Vàng, "vịnh tránh bão" hay đầm lầy?

Vàng, "vịnh tránh bão" hay đầm lầy?

(GD&TĐ) - Với người Việt Nam, vàng là một tài sản lớn luôn được cất giữ. Khi nền kinh tế thị trường sôi nổi, giao dịch vàng cũng sôi động lên. Nhất là khi giá vàng VN lên xuống theo giá vàng thế giới thì vàng không  chỉ đóng vai trò “hầm trú ẩn” mà đã là một kênh đầu tư đầy hấp dẫn. Nhưng thắng nhiều mà thua cũng lớn, từ đó mới có chuyện người yêu vàng nhiều mà người sợ vàng cũng nhiều.

Dự đoán của các chuyên gia

Về vấn đề này, các chuyên gia kinh tế cũng có ý kiến trái chiều nhau. Với chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Chí Hiếu, dù dự đoán 2013 là năm kênh đầu tư vàng sẽ không quá hấp dẫn các nhà đầu tư như những năm trước, thì nếu người dân, các nhà đầu tư muốn coi vàng là tài sản tiết kiệm, lưu trữ với thời gian dài, không phải "lướt sóng” nhanh thì đây là kênh đầu tư khá yên tâm. Ông Hiếu nhấn mạnh, “từ trước đến nay, vàng vẫn luôn là nơi trú ẩn an toàn hơn cả”.

Ngược lại, không ít chuyên gia đã đưa ra khuyến cáo: nếu đầu tư theo hình thức "ăn nhanh”, lướt sóng thì đây lại là kênh khá mạo hiểm. Ông Trần Quốc Quýnh, chuyên gia cao cấp Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam khuyên rằng, nếu đầu tư vàng theo hình thức lướt sóng thì phải rất thận trọng bởi ngoài rủi ro từ biến động giá vàng thế giới thì những rủi ro từ chính sách trong nước luôn tiềm ẩn. Bởi vì, theo ông Quýnh, năm 2013 là năm Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp khá quyết liệt vào thị trường này với mục tiêu đưa giá vàng trong nước về sát giá vàng thế giới, và như vậy, nếu nôn nóng, nhà đầu tư sẽ bị thiệt hại.

Không ít lần xuất hiện cảnh người dân chen lấn trước các cửa hàng vàng
Không ít lần xuất hiện cảnh người dân chen lấn trước các cửa hàng vàng

Trong suốt một thời gian dài, giá vàng trong nước luôn tăng cao, tại nhiều thời điểm còn chênh so với giá vàng thế giới tới 5 triệu đồng/lượng. Đây là hiện tượng không bình thường, hay nói đúng hơn là bất bình thường vì giá tại thị trường VN đã liên thông với thế giới ở rất nhiều lĩnh vực. Thông tin giá cả thị trường thế giới liên tục được cập nhật vào thị trường VN, không chỉ theo ngày mà theo giờ. Cuối mỗi buổi chiều, khi “chốt” giá, người ta lập tức tìm kiếm thêm các nguồn thông tin khác để xác định giá mua/bán cho ngay sáng ngày hôm sau. Thế nhưng, sự bất bình thường ấy vẫn tồn tại với thị trường vàng trong nước. Với tình thế đó, các chủ tiệm vàng hầu như không đưa ra một bình luận, một nhận xét, một khuyến cáo nào. Sự im lặng của họ ngầm nói lên rất nhiều điều, trong đó có một điều chắc chắn là người kinh doanh vàng đang thắng lớn. 

Vàng nào là xịn?

Nhằm ổn định thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt quan trọng là việc cho phép tạm xuất, tái nhập vàng để giúp tăng nguồn cung vàng SJC cho thị trường vàng. Cho tới hết tháng 3-2013, sẽ còn 9 tấn vàng nữa sẽ được chuyển đổi sang vàng SJC theo hình thức này. Ngay sau khi quyết định táo bạo này được đưa ra, giới chuyên gia thống nhất cho rằng dù vẫn ẩn chứa rủi ro nhưng đây là giải pháp cần thiết để thị trường vàng được ổn định hơn.

Theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước, lô hàng thí điểm đầu tiên thực hiện bởi Ngân hàng Đông Á với 100 kg vàng nguyên liệu được xuất đi và nhập về 100 kg vàng chuẩn quốc tế. Việc này đã hoàn tất ngay trong một ngày. Số vàng mới nhập về sẽ được dập ra vàng miếng SJC để trả lại cho người dân. Tiếp đó, có nhiều tổ chức tín dụng khác cũng sẽ được cấp phép để xuất khẩu hết số lượng vàng phi SJC, để nhập về loại vàng nguyên liệu tiêu chuẩn quốc tế. Cần lưu ý, trước đó, gần 10 tấn vàng phi SJC đã được kiểm định trong nước và chuyển đổi thành vàng thương hiệu SJC. Việc này giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi vàng phi SJC sang vàng SJC, tạo nguồn cung cho thị trường vàng trong nước. Việc tạm xuất tái nhập tuy đắt hơn so với tự kiểm định và dập đúc trong nước nhưng sẽ nhanh hơn. Bởi trung bình mỗi ngày SJC kiểm định và dập đúc khoảng 60 kg vàng, trong khi nhu cầu của toàn thị trường lên đến hàng tấn.

Ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI: Trong nửa năm đầu 2013 vẫn chưa thay đổi được tâm lý tích trữ vàng của người dân có từ hàng trăm năm nay. Nhà nước muốn giảm vàng hóa, để người dân không giữ và “yêu” vàng nữa thì phải cần một quá trình, phụ thuộc vào chấn hưng nền kinh tế, sức khỏe của đồng nội tệ. 

Minh Giang

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.