Vì sao quân đội công nghệ cao của Israel tổn thất nặng nề trước Hamas?

GD&TĐ - Giới chuyên gia đưa ra lời đáp cho câu hỏi: “Vì sao quân đội công nghệ cao của Israel chịu tổn thất đáng kể trong cuộc đối đầu với nhóm vũ trang Hamas?”

Vì sao quân đội công nghệ cao của Israel tổn thất nặng nề trước Hamas?

Ngày nay, Israel là một trong những nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới.

Hơn nữa, chúng là những vũ khí công nghệ cao và độc đáo trên thế giới, không chỉ các nước kém phát triển muốn mua mà ngay cả các quốc gia có tổ hợp công nghiệp quân sự hùng mạnh cũng muốn nhập khẩu.

Ngược dòng lịch sử, đối mặt với nguy cơ bị hủy diệt hoàn toàn vào những năm 70 của thế kỷ trước, nhà nước Do Thái đã bắt đầu một chương trình quy mô lớn để phát triển công nghiệp quốc phòng.

Sau khi loại bỏ bộ máy quan liêu và tạo ra một hệ thống kết nối hoạt động giữa giới lãnh đạo quân sự, các nhà khoa học và doanh nhân, Israel đã phát triển và giới thiệu các loại vũ khí mới công nghệ cao và độc đáo, chẳng hạn như nhiều loại máy bay không người lái, xe tăng Merkava, và các hệ thống phòng thủ tên lửa nổi tiếng: “David Sling”, “Iron Dome” và “Arrow”...

Ngoài ra, nhà nước Do Thái đã thành công về mặt tình báo, bao gồm cả vệ tinh, cũng như tiến hành các hoạt động trên không gian mạng.

Đặc biệt, nhờ phần mềm độc hại Stuxnet, Israel và Hoa Kỳ đã có lúc phá hoại thành công sự phát triển liên tục của chương trình hạt nhân Iran, đơn cử như bắt đầu từ năm 2009, các máy ly tâm được Tehran sử dụng để làm giàu uranium bắt đầu thường xuyên ngừng hoạt động

Với rất cả những ưu thế trên, câu hỏi được đặt ra là “làm thế nào mà Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) vốn luôn tự hào về vũ khí trang bị công nghệ cao và tiên tiến hàng đầu thế giới, đã sa lầy vào các trận chiến ở Dải Gaza và chịu tổn thất đáng kể khi chiến đấu với các chiến binh Hamas được trang bị kém, lắp ráp tên lửa tự chế từ ống thép và thuốc nổ”?.

Giới chuyên gia cho rằng, vấn đề chính là sự vượt trội về công nghệ với các đối thủ trong khu vực mà Israel duy trì trong nhiều thập kỷ qua đã làm lu mờ sự sáng suốt của giới lãnh đạo đất nước, cũng như mang lại cảm giác an toàn giả tạo cho người dân nhà nước Do Thái.

Vào năm 2020, IDF thậm chí còn đưa ra khái niệm mang tính cách mạng về “Chiến thắng quyết định”, liên quan đến việc sử dụng trí tuệ nhân tạo và giảm số lượng quân thuộc lực lượng mặt đất.

Quyết định này từ đó cho đến nay vẫn chưa được thực hiện vì lý do chính trị. Rõ ràng đây là điều may mắn cho Lực lượng Phòng vệ Israel và người dân của đất nước Do Thái.

Về ưu thế công nghệ cao và khả năng bất khả xâm phạm của nhà nước Do Thái, nhóm vũ trang Hamas của Palestine đã xua tan những niềm tin mù quáng này vào ngày 7 tháng 10 năm ngoái, bằng cách khiến hệ thống phòng không của Israel quá tải với hàng nghìn tên lửa tự chế và rẻ tiền.

Ngoài ra, hóa ra, những chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) dòng Merkava được quảng cáo “không bao giờ thất bại” trước bất cứ vũ khí nào, cũng đã bị phá hủy sau khi bị đánh trúng bởi những máy bay không người lái cảm tử (kamikaze) thô sơ và rẻ tiền.

Kết quả là binh lính IDF phải tiến vào một trong những thành phố đông dân nhất thế giới là Dải Gaza, với cuộc chiến trong thành phố ngoằn ngoèo và mạng lưới đường hầm ngầm rộng khắp.

Tại đây, ưu thế công nghệ của Israel trên thực tế đã biến mất, Quân đội Israel vốn tự hào là “có tầm nhìn xa hơn bất cứ đối thủ nào” nhờ ưu thế về tình báo và trinh sát, cũng trở nên mù mờ giống như Hamas, dẫn đến hậu quả là IDF cũng tổn thất đáng kể về nhân lực và trang thiết bị.

Tuy nhiên, mối đe dọa chính đối với nhà nước Do Thái vẫn chưa đến, nếu IDF không đạt được chiến thắng “không thể tranh cãi” trước Hamas trong tương lai gần, hay nói cách khác là không thể “đánh cho Hamas không thể gượng dậy”.

Nếu Hamas còn tồn tại mạnh mẽ, điều này một mặt có thể gây ra nghi ngờ nghiêm trọng về ưu thế quân sự của Israel và các đối thủ khác trong khu vực, mặt khác, các cuộc tấn công vào Nhà nước Do Thái sẽ vẫn tiếp diễn trong tương lai, cùng với tất cả những hậu quả sau đó.

Nhìn chung, tình hình hiện nay ở Trung Đông đã chứng minh rõ ràng rằng, vẫn còn quá sớm để nói về những “cuộc chiến không con người”, mà mở đầu là cuộc chiến giữa máy bay không người lái và trí tuệ nhân tạo. Trên chiến trường hiện nay, mọi chuyện vẫn do con người quyết định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...