Các chuyên gia, nhà giáo bày tỏ quan điểm trước việc một số trường đại học đăng công khai trên mạng danh sách sinh viên nợ học phí với nhiều thông tin cá nhân chi tiết; từ đó đề xuất giải pháp. Trong đó, có ý kiến cho rằng khắc phục tình trạng này phải xuất phát từ hai phía: Nhà trường và người học.
TS Nguyễn Văn Cường - ĐH Potsdam CHLB Đức: Chuyện nhỏ - hệ quả lớn
TS Nguyễn Văn Cường. |
Một số trường đại học công bố danh sách sinh viên nợ học phí với các thông tin cá nhân lên trang web, dù chỉ là một giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sinh viên, nhưng hệ quả của nó có thể không hề nhỏ; nếu không được giải quyết thấu đáo có thể dẫn đến hệ lụy tiêu cực.
Vấn đề này được nhìn nhận như trường hợp điển hình trong một phạm trù lớn hơn, cần được thảo luận khi kỹ thuật - công nghệ phát triển, được ứng dụng mạnh mẽ. Đó là đánh giá kỹ thuật - công nghệ và đạo đức kỹ thuật - công nghệ, thuộc phạm trù triết học kỹ thuật - công nghệ (sau đây gọi là triết học kỹ thuật).
Triết học kỹ thuật quan tâm đến những câu hỏi nền tảng của kỹ thuật và công nghệ, bao gồm ý nghĩa của kỹ thuật - công nghệ; mối quan hệ tương tác của nó với con người, môi trường và xã hội. Kỹ thuật và công nghệ mang lại nhiều lợi ích, làm thay đổi nền văn minh loài người; mặt khác lại gây ra những hệ quả tiêu cực, thậm chí nguy hiểm cho con người, môi trường, xã hội.
Vì vậy, khi phát triển hay áp dụng các sản phẩm cũng như giải pháp kỹ thuật - công nghệ, bên cạnh đánh giá công dụng, lợi ích kinh tế, cần tính tới hệ quả của chúng đối với con người, môi trường, xã hội. Đó là cơ sở để cân nhắc dưới góc độ đạo đức kỹ thuật - công nghệ là có nên sản xuất hay áp dụng giải pháp đó hay không.
Ví dụ, việc công khai trên mạng danh sách sinh viên nợ học phí dù tiện lợi cho công tác quản lý của nhà trường, nhưng hệ quả với sinh viên có thể không hề nhỏ. Cách làm này gây tổn thương tâm lý. Sinh viên nợ học phí hầu hết do hoàn cảnh gia đình khó khăn, cần được cảm thông, nhắc nhở hay trợ giúp một cách nhân văn hơn.
Mặt khác, việc công khai thông tin cá nhân có thể gây nguy hiểm cho các em. Ai có thể đảm bảo những sinh viên này không bị kẻ xấu lợi dụng thế yếu của họ để dụ dỗ, cưỡng ép vào những hoạt động tệ nạn xã hội, hay hành vi phạm pháp?
Dữ liệu cá nhân là vấn đề liên quan chặt chẽ đến quyền con người. Tại Việt Nam, Nghị định 13/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ 1/7/2023 là văn bản pháp lý cần tuân thủ. Chắc chắn, việc bảo vệ dữ liệu thông tin cá nhân sẽ sớm được luật hóa ở Việt Nam.
Mong rằng trường đại học nào đang treo danh sách sinh viên nợ học phí trên trang mạng, sẽ có quyết định sớm nhất gỡ những thông tin đầy nguy hiểm này. Có nhiều giải pháp thay thế mà không cần đưa danh sách lên trang web. Việc đòi nợ sinh viên qua mạng cũng không phù hợp với triết lý giáo dục tiến bộ như giáo dục khai phóng, lấy người học làm trung tâm mà các trường đang theo đuổi.
Giảng viên Nguyễn Minh Diễm Quỳnh - Trường ĐH An Giang: Tôn trọng, giữ gìn và phát huy nền tảng triết lý
Giảng viên Nguyễn Minh Diễm Quỳnh. |
Khi các trường đại học tự chủ thì học phí giữ vai trò quan trọng trong quá trình vận hành và phát triển. Tuy nhiên, vướng mắc ở hầu hết trường đại học là lộ trình tăng học phí và số tiền học phí mà sinh viên còn nợ - đang tỷ lệ nghịch theo cấp số nhân.
Trên bình diện chung nhất, mỗi cá nhân cần thấu hiểu trách nhiệm sẽ phải thực hiện từ ở hai phía, cả nhà trường và người học để nhìn nhận vấn đề một cách khách quan. Song, trước thực trạng sinh viên nợ học phí gia tăng thì “việc xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và người được giao làm công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân” là một trong những nội dung quản lý Nhà nước cần được đảm bảo theo Nghị định số 13/2013/ NĐ-CP. Đây là yêu cầu có giá trị thực tiễn về hành lang pháp lý này nhằm thực thi quyền của chủ thể dữ liệu trong kỷ nguyên số.
Tôi cho rằng, giáo dục theo phương thức truyền thống hay thời đại công nghệ số thì nền tảng triết lý vẫn cần được tôn trọng, giữ gìn và phát huy. Hơn nữa, trước bối cảnh chính trị, kinh tế và xã hội có nhiều biến động đã và đang tạo áp lực đối với đời sống kinh tế của từng hộ gia đình có con em trong độ tuổi đến trường, nhất là sinh viên phải sống xa nhà.
Vì thế, yếu tố tinh thần giữ vai trò chi phối, tạo động lực cho người học vững tin vào môi trường mô phạm là yêu cầu tất yếu. Mối quan hệ giữa nhà trường và người học cần thêm sự thấu hiểu thông qua phương pháp thuyết phục, động viên, cùng chia sẻ khó khăn liên quan đến phương cách thu nợ học phí.
Dưới góc độ cá nhân, thiết nghĩ việc nhà trường đăng tải thông tin sinh viên nợ học phí lên cổng thông tin điện tử nhà trường có thể sẽ ảnh hưởng nhất định với người học.
Bởi các lý do: Thứ nhất, thông tin dữ liệu cá nhân của sinh viên cần được bảo vệ theo pháp luật hiện hành, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số nhằm giảm thiểu thấp nhất rủi ro có thể phát sinh.
Thứ hai, vô tình tạo nên áp lực tâm lý không đáng có (mặc cảm, tự ti giữa sinh viên đã hoàn thành nghĩa vụ học phí và sinh viên còn nợ).
Thứ ba, công khai dữ liệu cá nhân sinh viên theo hướng này sẽ để lại “vết tích” trên mạng, nhà tuyển dụng có thể dễ dàng tìm hiểu “lai lịch” sinh viên trong thời gian học tập ở trường qua công cụ tìm kiếm Google. Điều này để lại ấn tượng không tốt cho người dự tuyển.
Vì thế, phòng Tài vụ nhà trường thông qua trưởng đơn vị phối hợp với cố vấn học tập để thường xuyên nhắc nhở sinh viên nợ học phí có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ của mình trong quan hệ với nhà trường, đặc biệt là nguồn thu của trường đại học tự chủ.
Đồng thời, định kỳ mỗi buổi sinh hoạt lớp, cố vấn học tập tranh thủ nhắc lại vấn đề này với sinh viên nợ học phí nhằm đảm bảo điều kiện cần và đủ để tham dự kỳ thi kết thúc học phần theo quy chế nhà trường. Đây có thể được xem là biện pháp hài hòa nhất cho mối quan hệ giữa nhà trường và người học liên quan đến tình trạng nợ học phí hiện nay.
TS Tôn Quang Cường - Chủ nhiệm Khoa Công nghệ giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội): Một bàn tay không tạo nên tiếng vỗ
Không nên hiểu một cách “trần trụi” là nhà trường đang đòi nợ sinh viên; càng không được coi đây là “khoản nợ theo quan hệ tài chính” (vì không có hoạt động giao dịch đối tác, lãi suất, điều kiện thanh toán phát sinh…). Tình huống này có thể hiểu là những thông tin mang tính chất “cảnh báo học vụ”; kèm theo đó là các hình thức hạn chế, hoặc điều kiện kèm theo để sinh viên tiếp tục thực hiện nhiệm vụ học tập của mình theo quy chế của đơn vị và quy định hiện hành khác.
Chắc chắn không nhà trường nào đặt giải pháp này lên ưu tiên số một. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cụ thể, khi trường thông báo công khai trên website chi tiết thông tin cá nhân của sinh viên nợ học phí, thì đó có vẻ là giải pháp thiếu chuyên nghiệp, thậm chí có thể gây ra hiệu ứng xã hội, khủng hoảng truyền thông đối với chính đơn vị.
Trường đại học hiện nay thường được coi là “nhân tố xã hội tích cực”, có trách nhiệm xã hội cao cả, cung cấp những trải nghiệm và môi trường (có văn hóa) học tập tốt nhất cho người học. Do đó, dù là loại hình trường, cấu trúc tổ chức hay mô hình quản trị nào được áp dụng, thì trước hết phải là môi trường giáo dục thể hiện chất nhân văn, nhân bản và khai phóng.
Các mệnh lệnh, văn bản, giải pháp mang tính hành chính, hoạt động liên quan đến quản lý, đào tạo… đều hướng đến người học, tạo cơ hội cho họ được trải nghiệm và phát triển những giá trị, phẩm chất cao đẹp. Một nét văn hóa học đường tích cực, nơi mà sự chia sẻ và thấu cảm, hỗ trợ và hiểu biết đến với từng người học được đặt lên hàng đầu, giúp sinh viên vượt qua những cảnh huống (dù nguyên nhân nào dẫn đến đi chăng nữa) mà không cảm thấy bị kỳ thị hay xấu hổ.
Về giải pháp cho vấn đề này, tôi cho rằng, nếu nhà trường có quy trình quản lý, quản trị, điều hành hợp lý, chắc chắn đã không xảy ra trường hợp đáng tiếc như vừa rồi. Chúng ta đều biết đến những mô hình quản lý chất lượng tổng thể (TQM), ISO, đảm bảo chất lượng giáo dục…, nhưng việc áp dụng chưa thực sự đi sâu vào vấn đề, quy trình, thủ tục, phân luồng giải quyết… gắn với nghĩa vụ và trách nhiệm thực hiện từng chủ thể (nhà trường và người học).
Mặt khác, nhà trường có thể triển khai áp dụng các hệ thống nền tảng, giải pháp, công nghệ nhằm hỗ trợ, cung cấp công cụ xử lý hiệu quả vấn đề truyền thông, cảnh báo và xử lý thông tin trong giao tiếp với người học…
Cuối cùng, nhà trường nên mở rộng kênh thông tin, nắm bắt, hỗ trợ sinh viên tiếp cận sớm với việc làm phù hợp và hỗ trợ linh hoạt sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, học tập. Ở góc độ ngược lại, người học cần có ý thức, trách nhiệm đối với việc học và nghĩa vụ liên quan.
Thực hiện nghĩa vụ đóng học phí được thể hiện trong các quy chế chung, cũng như quy định của từng trường với các khoản, mục, điều khoản thi hành rõ ràng, cụ thể. Kèm theo đó là các quy định rõ ràng về việc vi phạm nghĩa vụ này (từ việc không cho phép đăng ký các học phần kế tiếp đến cảnh báo học vụ và các hình thức khác). Khi nhập học, hằng năm trước mỗi học kỳ, thông qua hệ thống thông tin trên website, văn bản hướng dẫn, hệ thống cố vấn học tập… thông tin này đều được truyền tải trực tiếp đến người học để nhắc nhở nghĩa vụ thực hiện.
Do đó, nhà trường cần áp dụng các biện pháp hiệu quả để thực hiện nhắc nhở, cảnh báo hoặc thi hành trong từng trường hợp cụ thể là đúng với quy định. Nhưng cách thông báo công khai danh tính cùng với khoản tiền thực hiện nghĩa vụ này là chưa phù hợp với môi trường và mục đích giáo dục.
Bên cạnh đó, người học đã nắm được mà cố tình không đóng học phí thì đó là ý thức, trách nhiệm chưa tốt. Do đó, bên cạnh đòi hỏi từ nhà trường, người học cũng phải nghiêm túc thực hiện đúng nghĩa vụ.