Nhiều SV vượt khó đi làm thêm |
(GD&TĐ) - Trong các quán cà phê, tiệm cơm và cả nhà hàng ngoài lực lượng “nhân viên sở tại” còn có một “đội quân” chạy bàn, tiếp tân là những sinh viên đi làm thêm mà đôi khi thực khách không hề hay biết.
Những mảnh đời làm thêm
Biết bố mẹ có hoàn cảnh khó khăn nên “cặp bài trùng” Phạm Văn H. và Nguyễn Ngọc K. (quê ở Thọ Xuân, Thanh Hóa) là SV năm thứ 2 Trường ĐH Thủy Lợi (cơ sở 2 ở Bình Dương) đi làm thêm để kiếm đồng ra đồng vào. Không người quen, lại thiếu “kỹ năng bỏ túi” cả 2 chỉ biết gia nhập vào “đội quân” phục vụ tiệc cưới.
Ngày ra trận đầu tiên “đôi bạn cùng tiến” thật sự hào hứng vì ngoài bữa cơm được bao cuối tiệc chủ nhà còn nhét vào mỗi túi “bạch diện thư sinh” 200.000 đồng.
Tuy nhiên suốt đêm hôm đó cả 2 thấy mình như đang bị đẩy xuống địa ngục vì toàn bộ cơ thể rã rời và đôi chân mỏi nhừ sau một ngày lao động quá sức. Nhưng cũng bắt đầu từ “cột mốc” nhớ đời đó mà những SV làm thêm như H. và K. đã có thêm kinh nghiệm để lăn lộn một cách dẻo dai hơn trong hành trình đi tìm giá trị đích thực của đồng tiền do chính đôi tay mình làm ra.
Cứ đúng 4 giờ chiều là La Lễ Hữu - SV một trường trung cấp ở quận 4 lại có mặt ở quán cà phê Điểm Hẹn trên đường Hoàng Diệu để đi làm thêm. Công việc của Hữu là bưng cà phê, nước giải khát ra cho khách và sau đó ra “biu” thanh toán tiền. Khách ra vào thường xuyên đã quen mặt Hữu nhưng phần nhiều vẫn chưa biết người thanh niên này đang trong hoàn cảnh “song kiếm hợp bích”.
Gia đình chỉ có mẹ già nên ngay từ khi bước chân vào học lớp 10, em đã quyết tâm biến “giấc mơ” đi làm thêm thành hiện thực để cuộc sống mưu sinh dễ thở hơn. Được người họ hàng “mai mối” Hữu tìm đến quán cà phê Điểm Hẹn đặt thẳng vấn đề.
Tuy hơi nhỏ con nhưng Hữu có khuôn mặt trắng trẻo, dáng thư sinh và bộ dạng hiền từ nên sau một hồi “phỏng vấn” chủ quán cà phê gật đầu luôn. Thế là từ đó Hữu bước chân vào thế giới “làm thêm” đầy cung bậc “hỉ nộ ái ố”.
Nhà ở cách quán khoảng 2 cây số nhưng thời gian đầu Hữu hay đi làm trễ nên thường phải hứng chịu những lời cằn nhằn, quạu cọ của bà chủ quán: “Hồi đó em đi học văn hóa buổi tối nên còn có thời gian đi làm ca ngày, thế nhưng do đêm thức khuya để học bài nên sáng nào cũng ngủ quên vì mệt mỏi” – Hữu phân bua.
Chỉ đến lúc thấy mắng vốn không có xi - nhê gì cả, chủ quán dọa cho nghỉ việc Hữu mới bắt đầu chịu “thức tỉnh”. Dù không bao giờ bị đánh nhưng Hữu rất sợ cái nhìn bằng “đôi mắt hình viên đạn” của chủ quán khi cậu ta sơ ý làm đổ nước hay để cho ly, tách rơi vỡ.
Được và mất
Đây cũng là tiêu chí chung của các nhà hàng sang trọng khác trên địa bàn TPHCM. Theo M. những ai có “vận may” mới được lọt vào những hot pot restaurant như nhà hàng Z. để đi làm thêm vì tiền lương rất xứng đáng.
Do tính cạnh tranh rõ ràng nên những ai làm việc tốt còn được có thêm tiền thưởng. Riêng khoản tiền “boa” của thực khách thì hầu như lúc nào cũng rủng rỉnh trong túi. Nhưng điều quan trọng hơn đối với M. là có thêm những bài học lớn với đời về kỹ năng làm việc và kinh nghiệm giao dịch.
Tuy nhiên cái gì cũng có giá của nó. Để có toàn bộ thao tác và cung cách phục vụ đúng chuẩn trước khi vào nghề, M. phải trải qua một lớp đào tạo trong một tuần lễ liền. Không chỉ học qua kinh nghiệm mà những “tân binh” như M. còn phải học thêm lý thuyết bằng giáo án chi tiết của một số chuyên gia ẩm thực và du lịch trong nhà hàng. Toàn bộ học phí khóa học đều do ứng viên tự bỏ ra chứ không hề có ai được miễn phí hoàn toàn. Chính đây là “cửa ải” lớn nhất mà một số SV như K. và H. đã từng không vượt qua được.
Là người trong cuộc nên hầu hết SV đều thừa biết một “chân lý”, đi làm thêm là phải chấp nhận mất đi một quỹ thời gian không nhỏ cho việc học tập. Vì lý do đó mà đến năm thứ ba H. và K. đã bắt đầu nói “không” với việc bưng bê trong các tiệc cưới ở nhà hàng để dồn sức cho việc học tín chỉ và làm đồ án tốt nghiệp ngay từ học kỳ 2 của năm thứ 4.
Vì chuyện học hành mà La Lễ H. cùng đã từ chối mức lương 1,2 triệu đồng cho ca làm ngày từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều để nhận ca tối dù tiền thù lao chỉ bằng 2/3 trước đây. Cũng vì quá đam mê với công việc mà việc học hành của M. và N. đã không được “thuận buồm xuôi gió” như trước đây. Bên cạnh đồng tiền, công việc làm thêm đã trở thành kẻ ăn chặn thời gian và đôi khi cả nhân cách của các bạn SV chịu “vào đời” sớm.
Nguyễn Hoàng Anh