Văn hóa ứng xử trong trường học: Cần bảo mật dữ liệu cá nhân

GD&TĐ - Việc một số trường đại học đăng công khai danh sách gồm họ tên, quê quán của sinh viên chậm nộp học phí lên mạng gây nhiều tranh cãi...

Tất cả thông tin, hình ảnh của người học đều là dữ liệu cá nhân cần được bảo vệ. Ảnh minh họa: Đình Tuệ
Tất cả thông tin, hình ảnh của người học đều là dữ liệu cá nhân cần được bảo vệ. Ảnh minh họa: Đình Tuệ

Không được ảnh hưởng tới quyền bảo vệ thông tin người học

Ngày 17/4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Điều này nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền dữ liệu cá nhân; ngăn chặn các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức.

TS Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cho rằng, việc công khai những sinh viên nợ học phí, bị kỷ luật… trong đó có thông tin liên quan bí mật cá nhân của người học lên mạng tại các cơ sở giáo dục đại học là hành vi thiếu nhân văn. Điều này không chỉ xâm phạm đến quyền riêng tư của người học còn ảnh hưởng đến tâm lý. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường kiểm tra, giám sát để ngăn ngừa tình trạng này.

Các trường hoàn toàn có thể gửi danh sách để sinh viên biết sao cho không ảnh hưởng tới quyền bảo vệ thông tin người học. Ai cố tình đưa thông tin cá nhân của sinh viên lên mạng hay website nhà trường đều phải xử lý nghiêm. Cùng đó, thầy cô phải tìm hiểu xem nguyên nhân chậm nộp học phí là gì. Nếu do các em ăn chơi lêu lổng thì phải có biện pháp xử lý; nếu do gia đình khó khăn, ốm đau cần hỗ trợ kịp thời.

“Đơn vị nào đăng công khai danh tính, thông tin cá nhân của sinh viên lên mạng là vi phạm về bảo vệ quyền dữ liệu cá nhân được Chính phủ quy định tại Nghị định 13/2023/NĐ-CP. Việc này vô hình chung tạo ức chế cho người học, mâu thuẫn xã hội không tốt và thể hiện một nền giáo dục thiếu tính nhân văn. Thực tế có một trường trung cấp từng ra quyết định đình chỉ học với sinh viên vì không đóng học phí đúng hạn, tôi đã phải can thiệp và yêu cầu nhà trường tìm hiểu kỹ nguyên nhân, tạo điều kiện cho em tiếp tục học”, TS Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh.

Dưới góc độ cá nhân, TS Đặng Văn Sơn - công tác tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) nêu quan điểm, các thông tin như điểm số, học phí của sinh viên đều thuộc về cá nhân cần được bảo mật. Sinh viên nợ học phí thường không được thi và trả bằng tốt nghiệp nên nhà trường hoàn toàn nắm quyền chủ động trong việc này. Các thông tin về điểm số, nợ học phí, nhà trường chỉ được phép thông báo tới cá nhân người đó, không được phép dán hoặc đăng công khai trên trang web của trường.

“Tôi cho rằng, chúng ta cần lên tiếng để thay đổi cách làm này, với các trường lớn thì hệ thống thông báo đều tự động hóa nên ít có trường hợp dán bảng điểm hay nợ học phí của sinh viên. Ngoài đáp ứng yếu tố bảo mật còn mang tính nhân văn. Bởi trong số những sinh viên nợ học phí có thể nhiều em hoàn cảnh éo le hoặc trường hợp đặc biệt, đột xuất mà nhà trường chưa tìm hiểu kỹ và không biết”, TS Đặng Văn Sơn trao đổi thêm.

TS Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT. Ảnh: NVCC

TS Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT. Ảnh: NVCC

“Lạt mềm buộc chặt”

Nhìn nhận vấn đề này dưới góc độ pháp lý, luật sư Giang Hồng Thanh - Trưởng Văn phòng Luật sư Giang Thanh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho hay, Nghị định 13/2023/NĐ-CP của Chính phủ đã nêu rõ về dữ liệu cá nhân của công dân. Theo đó, dữ liệu cá nhân cơ bản bao gồm: Họ, chữ đệm và tên khai sinh, tên gọi khác (nếu có); ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi sinh, nơi đăng ký khai sinh, nơi thường trú, nơi tạm trú, nơi ở hiện tại, quê quán, địa chỉ liên hệ; quốc tịch; hình ảnh của cá nhân; số điện thoại, số chứng minh nhân dân, số định danh cá nhân, số hộ chiếu, số giấy phép lái xe, biển số xe, mã số thuế, số bảo hiểm xã hội, số thẻ bảo hiểm y tế;

Dữ liệu cá nhân cũng bao gồm cả tình trạng hôn nhân; thông tin về mối quan hệ gia đình (cha mẹ, con cái); thông tin về tài khoản số của cá nhân; dữ liệu cá nhân phản ánh hoạt động, lịch sử hoạt động trên không gian mạng; các thông tin khác gắn liền với một con người cụ thể hoặc giúp xác định một con người cụ thể… Mỗi công dân đều có quyền được bảo vệ dữ liệu này.

Công khai danh tính sinh viên chậm nộp học phí là không nên vì sẽ phần nào ảnh hưởng tới danh dự người học. TS Nguyễn Thái Hà – Trưởng khoa Luật, Học viện Ngân hàng nhìn nhận và cho rằng: Mỗi trường đều có công cụ khác nhau để thông tin tới sinh viên về vấn đề nộp học phí, không nhất thiết phải đưa họ tên lên mạng hay dán ở bảng tin của trường. Học viện Ngân hàng hiện không áp dụng việc đưa danh tính sinh viên thiếu học phí lên mạng.

“Khi sinh viên chưa nộp học phí, nhà trường có thể hủy bỏ học phần. Không có học phần đó, sinh viên sẽ không có điểm và sẽ không tốt nghiệp được đúng thời hạn. Ngoài ra, mỗi em khi nhập học đều có tài khoản cá nhân để tiếp nhận thông tin từ nhà trường. Khi muốn nhắc sinh viên về việc chậm nộp học phí, nhà trường chuyển thông tin đó tới tài khoản cá nhân. Việc này vừa đảm bảo tính chuyên nghiệp mà không gây ra tranh cãi so với đưa danh tính các em lên mạng”, TS Nguyễn Thái Hà thông tin.

Điều 8 của Nghị định 13/2023/NĐ-CP quy định về các hành vi bị nghiêm cấm như: Xử lý dữ liệu cá nhân trái với quy định của pháp luật; xử lý dữ liệu cá nhân để tạo ra thông tin, dữ liệu nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xử lý dữ liệu cá nhân để tạo ra thông tin, dữ liệu gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; cản trở hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân của cơ quan có thẩm quyền. Lợi dụng hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân để vi phạm pháp luật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ