Do sức đề kháng kém hơn, họ là nhóm dễ tấn công của virus SARS-CoV-2, dễ tiến triển nặng và dễ tử vong.
Nhóm được tiêm ở bệnh viện
TP Hồ Chí Minh vừa có kế hoạch chuẩn bị tiêm chủng vắc-xin Covid-19 đợt 5. Trong đó, người mắc bệnh (thận mạn tính, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính), người có tình trạng béo phì và người trên 65 tuổi sẽ được tiêm ở bệnh viện. Những nhóm còn lại sẽ được tiêm ở các điểm cộng đồng.
Để công tác tổ chức tiêm chủng được thuận lợi, an toàn, kịp tiến độ, Sở Y tế đề nghị Phòng Y tế và Trung tâm Y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức tổng hợp và gửi danh sách người trên 65 tuổi, người mắc bệnh và người có tình trạng béo phì có hộ khẩu trên địa bàn đến các bệnh viện được phân công tiêm.
Trong khi đó, theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, người trên 65 tuổi vẫn nên đăng ký tiêm chủng vắc-xin Covid-19. Những trường hợp này nên lưu ý, khi đăng ký tiêm chủng trực tuyến cần điền thông tin cụ thể vào cột (trên 65 tuổi) trong phiếu. Căn cứ vào tình hình sức khỏe của những người trên 65 tuổi sẽ quyết định việc họ được tiêm hay không.
Xu hướng chuyển dịch nhóm tuổi
Theo chuyên gia dịch tễ bệnh truyền nhiễm, TS.BS Nguyễn Thu Anh - thành viên của nhóm 5F, đã có sự chuyển dịch nhóm tuổi ở ca mắc Covid-19 tại Hà Nội. Cụ thể, nhóm 5F cho biết, trong 3 - 4 ngày, số ca mắc Covid-19 từ 60 tuổi trở lên tăng nhanh, hiện lên 95/656 (14,5%) ca.
5F là nhóm gồm các bác sĩ, nhà dịch tễ học, khoa học xã hội, dược sĩ và chuyên gia y tế công cộng tập hợp các thông tin khoa học về Covid-19. Theo nhóm này, đây là điều đặc biệt đáng lưu tâm.
Khi đối chiếu, tỷ lệ tử vong thô giai đoạn từ 27/4 - 7/7 trên cả nước ở nhóm tuổi này là 7,9%. Do đó, các chuyên gia nhấn mạnh, Hà Nội cần thực hiện việc tiêm vắc-xin cho người cao tuổi và có bệnh nền sớm. Điều này không chỉ để bảo vệ người cao tuổi, mà còn là bảo vệ cộng đồng và giảm áp lực lên hệ thống điều trị.
Trong khi đó, theo Giáo sư Y khoa Nguyễn Văn Tuấn - Đại học New South Wales (Australia), do vắc-xin hạn chế, Việt Nam cần ưu tiên nhóm người được tiêm phòng. Trước hết là nhân viên y tế. Sau đó là những người chăm sóc người bị nhiễm tại nhà.
Nhóm tiếp theo cần được ưu tiên do chuyên gia này đề xuất là những người cao tuổi (như 65 tuổi trở lên).
“Kinh nghiệm ở nước ngoài, đa số các ca nhiễm là cao tuổi. Những người này cũng thường có bệnh đi kèm liên quan đến Covid-19. Nhiều nghiên cứu mô hình dịch tễ học cho thấy, tập trung vắc-xin cho nhóm này sẽ đem lại hiệu quả lớn”, Giáo sư Tuấn nhận định.
Bên cạnh đó, nhóm cần được ưu tiên khác là những người không cao tuổi nhưng làm công việc tiếp xúc với nhiều người.
Tỷ lệ tử vong cao
PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế nhận định: “Về mặt y học và phòng chống dịch, việc không dành ưu tiên cho người cao tuổi tiêm vắc-xin là sai và phản khoa học.
Những người cao tuổi nói chung thường có tình trạng sức khỏe phức tạp, đòi hỏi phải chăm sóc y tế nhiều hơn người trẻ. Tỷ lệ nhập viện ở những người lớn tuổi cao hơn và sử dụng các nguồn lực y tế cao gấp nhiều lần những người trẻ tuổi.
Do đó, họ sẽ làm quá tải bệnh viện nhiều hơn. Do sức đề kháng kém hơn nên họ là nhóm dễ tấn công của virus SARS-CoV-2, dễ tiến triển nặng và dễ tử vong hơn”.
“Thực tế gần đây đã cho thấy, khi dịch Covid-19 bùng phát tại các khu công nghiệp Bắc Giang, nơi có hàng nghìn F0 là người trẻ, khỏe nhiễm virus, tỷ lệ tử vong hầu như bằng không. Trong khi đó, dịch bùng phát tại cộng đồng ở TPHCM - nơi có nhiều người cao tuổi chưa tiêm vắc-xin, số người chết tăng lên nhiều lần”, PGS Nga cảnh báo.
Do đó, chuyên gia này lý giải, tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người cao tuổi tức là đã chủ động làm giảm tỷ lệ người lớn tuổi nhập viện. Do đó, sẽ có nhiều nguồn lực, nhân lực hơn để tập trung vào các mục tiêu cứu chữa khác trong bệnh viện.