Cán bộ thanh tra, kiểm tra thi cần bám quy chế nhiệm vụ

GD&TĐ - Ngày 10/6 từ điểm cầu Bộ GD&ĐT tại Trường ĐH Mở Hà Nội đã diễn ra “Hội nghị tập huấn nghiệp vụ Đoàn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021”.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại Hội nghị.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng dự và phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu trung tâm.

Cùng dự có 271 cán bộ, công chức của Bộ GD&ĐT và cán bộ, giảng viên cơ sở giáo dục đại học được điều động tham gia các Đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi, chấm thi và phúc khảo bài thi của Bộ GD&ĐT tại 271 điểm cầu.

Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Thực hiện Luật giáo dục và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ việc phân cấp trách nhiệm trong tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT ngày càng rõ nét.

Theo quy định, Kỳ thi tốt nghiệp THPT được phân cấp trách nhiệm toàn diện trên địa bàn cho Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương và sự phối hợp của các sở, ban, ngành, các cấp chính quyền địa phương. Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm toàn diện về Kỳ thi, bảo đảm Kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, khách quan, chất lượng.

Việc phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của Bộ GD&ĐT, UBND cấp tỉnh, Sở GD&ĐT và cơ sở giáo dục đại học trong hoạt động thanh tra/kiểm tra Kỳ thi theo hướng (5 rõ): rõ nhiệm vụ, rõ thẩm quyền, rõ mục tiêu, rõ phương pháp, rõ trách nhiệm; thanh tra, kiểm tra tất cả các khâu của công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT, tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra, đúng pháp luật.

“Hội nghị, tập huấn nghiệp vụ Đoàn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021” sẽ tập trung vào nội dung tập huấn nhiệm vụ trước, trong và sau kỳ thi; những điều kiện chuẩn bị cho kỳ thi và trọng tâm là công tác chấm thi, phúc khảo...

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đánh giá cao sự tham gia của cán bộ, công chức, giảng viên của Bộ GD&ĐT và các cơ sở giáo dục đại học được điều động tham gia các Đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi, chấm thi và phúc khảo bài thi bởi đây là nhiệm vụ khó khăn, diễn ra trong thời gian dài (10 ngày). Song Thứ trưởng cũng khẳng định có khó khăn, vất vả thì cơ sở giáo dục địa phương, Ban chỉ đạo và Lãnh đạo Bộ mới cần đến lực lượng này.

Điểm cầu tập huấn của Bộ GD&ĐT.
Điểm cầu tập  huấn của Bộ GD&ĐT.

Thứ trưởng mong muốn cán bộ, công chức, giảng viên của Bộ và các cơ sở giáo dục Đại học khi về cơ sở, đi các tỉnh làm nhiệm vụ hết sức chia sẻ, cảm thông, tạo điều kiện tối đa để hội đồng thi làm việc đúng quy chế. Cần bám quy chế, nhiệm vụ, làm đúng việc với thái độ thân thiện, đồng nghiệp, đồng chí, mềm dẻo nhưng cương quyết.

Trong quá trình làm nhiệm vụ, những phát ngôn, tranh luận cần đúng đối tượng, vai vế. Cần nắm rõ tranh luận với ai? Giải thích với ai? Yêu cầu ai cung cấp? Yêu cầu ai báo cáo? Yêu cầu ai giải trình? Làm việc phải có văn bản và trên tinh thần chia sẻ, tạo điều kiện.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết đã đọc toàn bộ các báo cáo và kiến nghị của các đoàn thanh tra/kiểm tra tại Kỳ thi tốt nghiệp năm 2020. Qua đây cho thấy, nhiều đoàn có kiến nghị tốt, sắc sảo, trúng và đúng. Đây sẽ trở thành tư liệu quý để Thanh tra Bộ tổng hợp lại và cùng Cục, Vụ chuyên môn bổ sung quy chế, quy định phục vụ tốt cho công  tác quản lý.

Tuy nhiên, cũng có những đoàn thanh tra/kiểm tra, sự phản ánh, đề xuất, kiến nghị còn hạn chế. Bộ mong muốn các đoàn cần kĩ lương, chặt chẽ hơn nữa để công việc tốt hơn.

Thứ trưởng lưu ý, các đoàn năm ngoái đã làm nhiệm vụ thanh, kiểm tra tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT thì năm nay nên sử dụng tối đa cán bộ năm trước vì đây là những người đã quen và thạo việc. Đối với cá nhân, trưởng đoàn đã được đề xuất làm nhiệm vụ và có kiến nghị được Thanh tra Bộ tiếp thu thì tiếp tục phát huy năng lực... Tất cả những điều đó sẽ giúp công tác thanh tra/kiểm tra có tác dụng thực sự.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh: Cán bộ, công chức, giảng viên làm nhiệm vụ cần phát huy tinh thần chia sẻ, hợp tác, khắc phục khó khăn, nhận lấy khó khăn về mình thì khó khăn đến đâu cũng nhẹ nhàng hơn. Nếu chỉ thấy trước mắt là “núi cao, hào sâu...” thì khó càng thêm khó.

Mặt khác, cần coi đây là sứ mệnh, nhiệm vụ, trách nhiệm của bản thân. Thậm chí nhận thức được sống trong thời khắc đáng nhớ của Việt Nam và thế giới trong đại dịch Covid-19 nhưng vẫn hoàn thành nhiệm vụ kép, tổ chức tốt, thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT, làm tốt công tác thanh tra/kiểm tra, an toàn chiến thắng dịch bệnh... - thì mỗi người sẽ thấy thoải mái và chủ động với công việc.

Từ các buổi tập huấn, một số sở GD&ĐT nêu ý kiến không đưa cán bộ, giảng viên cơ sở giáo dục Đại học vùng dịch đến làm nhiệm vụ tại địa bàn. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho rằng đây là yêu cầu xuất phát từ sự lo lắng nhưng không nên quá cực đoan, hoang mang. Song cũng không thể chủ quan trước dịch bệnh, đòi hỏi công tác phòng, chống dịch tại cơ sở địa phương thật tốt; cán bộ, viên chức, giảng viên làm nhiệm vụ phải kiểm tra, xét nghiệm, tiêm phòng... trước thời gian làm nhiệm vụ.

Trả lời thắc mắc, câu hỏi từ các điểm cầu.
Trả lời thắc mắc, câu hỏi  từ các điểm cầu.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng lưu ý cán bộ, viên chức, giảng viên tham gia tập huấn, phương thức tập huấn trực tuyến có nhiều ưu điểm trong thời điểm dịch bệnh song cũng có hạn chế là không thể trao đổi nhanh, nhiều. Mỗi người tham gia tập huấn cần có tinh thần tự giác, chủ động. Hết sức gương mẫu tự giác thực hiện tốt các quy định...

Những cán bộ, viên chức, giảng viên đã tham gia công tác thanh tra/kiểm tra, không nên chủ quan đã hoặc từng tham gia mà thiếu tập trung, không nghiên cứu tài liệu, quy định, điểm mới trong quy chế, lưu ý nghiệp vụ kiểm tra.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng tiếp tục nhấn mạnh: “Đội ngũ tham gia thanh tra/kiểm tra không được nói mình không được tập huấn; Không được nói không hiểu quy chế, quy trình thanh tra; Không thể nói chưa được giải đáp kĩ lưỡng, thấu đáo, chưa nhận tài liệu tập huấn…”. Để làm được điều này, việc tập huấn phải thực hiện nghiêm túc, hiệu quả; các quy trình, nghiệp vụ phải được phổ biến, hướng dẫn chi tiết, rõ ràng đến các cán bộ tham gia thanh tra/kiểm tra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Park chúc mừng tuyển Việt Nam

Thầy Park chúc mừng tuyển Việt Nam

GD&TĐ - Chiến lược gia Hàn Quốc Park Hang-seo ‘gửi gắm’ tương lai vươn tầm châu lục của bóng đá Việt Nam cho đàn em đồng hương Kim Sang-sik.