Nhằm thu hút được học sinh giỏi, xuất sắc vào các ngành sư phạm, đáp ứng nguồn giáo viên THPT chất lượng cao, Thanh Hóa là tỉnh tiên phong của cả nước đưa ra đề án đào tạo chất lượng cao trình độ đại học ngành sư phạm.
Do đó, đầu năm 2018, trường Đại học (ĐH) Hồng Đức xây dựng đề án đào tạo ngành sư phạm theo đơn “đặt hàng” của tỉnh, gồm: Sư phạm Toán, Vật Lý, Ngữ Văn, Lịch Sử, mỗi ngành sẽ có 20 sinh viên (SV). Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại trường chỉ mới tuyển sinh được 20 SV, trong đó, ngành Lịch Sử 13 SV, Ngữ Văn 6 SV, Toán 1 SV và ngành Vật Lý chưa có SV nào.
Trao đổi với GD&TĐ, ông Đậu Bá Thìn - Phó trưởng phòng Quản lý Đào tạo Trường ĐH Hồng Đức cho biết: Đầu năm 2018, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản đồng ý chủ trương tuyển dụng SV tốt nghiệp từ đề án Đào tạo chất lượng cao, trình độ đại học của Trường ĐH Hồng Đức đã được Bộ GD&ĐT xác nhận và cho phép thực hiện tại Công văn số 867/BGDĐT-GDĐH, ngày 8/3/2018.
Theo đó, Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở GD&ĐT và các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp từ đề án nêu trên, kịp thời bổ sung nguồn giáo viên chất lượng cao cho các trường THPT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Đối tượng và chỉ tiêu tuyển dụng là ứng viên phải đảm bảo các điều kiện: Tốt nghiệp đại học loại khá trở lên theo chương trình đào tạo chất lượng cao từ đề án nêu trên; có phẩm chất đạo đức tốt, có sức khỏe đảm bảo phục vụ công tác giảng dạy và học tập lâu dài.
Điều kiện xét tuyển các ngành trên là những học sinh dự thi THPT Quốc gia 2018, đậu tốt nghiệp THPT và đạt các tiêu chí: rèn luyện 3 năm ở THPT đạt loại tốt; xếp loại học lực 3 năm ở THPT đạt loại khá trở lên; có tổng điểm thi THPT quốc gia 3 môn thuộc tổ hợp môn xét tuyển đạt từ 24 điểm trở lên (không có môn nào dưới 5 điểm) và môn chủ chốt của ngành đào tạo đạt từ 8 điểm trở lên hoặc ứng viên có đủ điều kiện tuyển thẳng vào đại học theo quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT.
Ưu tiên tuyển thẳng đối với học sinh đạt giải Quốc tế, Quốc gia (giải Nhất, giải Nhì và giải Ba). Học sinh tốt nghiệp từ các trường THPT chuyên có 3 năm học THPT đạt học sinh giỏi hoặc đạt giải Nhất, Nhì, Ba trong các Kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh cũng được ưu tiên tuyển thẳng. Thứ tự ưu tiên từ giải Quốc tế đến Quốc gia và học sinh giỏi cấp tỉnh.
Chỉ tiêu tuyển thẳng không vượt quá 30% chỉ tiêu mỗi ngành. Học sinh trúng tuyển sẽ được tham gia chương trình đào tạo chất lượng cao và được thụ hưởng nhiều chính sách ưu đãi. Đặc biệt, sau khi tốt nghiệp đại học lớp đề án đạt loại khá trở lên, sinh viên sẽ được đảm bảo tuyển dụng vào các trường THPT trên địa bàn tỉnh.
Cũng theo ông Thìn, khi xây dựng đề án Trường ĐH Hồng Đức và Sở GD&ĐT Thanh Hóa tính tương quan trên điểm thi THPT Quốc gia của năm 2017. Thế nhưng, đến thời điểm này cả 4 ngành đào tạo chất lượng cao theo đơn “đặt hàng” của tỉnh, mới chỉ có 20 SV, trong đó ngành Vật Lý vẫn chưa có tuyển được SV nào. “Năm ngoái, tỉnh Thanh Hóa có rất nhiều thí sinh đạt từ 27 đến 30 điểm. Thế nhưng không thể ngờ điểm thi năm nay lại quá thấp so với năm ngoái. 24 điểm năm nay là một điểm số rất cao nên nhà trường đang đứng trước nguy cơ khó khăn trong việc tuyển sinh và mở lớp chất lượng cao.”- ông Thìn cho hay.
Một điều thực tế cho thấy, đối với SV tham gia kỳ thi THPT quốc gia năm nay mà đạt 24 điểm là một điểm số rất cao, nên cũng chưa chắc các em đã chọn vào ngành sư phạm. “Hiện Trường ĐH Hồng Đức đang tiếp tục đợt tuyển sinh bổ sung. Cũng đã có một số phụ huynh gọi điện đến nhà trường để hỏi tư vấn. Tuy nhiên họ vẫn đang lưỡng lự bởi thực trạng ngành sư phạm hiện nay thừa quá nhiều.
Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ của SV cũng những câu hỏi về “đầu ra” sau này của con em mình. Trường ĐH Hồng Đức cũng đã đưa ra dự kiến mỗi ngành chỉ cần được 3 đến 5 SV, thì nhà trường vẫn mở lớp để làm cơ sở tiền đề cho các năm tiếp theo. Bởi lẽ, chương trình đào tạo có kiến thức chung chiếm 40-50% của khối ngành. Sau đó, nhà trường sẽ tách các nhóm ngành riêng để đạo tạo chất lượng cao”- ông Thìn thông tin thêm.