Đại diện của Sumitomo Forestry phát biểu, dự án sẽ bắt đầu với các thí nghiệm kiểm tra những loại gỗ khác nhau trong môi trường khắc nghiệt.
Một số thành phần chính trong hầu hết các vệ tinh bao gồm: Nhôm, sợi tổng hợp aramid đanh và hợp kim nhôm. Chúng có thể chịu được cả nhiệt độ khắc nghiệt và bức xạ - tất cả đều trong chân không.
Thật không may, những đặc điểm này khiến vệ tinh ở lại quỹ đạo một thời gian dài ngay cả khi chúng không còn hữu dụng. Tình trạng này dẫn đến khối lượng lớn rác vũ trụ quay quanh hành tinh chúng ta.
Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, hiện có khoảng 6.000 vệ tinh quay quanh Trái đất. Tuy nhiên, chỉ 60% trong số đó đang được sử dụng. Một số chuyên gia trong lĩnh vực này dự đoán, gần 1.000 vệ tinh sẽ được phóng lên vũ trụ mỗi năm trong thập kỷ tới.
Điều này cho thấy, nhiều khả năng sẽ có thêm hàng nghìn vệ tinh chết quay quanh Trái đất trong những năm tới.
Rác vũ trụ đặt ra một mối đe dọa lớn đối với các vệ tinh khác, bởi chúng có thể di chuyển hàng nghìn dặm mỗi giờ. Đồng thời, chúng có thể cản trở sứ mệnh không gian. Các nhà khoa học nhất trí rằng, rác vũ trụ đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng. Và, một tin xấu hơn là: Nhôm được sử dụng trong các vệ tinh đã được phát hiện bị vỡ ra, khi vệ tinh trở lại Trái đất.
Tình trạng này gây ra hàng trăm hoặc hàng nghìn hạt alumin nhỏ trôi nổi trên bầu khí quyển trong nhiều năm, có thể gây ra vấn đề môi trường. Vì tất cả những lý do đó, các nhà nghiên cứu với dự án mới này đang tìm cách thay thế các vật liệu bằng gỗ.
Lợi ích chính của vệ tinh làm từ gỗ là chúng sẽ cháy hoàn toàn khi trở về Trái đất. Ngoài ra, một thuận lợi khác của việc sử dụng gỗ để tạo ra lớp vỏ bên ngoài của vệ tinh là, sóng điện từ sẽ truyền ngay qua nó.
Điều này đồng nghĩa rằng, các ăng-ten có thể được đặt bên trong những cấu trúc vệ tinh, khiến chúng dễ được thiết kế và triển khai hơn. Các nhà nghiên cứu hiện lên kế hoạch tìm kiếm loại gỗ thích hợp. Sau đó, họ sẽ tiến hành các thí nghiệm để xem những loại gỗ đó có thể chống chọi với điều kiện không gian không. Các nhà nghiên cứu lên kế hoạch đưa ra sản phẩm thử nghiệm vào năm 2023.