Lần đầu tiên tự làm vệ tinh trong nước
TS Lê Xuân Huy, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), chia sẻ, NanoDragon (nặng khoảng 4 kg) là sản phẩm của đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, phóng và vận hành thử nghiệm vệ tinh siêu nhỏ cỡ nano” thuộc “Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016 - 2020”. Toàn bộ quá trình nghiên cứu, thiết kế, tích hợp, thử nghiệm chức năng vệ tinh được thực hiện bởi đội ngũ kỹ sư của Việt Nam.
NanoDragon vừa được hoàn thiện và sắp được gửi sang Học viện Công nghệ Kyushu, Nhật Bản để thử nghiệm môi trường (giả lập môi trường phóng và môi trường vũ trụ). Sau khi thử nghiệm xong, vệ tinh sẽ được đưa trở lại Việt Nam để chờ phóng lên vũ trụ bởi tên lửa Epsilon của Nhật Bản.
Trước đó, JAXA thông báo lựa chọn NanoDragon là một trong 15 vệ tinh được phóng lên quỹ đạo vào năm 2021, theo chương trình chùm vệ tinh thử nghiệm công nghệ lần 2 của Nhật Bản.
TS Huy cho biết, NanoDragon dự kiến sẽ hoạt động trên quỹ đạo đồng bộ mặt trời (SSO) ở độ cao khoảng 520 km. Vệ tinh có nhiệm vụ tích hợp một bộ thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy, dùng để theo dõi, giám sát phương tiện trên biển.
Đồng thời, sử dụng một thiết bị chụp ảnh quang học để xác thực chất lượng bộ điều khiển tư thế vệ tinh khi hoạt động trên quỹ đạo. Song song với quá trình phát triển vệ tinh, nhóm kỹ sư của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cũng thiết kế, xây dựng và lắp đặt trạm mặt đất để vận hành vệ tinh sau khi phóng lên vũ trụ.
Việc phát triển NanoDragon tại Việt Nam là bước tiếp theo trong tiến trình làm chủ công nghệ thiết kế và chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát Trái đất. Trước đó, Việt Nam chế tạo thành công vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon (1 kg), đội ngũ 36 cán bộ của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, dưới sự hướng dẫn của các giáo sư người Nhật cũng đã chế tạo thành công vệ tinh Micro Dragon (50 kg). Vệ tinh này sau đó được Nhật Bản phóng miễn phí lên vũ trụ và hoạt động thành công trên quỹ đạo.
PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, vệ tinh NanoDragon đã phát triển hoàn thiện, được tích hợp, thử nghiệm chức năng ở mức hệ thống.
Tức là các thành phần của vệ tinh được kết nối hoàn chỉnh, chuyển sang bước thử nghiệm tổng thể. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, quá trình thử nghiệm được thực hiện bởi một cán bộ Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đang làm nghiên cứu sinh tại trường phối hợp với các cán bộ trong nước thông qua công cụ trực tuyến.
Từng bước làm chủ công nghệ
PGS.TS Phạm Anh Tuấn cho biết, việc phát triển vệ tinh NanoDragon hướng tới mục tiêu làm chủ công nghệ vệ tinh nhỏ, tự thiết kế và chế tạo. Quá trình nghiên cứu, thiết kế, tích hợp, thử nghiệm chức năng vệ tinh hoàn toàn được thực hiện bởi các cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam.
Toàn bộ cấu trúc cơ khí và mạch phân phối nguồn của vệ tinh cũng được tự chế tạo tại Việt Nam. Đây là điều đặc biệt, thể hiện chúng ta đang từng bước làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh bởi những kỹ sư trẻ trong nước.
Theo Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, để làm chủ công nghệ vệ tinh, dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã đặt ra một lộ trình. Theo đó, Việt Nam từng bước làm chủ công nghệ vệ tinh thông qua việc thiết kế, chế tạo từ vệ tinh siêu nhỏ, vệ tinh nhỏ đến những vệ tinh sử dụng công nghệ tiên tiến nhất là công nghệ radar (LOTUSat-1).
PGS.TS Phạm Anh Tuấn cho rằng, ở nước ta, việc làm chủ công nghệ vệ tinh còn có ý nghĩa thực tiễn quan trọng bởi Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu. Hằng năm, Việt Nam đối mặt với nhiều thiên tai như bão, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất. Ước tính thiên tai có thể gây thiệt hại 1,5% GDP, tương đương khoảng 3,2 tỉ USD mỗi năm.
Theo báo cáo của NASA, việc sử dụng dữ liệu vệ tinh có thể giảm tới 5 - 10% tổng thiệt hại do thiên tai gây ra (khoảng 0,05% GDP). Việc làm chủ công nghệ này sẽ giúp Việt Nam chủ động nguồn ảnh, không phụ thuộc vào nước ngoài, nhất là trong các tình huống cấp bách khi thiên tai, thảm họa xảy đến.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, các chuyên gia Nhật Bản đã tính toán, hiện mỗi năm Việt Nam mất khoảng 1,5% GDP về thiên tai, tương đương khoảng 3 tỷ USD. Nếu có ảnh vệ tinh, chúng ta có thể kịp thời báo chính xác bão, lũ, ngập ở đâu. Dù không chống toàn bộ nhưng giảm thiệt hại như sơ tán đúng, cảnh báo đúng… Mỗi năm chỉ cần giảm thiệt hại được 10% đã tương đương 300 triệu USD. Đấy là chưa kể thiệt hại về người…
Theo người đứng đầu VNSC, còn rất nhiều những ứng dụng quan trọng khác mang lại những lợi ích không thể tính cụ thể ra tiền được như phục vụ cho công tác qui hoạch, truy tìm nguồn gốc các vệt dầu loang, các chuyên nhân gây ô nhiễm trên biển, kiểm soát tàu thuyền đi trên biển…
Hình ảnh vệ tinh có thể cho phép chúng ta phát hiện nhanh các tàu thuyền lạ xuất hiện gần và trên vùng biển của Việt Nam, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia.