Vi phạm tại dự án Núi Pháo: Nguyên Tổng cục trưởng Khoáng sản Việt Nam có phần trách nhiệm

GD&TĐ - Thanh tra Chính phủ xác định còn một số vi phạm về sử dụng đất đai, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cần được khắc phục kịp thời

Nhà máy khai thác, chế biến khoáng sản tại Núi Pháo (Đại Từ, Thái Nguyên)
Nhà máy khai thác, chế biến khoáng sản tại Núi Pháo (Đại Từ, Thái Nguyên)

Như tin đã đưa, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã ban hành kết luận thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng và khai thác tài nguyên, khoáng sản của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn từ năm 2010 – 2018.

Trong thông báo kết luận, TTCP đã chỉ ra nhiều vi phạm trong công tác khai thác khoáng sản ở Thái Nguyên bao gồm dự án Núi Pháo – một trong những dự án khai khoáng lớn nhất của nước ta.

Theo tìm hiểu, dự án này đặt tại huyện Đại Từ, do Công ty TNHH khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo làm chủ đầu tư để khai thác quặng kim loại. Đây được coi là một trong những mỏ Vonfram có trữ lượng lớn trên toàn cầu.

Năm 2016, người dân xã Hà Thượng nơi dự án hoạt động từng khiếu nại, phản đối việc dự án gây ô nhiễm môi trường. Cuối năm 2017, Núi Pháo được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đưa vào đề án kiểm soát đặc biệt về môi trường cùng với Formosa ở Hà Tĩnh.

Tại kết luận mới ban hành, TTCP cho biết năm 2017, Bộ TN&MT đã thanh tra việc thực hiện các quy định về quản lý, sử dụng đất đai tại Dự án khai thác, chế biến khoáng sản Núi Pháo.

Qua kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra của Bộ TN&MT, TTCP nhận thấy có 19,72 ha đất được UBND tỉnh Thái Nguyên thu hồi và giao cho công ty Núi Pháo, nhưng đến nay chưa hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho 11 hộ gia đình, cá nhân.

Khoảng 46 ha đất khác được UBND tỉnh Thái Nguyên thu hồi, giao công ty từ năm 2007. Đến nay, công ty không còn nhu cầu sử dụng nhưng vẫn chưa hoàn chỉnh thủ tục bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng theo quy định.

Tiếp đến, có diện tích 66 ha được chính quyền tỉnh giao cho công ty từ năm 2009 nhưng không có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nằm ngoài quy hoạch của dự án nhưng chưa hoàn thiện hồ sơ để trả lại đất.

TTCP đã chỉ ra nhiều vi phạm trong công tác khai thác khoáng sản ở Thái Nguyên bao gồm dự án Núi Pháo.
TTCP đã chỉ ra nhiều vi phạm trong công tác khai thác khoáng sản ở Thái Nguyên bao gồm dự án Núi Pháo.

Cũng theo TTCP, 50 hộ gia đình đã cho công ty thuê gần 3ha đất nông nghiệp để làm kho hàng và bãi xe nhưng không có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và chưa làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định.

Diện tích hơn hơn 22ha tại xã Hà Thượng (khoảng 240 hộ gia đình) chưa thực hiện thủ tục quy hoạch sử dụng đất được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

TTCP khẳng định, trách nhiệm của những sai sót trên thuộc về UBND tỉnh Thái Nguyên, Sở TN&MT tỉnh, UBND huyện Đại Từ và Công ty Núi Pháo. TTCP yêu cầu khẩn trương tổ chức thực hiện, khắc phục nội dung vi phạm về đất đai và môi trường đã được Bộ TN&MT kết luận tại dự án này.

Liên quan việc khai khoáng tại Núi Pháo, TTCP cho rằng có nguy cơ thất thu ngân sách trong việc tạm tính tiền cấp quyền khai thác tại mỏ Vonfram đa kim Núi Pháo, xã Hùng Sơn và xã Hà Thượng (cùng ở huyện Đại Từ).

Cụ thể, việc xác định tạm tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo Quyết định do ông Nguyễn Văn Thuấn ký (thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ TN&MT) mới tính phần khai thác lộ thiên 55.192.000 tấn, không tính phần trữ lượng khai thác bằng phương pháp hầm lò 28.028.000 tấn trong khu vực khai thác 90ha là chưa phù hợp quy định, có nguy cơ thất thu ngân sách nhà nước.

Trách nhiệm việc này thuộc Bộ TN&MT; ông Nguyễn Văn Thuấn - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Khoáng sản Việt nam và các cơ quan khác có liên quan.

Cũng theo TTCP, riêng sản phẩm tinh quặng vàng do doanh nghiệp chưa lắp đặt dây chuyền chế biến, đang kê khai nộp phí bảo vệ môi trường của sản phẩm khoáng sản kim loại khác là vi phạm Điều 4 Luật Khoáng sản 2010 về nguyên tắc hoạt động khoáng sản.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.