Tùy theo yêu cầu của mỗi địa phương mà mức độ và thời gian cách ly cũng khác nhau. Ví dụ như Hải Phòng yêu cầu cách ly 14 - 21 ngày đối với những người từ vùng dịch, cụ thể đến từng quận, huyện của các tỉnh, thành phố có dịch; còn Thừa Thiên - Huế thì cách ly bắt buộc đối với số người về từ vùng dịch đến 21 ngày.
Buôn Mê Thuột cũng ra văn bản tương tự nhưng không gian yêu cầu được mở rộng hơn, bao gồm cả TPHCM nữa. Tóm lại là, những người từ các vùng dịch hoặc các địa phương có dịch đều phải cách ly tại nhà 21 ngày, bất luận họ thuộc F mấy, thậm chí không liên quan gì đến những ca dương tính đã được phát hiện trước đó.
Yêu cầu của 7 địa phương nói trên khác nào gián tiếp gửi đến những người chuẩn bị về quê ăn Tết câu này: “Thôi, quý vị đừng về nữa, vì sẽ gây khó cho chúng tôi!”. Bởi những người lao động tự do còn có thể chủ động thời gian để quay lại nơi họ đã làm việc sau dịp Tết. Còn đa số người làm trong các cơ quan Nhà nước, các công ty, xí nghiệp, nhà máy và học sinh, sinh viên thì chỉ có 7 ngày nghỉ mà phải cách ly những 21 ngày, vừa không biết Tết vừa không thể quay trở lại đúng lịch sau Tết.
Một câu hỏi đặt ra cho những người xa quê, có ý định về quê ăn Tết lúc này là “về hay ở lại?”. Về quê ăn Tết đối với người Việt không chỉ đơn thuần là được “xả hơi” 7 ngày sau một năm lao động vất vả mà mang một ý nghĩa thiêng liêng hơn: Được đoàn tụ với gia đình, họ hàng, thăm viếng xóm làng - nơi chôn nhau cắt rốn của mỗi người. Nhưng giờ ra những văn bản quy định như vậy thì cuộc trở về có ý nghĩa gì khi bị “giam lỏng” tại nhà?
Đã có hàng chục nghìn người chọn cách ở lại và trả lại vé tàu, vé xe, vé máy bay đã mua từ nửa năm trước, dù để lấy lại 70% số tiền đã ứng cho nhà tàu, nhà xe và hàng không là vô cùng nhiêu khê. Một số địa phương ở phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương và TPHCM đã khuyến khích công nhân ở các khu công nghiệp nên ở lại ăn Tết tại chỗ và chính quyền cùng công đoàn ở những nơi đó đã có chế độ hỗ trợ để công nhân ăn một cái Tết tươm tất.
Tuy nhiên, cũng có hàng chục nghìn người vẫn kiên quyết về, bất chấp những quy định ngặt nghèo nói trên và khuyến cáo từ Ban phòng chống dịch. Điều đó có nghĩa, một số người sẽ tìm đủ mọi cách để “né” sự kiểm tra, kiểm soát của chính quyền địa phương và Ban phòng chống dịch ở các cơ sở. Mối nguy hiểm từ những người này rất cao nếu như họ đang mang mầm bệnh SARS-CoV-2.
Dịch dã là điều không ai mong muốn. Về quê ăn Tết là điều mà ai cũng muốn. Giải quyết sao đó để có sự hài hòa là điều mà các địa phương nên cân nhắc, áp dụng để những người không bị ảnh hưởng gì đến dịch có một cái Tết yên vui bên gia đình, đồng thời những người thuộc diện có nguy cơ cao lây nhiễm cũng nên ý thức về chuyện về hay ở của mình. Đừng vì một cái Tết mà khiến cho cả khu phố, cả thành phố, thậm chí cả nước phải lao đao.