hỗ trợ về vật chất, tinh thần và năng lực nghề nghiệp để các thầy cô vẫn thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục và giảng dạy của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.