Việt Nam tiếp nhận thêm hơn 1 triệu liều vắc xin AstraZeneca

GD&TĐ - Đây là lô vắc xin Vaxzevria (tên gọi trước là vắc xin Covid-19 AstraZeneca) được vận chuyển từ cơ sở sản xuất của Laboratorio Univesal Farma (Tây Ban Nha).

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày 2/8, theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, thêm 1,188 triệu liều vắc xin Vaxzevria phòng Covid-19 từ Cơ chế đảm bảo công bằng vắc xin Covid-19 toàn cầu (COVAX) đã về đến Việt Nam.

Đây là lô vắc xin Vaxzevria (tên gọi trước là vắc xin Covid-19 AstraZeneca) được vận chuyển từ cơ sở sản xuất của Laboratorio Univesal Farma (Tây Ban Nha).

Vắc xin Vaxzevria đã được WHO cấp phép sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp và được tiêm tại Việt Nam từ tháng 3.

Như vậy, tổng số vắc xin Covid-19 nước ta đã nhận thông qua Cơ chế COVAX là 8.681.300 liều.

Trong đó, 5.000.100 liều vắc xin Moderna do Chính phủ Mỹ hỗ trợ và 3.681.200 liều AstraZeneca.

COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên minh Đổi mới Sáng tạo Sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI), Liên minh Vắc xin và tiêm chủng toàn cầu (GAVI) đồng khởi xướng. UNICEF là đối tác thực hiện chính.

Đến nay, Việt Nam đã triển khai tiêm hơn 6,4 triệu liều vắc xin phòng Covid-19, trong đó có 659.064 người đã được tiêm liều thứ hai. Nguồn vắc xin bổ sung sẽ giúp Bộ Y tế mở rộng độ bao phủ tiêm chủng và tiếp cận nhiều người hơn trong các nhóm đối tượng ưu tiên, từ đó góp phần giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tiêm phòng cho hơn 70% dân số đến cuối quý I năm 2022.

Nguồn cung vắc xin phòng Covid-19 trên toàn cầu hạn chế ảnh hưởng đến việc triển khai tiêm chủng ở nhiều quốc gia. Vì vẫn còn nhiều người vẫn chưa được tiêm phòng, người dân cần tiếp tục thực hiện 5K: Khẩu trang, Khử khuẩn, Khoảng cách, Không tụ tập và Khai báo y tế.

Trong nhiều tháng qua, các đối tác COVAX bao gồm CEPI, GAVI, WHO và đối tác cung ứng UNICEF, đã và đang hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực sẵn sàng và triển khai vắc xin Covid-19 trên toàn quốc. Các đối tác đã hỗ trợ tích cực Việt Nam xây dựng Kế hoạch Tiêm chủng Quốc gia, vì Việt Nam tham gia cam kết thị trường trước (AMC). AMC là một cơ chế tài chính sáng tạo để giúp đảm bảo tiếp cận toàn cầu và công bằng với vắc xin Covid-19.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ