Nga công bố kế hoạch chống khủng hoảng

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov hôm 27/1 cho biết chính phủ nước này vừa phê duyệt kế hoạch chống khủng hoảng thực hiện trong vòng 1 năm để tìm lại thặng dư ngân sách.

Nga vừa thông qua kế hoạch chống khủng hoảng để lấy lại thặng dư kinh tế. Ảnh: TASS
Nga vừa thông qua kế hoạch chống khủng hoảng để lấy lại thặng dư kinh tế. Ảnh: TASS
Ông Siluanov cho biết quỹ chống khủng hoảng của chính phủ Nga tương đương
170 tỉ rúp (2,5 tỉ USD), dự chi cho các kế hoạch tối ưu ngân sách và cải cách cơ cấu bộ máy nhà nước. 

Trong vòng 1 đến 2 năm, kế hoạch này sẽ giúp Moscow tránh lãng phí nguồn dự trữ, qua đó phục hồi thặng dư kinh tế chậm nhất là vào năm 2017.

Sau khi cơ quan xếp hạng tín dụng Standard & Poor (S&P) hạ mức tín nhiệm đối với Nga xuống còn BB+ (mức không nên đầu tư) cuối ngày 26/1, lần đầu tiên từ năm 2004, Nga nhanh chóng đề ra biện pháp đối phó, bước đầu thắt chặt chi tiêu của chính phủ.

Theo S&P, do đồng rúp tụt giá và giá dầu sụt giảm nên hệ thống tài chính của Nga đang suy yếu, làm giảm tính cơ động của Ngân hàng Trung ương nước này. Thông tin này làm giá trị đồng rúp so với USD giảm 1,2% (1 USD = 68,1 rúp) trong phiên giao dịch sớm 27/1.

Do lệnh trừng phạt của phương Tây và doanh thu năng lượng không đạt yêu cầu, kinh tế Nga được dự báo sẽ giảm 4-5 % trong năm 2015. Trong giai đoạn 2009 - 2013, dòng vốn chảy khỏi nước Nga vào khoảng 57 tỉ USD/năm. 

Con số này tăng lên mức kỷ lục 152 tỉ USD vào năm 2014 trong khi dự trữ ngoại tệ quốc gia giảm xuống dưới 400 tỉ USD lần đầu tiên kể từ tháng 8/2009.

Trước bảng xếp hạng mới của S&P, Bộ trưởng Siluanov chỉ trích đơn vị này quá bi quan và không biết về kế hoạch sắp tới của chính phủ Nga nên mới hạ mức tín nhiệm dành cho Moscow.

Cựu Thủ tướng Nga Mikhail Kasyanov cho rằng động thái của S&P phản ánh cách cảm nhận về triển vọng nền kinh tế Nga của các nước phương Tây. 

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Vasily Nebenzya lên án bảng xếp hạng của S&P, trong đó cáo buộc Washington đứng sau tác động trực tiếp. Ông nhấn mạnh Nga đang phải đối phó với nhiều âm mưu cấu kết lẫn nhau nhằm phá hoại nền kinh tế Nga.

Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov gọi động thái của S&P là hoàn toàn mang động cơ chính trị. Ông cho rằng các công ty làm ăn nghiêm túc không bao giờ bị chi phối bởi các chỉ số xếp hạng do các tổ chức của phương Tây đưa ra vì chúng không phản ánh đúng thực trạng nền kinh tế.

Cùng ngày 27/1, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã chỉ thị cho ngoại trưởng các nước trong khối xem xét một loạt biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga khi họ nhóm họp tại Brussels vào ngày 29/1 tới.

Theo nld.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ