Trận tuần 2 tháng 3 quý I Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 22 (phát sóng chiều 5/12) với bốn nhà leo núi: Vũ Đăng Tuấn (THPT Cầu Giấy, Hà Nội), Phạm Tiến Huy (THPT Nguyễn Du, Thái Bình), Đỗ Trọng Thái Dương (THPT Sơn Tây, Hà Nội) và Chu Văn An (THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An).
Bên cạnh những thành tích đáng nể trong học tập, các thí sinh còn sở hữu những khả năng đặc biệt mà không phải ai cũng có được. Nếu Đăng Tuấn đạt được nhiều giải thưởng lớn với bộ môn cờ tướng, thì Thái Dương cũng được nể phục bởi khả năng chơi cờ vua "không có đối thủ".
Tuy nhiên, chàng trai gây ấn tượng nhất là Phạm Tiến Huy với khả năng bẻ khớp ngón tay vô cùng linh hoạt. Không những thế, Huy còn được bạn bè gọi là "ông hoàng văn vở" theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Phần thi Khởi động, Thái Dương là người xuất sắc nhất khi trả lời đúng nhiều câu hỏi và vươn lên dẫn đầu với 120 điểm. Tiến Huy và Văn An cùng được 60 điểm, Đăng Tuấn 10 điểm.
Phần thi Vượt chướng ngại vật có từ khóa gồm 9 chữ cái. Hàng ngang đầu tiên được lựa chọn có câu hỏi: "Ngô Quyền đã dựa trên hiện tượng thiên nhiên nào để làm nên chiến thắng Bạch Đằng năm 938?" Các thí sinh đều ghi điểm với đáp án "Thủy triều". Tiếp đó, Văn An đã nhấn chuông trả lời từ khóa vượt chướng ngại vật là "Lực hấp dẫn" để có thêm 80 điểm và vươn lên dẫn đầu.
Phần thi Tăng tốc, Tiến Huy là người xuất sắc nhất khi giành thêm 100 điểm sau khi trả lời đúng 3/4 câu hỏi. Văn An cũng giành thêm 80 điểm sau khi trả lời đúng 3/4 câu. Kết thúc phần thi này, Văn An vẫn tiếp tục dẫn đầu với 240 điểm; tiếp theo là Thái Dương 200 điểm, Tiến Huy 170 điểm và Đăng Tuấn 80 điểm.
Phần thi Tăng tốc của các thí sinh.
Phần thi Về đích, Văn An là người đầu tiên đã lựa chọn hai câu hỏi có giá trị 20 điểm và chọn Ngôi sao hy vọng cho câu thứ hai. Trong câu hỏi đầu tiên, Tiến Huy đã giành được điểm lên thành 190. Câu hỏi thứ hai Văn An cũng không đủ thời gian để hoàn thành yêu cầu câu hỏi thực hành và về chỗ với 190 điểm.
Thái Dương lựa chọn hai câu hỏi có giá trị 20 điểm và có điểm trong câu đầu tiên với đáp án "Chùa Hương". Câu thứ hai là thí nghiệm hóa học đối với cồn, Dương không có câu trả lời và để Tiến Huy ghi điểm lên thành 210. Thái Dương về chỗ với 200 điểm.
Tiến Huy bước vào phần thi với lợi thế 210 điểm, lựa chọn hai câu hỏi có giá trị 20 điểm. Câu hỏi đầu tiên "Ở các công trình xây dựng, các thanh sắt có độ dài thích hợp thường được ghép với nhau tạo thành các tam giác. Việc làm này dựa trên tính chất toán học nào của một tam giác?" Tiến Huy, rồi Văn An đều không ghi được điểm.
Đối với câu hỏi thứ hai "Tại sao người ta gọi nhân Trái đất là Nife?", Tiến Huy đã nhanh chóng đưa ra đáp án chính xác, nhân Trái đất được cấu tạo bởi hai nguyên tố Niken và sắt nên được gọi là Nife. Tiến Huy về chỗ với 230 điểm.
Đăng Tuấn lựa chọn hai câu hỏi có giá trị 40 điểm. Câu hỏi đầu tiên "Sự ăn mòn kim loại là quá trình vật lý hay hóa học? Vì sao?" Đăng Tuấn, rồi Văn An đều không thể ghi điểm dù có cơ hội trả lời. Câu thứ hai về nội dung tiếng Anh, Văn An tiếp tục nhấn chuông trả lời và ghi được điểm. Đăng Tuấn về chỗ với 40 điểm.
Kết quả chung cuộc, Phạm Tiến Huy giành vòng nguyệt quế với 230 điểm để lọt vào trận thị tháng. Cùng xếp vị trí thứ hai với 200 điểm là Đỗ Trọng Thái Dương và Chu Văn An. Vũ Đăng Tuấn xếp vị trí thứ ba với 40 điểm.