Nhiều khả năng số ca Covid-19 ở Hà Nội sẽ tăng nhanh những ngày tới

GD&TĐ - Đó là nhận định của ông Khổng Minh Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát dịch bệnh CDC Hà Nội khi nhìn nhận về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thủ đô.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhiều ổ dịch phức tạp, nhiều chu kỳ lây nhiễm đã xuất hiện trong 1 ổ dịch

Thông tin trên báo chí, Phó giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, đợt dịch mới này khó khăn hơn nhiều so với những đợt dịch trước đó. Bởi hiện nay, 29/30 quận, huyện, thị xã đều đã ghi nhận ca mắc. Các chùm ca bệnh đã xuất hiện rải rác từ quận đến huyện, từ khu vực nội thành đến ngoại thành.

Thậm chí, một số ổ dịch có diễn biến kéo dài như tại Bệnh viện Phổi Hà Nội; tại thôn Thọ Am (xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì); tại phường Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng); tại phường Tân Mai (quận Hoàng Mai)...

Đặc biệt, nhiều chu kỳ lây nhiễm (từ F1 thành F0 lây cho F2 và F2 thành F0 lây cho F3) đã xuất hiện trong một ổ dịch.

Nhận định tình hình dịch Covid-19 tại Hà Nội hiện nay, thông tin trên báo chí, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đánh giá, dịch Covid-19 của Hà Nội đang diễn biến rất phức tạp, đặc biệt gần đây có rất nhiều ca được phát hiện qua sàng lọc ho, sốt khi đi khám. Điều này có nghĩa là đã có nhiều ổ dịch phức tạp, lây lan nhanh và rộng, nguy cơ rất lớn, còn nhiều ca bệnh còn đang ẩn trong cộng đồng.

Đặc biệt vừa qua có một số ổ dịch như: Bệnh viện Phổi Hà Nội, nhà thuốc Đức Tâm đã phát hiện số ca mắc đông; nhất là tại Bệnh viện Phổi Hà Nội ghi nhận cả cán bộ y tế, bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2, chứng tỏ đã có sự lây lan rộng.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cũng cho rằng, tình hình dịch ở Hà Nội không phức tạp như TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực phía Nam. Tuy nhiên, gần đây Hà Nội đã xuất hiện các ca mắc trong cộng đồng qua sàng lọc, vẫn có đa nguồn lây, đa ổ nhiễm nên nguy cơ dịch có thể bùng phát như tại TP Hồ Chí Minh bất cứ lúc nào.

Đặc biệt, qua trường hợp Bệnh viện Phổi Hà Nội cho thấy, nguy cơ dịch xâm nhập vào các bệnh viện là rất lớn. Dịch xâm nhập vào bệnh viện có nhiều nguyên nhân, có thể từ nguồn người bệnh đến khám khi thực hiện sàng lọc không hết; do người nhà của bệnh nhân không tuân thủ nghiêm quy định và bệnh viện quản lý không chặt, người nhà bệnh nhân ra vào bệnh viện hoặc nhân viên y tế cũng có thể bị lây nhiễm từ bên ngoài mang vào bệnh viện… Việc làm chặt sàng lọc phòng dịch tại bệnh viện là rất quan trọng.

3 vấn đề quan trọng nhất để phát hiện kịp thời ca bệnh

Theo Sở Y tế Hà Nội, cộng dồn số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021) là 1.344 ca, còn tính từ ngày 5/7 đến trưa 2/8 là 1.085 ca.

Theo Phó giám đốc CDC Hà Nội, lượng người mắc mới tại Hà Nội có thể chia thành 2 nhóm chính.

Nhóm thứ nhất là ca mắc tại ổ dịch hiện hữu (Đông Anh, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai...). Đây là F1 của trường hợp dương tính trước đó, hoặc được phát hiện thông qua sàng lọc tại khu vực có nguy cơ cao, quanh nơi có ca bệnh.

Nhóm thứ hai là trường hợp dương tính được xác định qua sàng lọc cộng đồng, sàng lọc theo yếu tố dịch tễ (ho, sốt, mất vị giác...).

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc CDC Hà Nội. Ảnh: H.T.

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc CDC Hà Nội. Ảnh: H.T.

Tại thời điểm hiện nay, muốn phát hiện kịp thời ca bệnh, tiến tới cách ly, ngăn chặn và sớm khoanh vùng, dập dịch, cần tập trung vào 3 vấn đề quan trọng nhất.

Đầu tiên là ý thức tự giác của người dân, người dân cần phối hợp với ngành Y tế tuân thủ thực hiện nghiêm Chỉ thị số 17/CT-UBND của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, đồng thời tuân thủ thông điệp "5K" của Bộ Y tế.

Thứ hai là tăng cường hiệu quả, vai trò của tổ Covid-19 cộng đồng "đi từng ngõ, gõ từng nhà". Các tổ Covid-19 cộng đồng cần tăng cường rà soát, khi phát hiện trường hợp có biểu hiện sốt, ho, cần thông tin đến lực lượng y tế địa phương để lấy mẫu xét nghiệm. Phát hiện sớm ca bệnh, sau đó cách ly bệnh nhân ra khỏi cộng đồng thì sẽ không còn nguy cơ.

Thứ ba là tăng cường năng lực của hệ thống y tế, trong đó đẩy mạnh tiến độ giám sát, lấy mẫu xét nghiệm.

Hà Nội nỗ lực kiểm soát dịch trong cộng đồng. Ảnh: VTC.

Hà Nội nỗ lực kiểm soát dịch trong cộng đồng. Ảnh: VTC.

F0 trong cộng đồng chưa được phát hiện còn khá nhiều

Lý giải về số lượng ca mắc những ngày qua tăng, ông Tuấn cho rằng số ổ dịch tại Hà Nội còn tương đối nhiều và thường phải mất 21-28 ngày mới có thể ổn định. Ngoài ra, F0 trong cộng đồng chưa được phát hiện còn khá nhiều, cần có thời gian để bóc tách hết.

Lãnh đạo CDC Hà Nội nhìn nhận sau 7 đến 10 ngày thực hiện giãn cách xã hội, TP mới có thể tìm được gần hết F0 tản mát ở cộng đồng. Vì vậy, nhiều khả năng những ngày tới số ca ghi nhận tiếp tục tăng nhanh.

Ông Tuấn nhấn mạnh, phát hiện thêm F0 là chúng ta đang đi đúng hướng. Rà soát có trọng tâm, hiệu quả cao, phát hiện càng sớm khả năng dập dịch càng cao.

Khi chúng ta áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả cùng với ý thức tuân thủ nghiêm túc của người dân thì sau 15 ngày, Hà Nội có thể khống chế được các ổ dịch.

Chia sẻ trên báo chí, GS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh Hà Nội đã đạt được những kết quả bước đầu, nhưng cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến trong những ngày giãn cách còn lại. Dựa vào kết quả chống dịch trong 15 ngày để quyết định có cần kéo dài thời gian giãn cách.

"Hà Nội tránh được vết xe đổ của TP.HCM khi vẫn nắm được thế chủ động trong cuộc chiến chống dịch. Nhưng những ngày tới cần tăng cường khả năng truy vết, sàng lọc, xét nghiệm diện rộng để không phải chạy theo diễn biến của dịch bệnh", ông Phu đánh giá.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ