Covid-19 và tâm lý học đường

GD&TĐ - Cảnh báo về sức khoẻ tâm thần của học sinh, sinh viên (HSSV) trong dịch Covid-19 đã và đang được nhiều quốc gia lên tiếng.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Gần đây, Trung tâm Sức khỏe và Phát triển trẻ em tại Nhật Bản công bố có đến 30% trong 344 học sinh cấp 3 tham gia khảo sát có triệu chứng trầm cảm từ vừa đến nặng liên quan đến đại dịch Covid-19.

Tại Trung Quốc, qua khảo sát 1,2 triệu học sinh tiểu học và trung học cho thấy 10,5% trong số đó đang đối mặt với các vấn đề về sức khỏe tâm thần sau dịch. Ở Pháp, theo một thăm dò ý kiến do Liên hiệp sinh viên FAGE phối hợp với Viện Ipsos thực hiện, 23% sinh viên từng có ý định tự vẫn do tác động của dịch bệnh.

Tại Việt Nam, tuy chưa có thống kê quy mô về tình trạng sức khoẻ tâm thần của HSSV trong đại dịch nhưng những thông tin nhỏ lẻ từ các đơn vị y tế cũng mang đến nhiều quan ngại. Thống kê từ Bệnh viện Tâm thần Trung ương cho thấy, trong số những người có biểu hiện tâm lý bất bình thường đến khám, tư vấn thời gian qua có đến 30% là HSSV.

Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ tinh thần Braincare  cũng cho biết, tổng đài tư vấn miễn phí nhận được nhiều cuộc gọi của các bậc phụ huynh phản ánh việc con sử dụng Internet quá nhiều và sống tách biệt với gia đình.

Dịch bệnh Covid-19 với các biện pháp phong toả kéo dài đã làm thay đổi nếp sống thường ngày. Đối với HSSV, việc không được đến trường học trực tiếp, thiếu tương tác xã hội, cuộc sống hàng ngày chỉ quanh quẩn trong nhà, trước màn hình máy tính… đã mang đến những áp lực tâm lý rất lớn. Đặc biệt, với nhiều HSSV  rơi vào thảm cảnh mồ côi, cú sốc mất đi người thân đột ngột khiến các em chênh vênh.

Hỗ trợ, trấn an tâm lý giúp HSSV vượt qua đại dịch là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng không kém các nhiệm vụ khác. Vì thế ngay từ đầu năm học, trong văn bản gửi các sở GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ sư phạm... về việc hỗ trợ HSSV bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bộ GD&ĐT đã đặc biệt nhấn mạnh vấn đề tâm lý.

Theo đó, Bộ đề nghị  các cơ sở giáo dục phát huy vai trò của tổ tư vấn tâm lý, tổ công tác xã hội trong nhà trường để hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời, xây dựng kế hoạch, phương án tư vấn trực tuyến, tư vấn cá nhân khi học sinh cần.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ, thời gian qua, bên cạnh nhiều hoạt động hỗ trợ vật chất, tài chính cho HSSV mùa dịch, các cơ sở giáo dục còn triển khai nhiều chương trình chăm sóc tâm lý cho các em.

Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TPHCM) có Chương trình “Vắc-xin tinh thần”; Trường ĐH Luật TPHCM có các chuỗi tư vấn tâm lý trực tuyến về cân bằng cuộc sống, việc làm.

Nhiều trường phổ thông ở TPHCM đã phối hợp với Trường ĐH Sư phạm TP tập huấn cho giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn xử lý các sang chấn tâm lý của học sinh rơi vào hoàn cảnh mồ côi do đại dịch…

Nỗ lực của các cơ sở giáo dục rất đáng ghi nhận, góp phần giúp HSSV cân bằng cuộc sống. Tuy nhiên thực tế cho thấy, hoạt động này vẫn chưa đều tay, đặc biệt ở bậc phổ thông. Sự cố gắng của lãnh đạo nhà trường, giáo viên chủ yếu dựa trên trách nhiệm, tình cảm đơn thuần, hiện còn thiếu vắng những kỹ năng chuyên môn.

Nguyên nhân chính do các nhà trường đang thiếu đội ngũ chuyên trách về công tác tâm lý học đường. Mặc dù, Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT của Bộ đã hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý trong trường phổ thông, nhưng việc đưa công tác này trở thành một nội dung “cứng” vẫn còn nhiều khó khăn, do thiếu kinh phí, nhân sự.

Học sinh hạnh phúc thì thầy cô hạnh phúc và sẽ có trường học hạnh phúc. Những cảnh báo về sức khoẻ tâm thần đối với HSSV trong mùa Covid-19 một lần nữa gióng lên yêu cầu cấp thiết về đầu tư nhiều hơn cho công tác hỗ trợ tâm lý học đường.

Không chỉ giúp học sinh cân bằng cuộc sống, an tâm học tập qua mùa dịch, chuẩn hoá công tác tâm lý học đường mà còn giúp nhà trường thực hiện mục tiêu giáo dục một cách hiệu quả nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.