“Vòng kim cô” đánh bại Covid-19

GD&TĐ - Nhiều quốc gia đang bước vào làn sóng Covid-19 thứ năm. Với việc triển khai tiêm vắc-xin, số ca mắc Covid-19 mới đã giảm đáng kể.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Song, giờ đây biến thể Delta xuất hiện và tấn công trở lại vào các quần thể chưa được tiêm chủng.

Từ những gì chúng ta biết về khả năng thích nghi và phát triển của virus, chắc hẳn, lựa chọn khả thi để kiểm soát dịch bệnh lâu dài là một chiến lược kết hợp “vũ khí” vắc-xin và thuốc kháng virus. Bên cạnh đó là sự kết hợp với các biện pháp y tế công cộng mạnh mẽ.

Vắc-xin được coi là vòng bảo vệ đầu tiên chống lại Covid-19. Thế hệ vắc-xin đầu tiên ở Mỹ có hiệu quả cao. Các chuyên gia dự đoán, thế hệ thứ hai, thứ ba và sau đó của vắc-xin sẽ tác dụng cao hơn.

Tuy nhiên, việc tiêm vắc-xin chưa đủ để chấm dứt đại dịch. Bởi, biến thể Delta đã chứng tỏ sự “lão luyện” hơn các chủng trước đó trong việc vượt qua các biện pháp bảo vệ của vắc-xin. Minh chứng cụ thể là khi toàn bộ dân số Mỹ đã được tiêm chủng, 17,5 triệu người vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh.

Hơn nữa, một số người mắc các bệnh lý tiềm ẩn làm giảm hiệu quả của vắc-xin. Những người này bao gồm bệnh nhân được cấy ghép nội tạng, dùng thuốc ức chế miễn dịch hoặc ung thư....

Ngoài ra, một số bằng chứng cho thấy, khả năng miễn dịch do vắc-xin có thể mất dần theo thời gian.

Do đó, thuốc kháng virus và thuốc dự phòng được coi là yếu tố cần thiết để lấp đầy khoảng trống và cung cấp vòng bảo vệ thứ hai. Chính phủ Mỹ gần đây đã cam kết chi 3,2 tỷ USD để phát triển các liệu pháp kháng virus SARS-CoV-2.

Việc dùng thuốc dự phòng có thể ngăn những người đã tiếp xúc với virus không bị bệnh hoặc lây nhiễm. Song hiện, những loại thuốc này chưa được sử dụng rộng rãi do chi phí sản xuất cao và phải sử dụng qua đường truyền. Tuy nhiên, thế hệ thuốc kháng virus tiếp theo sẽ được sản xuất ở dạng viên nén. Từ đó, mang lại tiềm năng lớn để sử dụng ở những nơi có nguy cơ cao.

Vòng bảo vệ tiếp theo sẽ đến từ các biện pháp y tế công cộng để ngăn chặn sự lây lan của virus. Các quốc gia như Australia, Trung Quốc, New Zealand và Singapore đã áp dụng hiệu quả việc truy vết, khoanh vùng, cách ly bắt buộc, kiểm soát chặt chẽ biên giới và kiểm dịch đối với những người nhập cảnh.

Những chiến lược như vậy được coi là phương pháp bảo vệ quan trọng nhằm đối phó với hầu hết mọi bệnh truyền nhiễm trong lịch sử. Tuy nhiên, tại Mỹ và nhiều quốc gia khác, việc truy vết đã được dừng lại. May mắn thay, các loại thuốc dự phòng kháng virus mới có thể giúp bù đắp biện pháp này.

Ba vòng đầu tiên đã tạo thành một lớp bảo vệ tuyệt vời. Tuy nhiên, vẫn sẽ không đủ trừ khi chúng được áp dụng ở mọi nơi. Để tạo ra vòng bảo vệ cuối cùng, cộng đồng quốc tế phải cùng nhau thực hiện để giám sát dịch bệnh. Đồng thời, cung cấp khả năng tiếp cận phổ biến đối với các xét nghiệm, phương pháp điều trị và vắc-xin.

18 tháng sau đại dịch, có lẽ đã đến lúc để chấm dứt cuộc khủng hoảng toàn cầu này bằng cách kết hợp nhiều biện pháp. Bởi, không có cách tiếp cận đơn lẻ nào là đủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ