NASA chế tạo vệ tinh săn bão thế hệ mới

Các vệ tinh siêu nhỏ thế hệ mới có nhiệm vụ quan sát bão của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) hiện đang được lắp ráp.

NASA chế tạo vệ tinh săn bão thế hệ mới
VNE-Construction-of-next-gen-h-2973-4523

Một vệ tinh thuộc hệ thống CYGNSS. Ảnh: NASA.

Những cơn bão thường bất ngờ thay đổi hướng đi và cường độ. Một cơn bão nhẹ hướng ra biển có thể nhanh chóng tăng thêm sức mạnh và quay vào đất liền. Các hệ thống giám sát bão qua vệ tinh hiện nay chỉ có thể xem xét những cơn bão như vậy một cách định kỳ, dẫn tới nhiều kết quả ngoài dự đoán.

Hệ thống vệ tinh định vị bão toàn cầu (CYGNSS) của NASA bao gồm 8 vệ tinh siêu nhỏ với mục tiêu nâng cao chất lượng dự báo bão. CYGNSS sẽ áp dụng lần đầu tiên kết quả đo gió trên bề mặt đại dương ở vùng gần tâm các cơn lốc xoáy, vòi rồng và bão to trong suốt vòng đời của chúng, từ đó đưa ra dự đoán tốt hơn về cường độ, hướng đi và mực nước biển dâng cao do bão gây ra.

Quá trình lắp ráp vệ tinh CYGNSS đầu tiên bắt đầu hôm 14/8 tại Viện nghiên cứu Southwest ở San Antonio, Texas, dưới sự chỉ đạo của Đại học Michigan, nơi cung cấp thiết kế vệ tinh cũng như quy trình xử lý dữ liệu.

VNE-Construction-of-next-gen-h-9858-9315

Các kỹ sư bắt đầu lắp ráp vệ tinh đầu tiên thuộc hệ thống CYGNSS tại Viện nghiên cứu Southwest ở Texas, Mỹ. Ảnh: NASA.

Mỗi vệ tinh siêu nhỏ nặng 29 kg, có kích thước 51 x 64 x 28 cm, bằng một chiếc vali xách tay. Chúng hoạt động nhờ năng lượng mặt trời và khi mở rộng, các tấm pin dài 1,6 m. NASA dự kiến sẽ hoàn thiện 7 trên 8 vệ tinh trong vài tuần nữa.

Cụm vệ tinh CYGNSS sẽ được triển khai trên quỹ đạo bay thấp quanh Trái Đất. Mỗi vệ tinh đi qua một khu vực đánh dấu trong thời gian cách nhau 12 phút. Chúng sử dụng tín hiệu trực tiếp và tín hiệu khúc xạ từ vệ tinh GPS để xây dựng ước tính về tốc độ gió trên bề mặt đại dương trong vùng mắt bão.

Khác với vệ tinh thông thường truyền dữ liệu sức gió về cơ quan nghiên cứu vài ngày một lần, các vệ tinh CYGNSS đi qua khu vực nhiệt đới cách vài tiếng mỗi lần. Điều này cho phép việc giám sát các cơn bão diễn ra gần như liên tục, nhờ đó những thay đổi đột ngột trong hướng đi và cường độ được cập nhật ngay lập tức.

CYGNSS sẽ bước vào thử nghiệm đầu năm sau trước khi được phóng vào quỹ đạo trên tên lửa Orbital ATK Pegasus XL từ Trạm không quân Mũi Canaveral ở Florida, Mỹ. NASA hy vọng hệ thống mới có thể hoạt động vào mùa mưa bão trên biển Đại Tây Dương trong năm 2017.

Theo vnexpress.net

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hoa sở nở rộ tạo ra những 'bức tường hoa' giữa núi rừng Bình Liêu.

Hoa sở phủ trắng núi rừng Bình Liêu

GD&TĐ - Khi mùa Đông đến cũng là lúc loài hoa sở mộc mạc, thanh khiết trên đỉnh núi cao huyện miền núi Bình Liêu (Quảng Ninh) bắt đầu nở rộ.